Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Truyện ngắn Bảo Ninh, thơ Lưu Quang Vũ vào SGK Ngữ văn 9 mới
Thứ Bảy, 16/03/2024 | 15:12
Số lượt xem: 999Những tên tuổi nổi bật của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới như Bảo Ninh, Lưu Quang Vũ có mặt trong sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Nhiều tác giả tiêu biểu lần đầu được giới thiệu
Ngữ liệu là một trong những yếu tố nổi bật của SGK Ngữ văn 9, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (bộ sách Kết nối), một trong ba bộ sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và phê duyệt để triển khai vào năm học 2024-2025.
Truyện ngắn Bảo Ninh, thơ Lưu Quang Vũ vào SGK Ngữ văn 9 mới
Ngoài các tác giả, tác phẩm quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh (HS), sách sử dụng tác phẩm của một số gương mặt nổi tiếng, mang tính đại diện cho một thời kỳ văn học hiện đại nhưng chưa từng xuất hiện trong SGK trước đây.
Tiêu biểu cho văn học Việt Nam thời kì đổi mới có nhà văn Bảo Ninh. Học SGK Ngữ văn 9, bộ Kết nối, HS lần đầu tiên được tiếp cận tác giả nổi tiếng này qua truyện ngắn Bí ẩn của làn nước (Bài 5. Đối diện với nỗi đau). Lên Ngữ văn 12, bộ Kết nối, HS còn được gặp lại Bảo Ninh qua tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh (cùng với Nguyễn Huy Thiệp qua Muối của rừng). Lùi xa hơn, có thể thấy trong bộ sách này sáng tác của một số nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới như Nguyễn Nhược Pháp (bài thơ Sơn Tinh - Thuỷ Tinh), Bích Khê (bài thơ Tiếng đàn mưa).
Một số tác giả vốn quen thuộc với nhà trường phổ thông qua nhiều năm tháng, nhưng ở Ngữ văn 9, bộ Kết nối, họ xuất hiện cùng với tác phẩm chưa từng có mặt trong các chương trình và SGK trước đây, chẳng hạn Nguyễn Bính với bài thơ Mưa xuân, Lưu Quang Vũ với bài thơ Tiếng Việt.
Theo yêu cầu của Chương trình môn Ngữ văn 2018, HS lớp 9 cần được học cách đọc tác phẩm bi kịch và truyện trinh thám (một thể loại văn học lần đầu tiên được đưa vào chương trình, SGK Ngữ văn của Việt Nam).
Với bi kịch, nhóm tác giả Ngữ văn 9, bộ Kết nối đã lựa chọn các đoạn trích từ những vở kịch kinh điển Romeo và Juliet (William Shakespeare), Le Cid (Pierre Corneille).
Với thể loại truyện trinh thám, do đặc trưng thể loại, việc tìm được văn bản có nội dung phù hợp với HS là một thử thách.
Ngữ văn 9, bộ Kết nối đã chọn được các tác phẩm vừa đáp ứng yêu cầu về thể loại của chương trình vừa có nội dung dễ tiếp nhận đối với HS, đó là truyện trinh thám Ba chàng sinh viên trong tuyển tập nổi tiếng Sherlock Holmes của Conan Doyle, Bài hát đồng sáu xu của "nữ hoàng truyện trinh thám" Agatha Christie.
Các tác phẩm bi kịch và truyện trinh thám nói trên đều thuộc về những tên tuổi lớn của văn học thế giới, đại diện xuất sắc cho thành tựu sáng tác ở thể loại văn học gắn với sự nghiệp của họ.
Nhiều khó khăn khi chọn ngữ liệu
PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên SGK môn Tiếng Việt - Ngữ văn cho biết, việc tìm kiếm, lựa chọn văn bản phù hợp với yêu cầu của chương trình mới gặp không ít khó khăn.
PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên SGK môn Tiếng Việt - Ngữ văn cho biết quá trình lựa chọn ngữ liệu của đội ngũ biên soạn cũng gặp phải nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề bản quyền
Chương trình mới môn Ngữ văn chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng cung cấp kiến thức sang giúp cho HS phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực, trong đó có phát triển kỹ năng đọc, viết, nói và nghe cho HS. Việc chọn ngữ liệu trước hết phải đáp ứng được yêu cầu của chương trình về đọc hiểu theo thể loại ở từng lớp học.
Ngoài ra, ngữ liệu còn phải đảm bảo chất lượng về nghệ thuật và nội dung tư tưởng, gần gũi với vốn sống, tâm lí của HS, đồng thời phải giải quyết rất nhiều mối tương quan giữa các nền văn học, giữa các thời kì của văn học Việt Nam, giữa các vùng miền… Chọn được văn bản thực sự phù hợp như cách biên soạn SGK trước đây đã khó, chọn văn bản đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như đã nêu trên còn khó hơn gấp bội.
Quá trình lựa chọn ngữ liệu của đội ngũ biên soạn cũng gặp phải nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề bản quyền. Có văn bản đã được thẩm định ở vòng 1, nhưng qua vòng 2, nhóm tác giả phải thay thế bằng tác phẩm khác do không giải quyết được vấn đề bản quyền. Việc biên soạn SGK trước đây không phải đối mặt với những khó khăn như thế.
HS có được trang bị kiến thức về lịch sử văn học?
Nhiều giáo viên khi dạy SGK Ngữ văn lớp 6, 7, 8 của cả ba bộ sách theo Chương trình Ngữ văn 2018 có nhận xét: SGK Ngữ văn mới được biên soạn theo mô hình SGK phát triển năng lực nên kiến thức về lịch sử văn học bị mờ nhạt đi rất nhiều.
PGS-TS Bùi Mạnh Hùng khẳng định sách Ngữ văn 9 giúp HS có cái nhìn tổng quan về lịch sử văn học nước nhà
Tuy nhiên, theo quy định của chương trình lớp 9, HS cần biết "vận dụng một số hiểu biết về lịch sử văn học Việt Nam để đọc hiểu văn bản văn học".
SGK Ngữ văn 9 bộ Kết nối đã giải quyết khá thỏa đáng yêu cầu bổ sung một số kiến thức về lịch sử văn học Việt Nam cho HS lớp cuối cấp bằng cách sắp xếp các bài học đầu tiên của bộ sách dành cho những thể loại có thành tựu lớn của văn học trung đại Việt Nam (truyện truyền kì, thơ song thất lục bát, truyện thơ Nôm), lồng ghép một số kiến thức về lịch sử văn học ở phần thuyết minh về tác giả, tác phẩm sau văn bản đọc, đặc biệt là yêu cầu HS tự chọn một số tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam qua các thời kì để tự đọc trong Dự án đọc sách ở bài 10 vốn triển khai xuyên suốt cả 4 lớp ở cấp THCS, góp phần phát triển văn hóa đọc cho HS một cách hiệu quả, nhưng ở lớp 9, bài học này có tên gọi đậm chất "văn học sử": Văn học - lịch sử tâm hồn.
Ngoài ra, ở bài 10 còn có một văn bản đọc được viết khá cô đúc, cung cấp thông tin quan trọng về các bộ phận và các thời kì phát triển của văn học Việt Nam, giúp HS có cái nhìn tổng quan về lịch sử văn học nước nhà. Có thể nói, đó là phương án xử lí rất thỏa đáng đối với yêu cầu cung cấp kiến thức bổ sung về lịch sử văn học Việt Nam của SGK Ngữ văn 9, bộ Kết nối.