Sản phẩm » Giới thiệu sách

Tự sự học từ kinh điển đến hậu kinh điển

Thứ Hai, 08/07/2024 | 09:43

Số lượt xem: 2117

NXBGDVN- Vận dụng tri thức của nhiều ngành khoa học khác nhau, hiện nay Tự sự học được coi là phương pháp hữu hiệu bậc nhất để phân tích các thể loại văn học đến các thể loại phi văn học (lịch sử, quảng cáo, tranh tụng…)

Tự sự học là thành quả tổng hợp của ngành nghiên cứu văn học, ngôn ngữ học, kí hiệu học. Vận dụng tri thức của nhiều ngành khoa học khác nhau, hiện nay Tự sự học được coi là phương pháp hữu hiệu bậc nhất để phân tích các thể loại văn học đến các thể loại phi văn học (lịch sử, quảng cáo, tranh tụng…). Từ những năm 60 của thế kỉ XX, Tự sự học đã hình thành như một bộ môn đặc thù của nghiên cứu văn học với nhiệm vụ riêng và phương pháp riêng. Trên thế giới, Tự sự học có nhiều tên tuổi lừng danh như G. Genette, R. Barthes, T. Todorov, V. Shklovski, M. Bakhtin… Ở Việt Nam, Tự sự học chỉ được giới thiệu từ đầu thế kỉ XXI qua một số cuộc hội thảo, kỉ yếu, một vài tác phẩm dịch. Dù được biết đến chưa lâu nhưng Tự sự học đã có ảnh hưởng rất lớn đến giới chuyên môn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu ngày càng cao về lĩnh vực này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cho ấn hành cuốn sách Tự sự học - Từ kinh điển đến hậu kinh điển năm 2022 của nhóm tác giả 9 người do GS. TS. Nhà giáo Nhân dân Trần Đình Sử làm chủ biên. Cuốn sách dày 528 trang, là công trình đầu tiên ở nước ta giới thiệu đầy đủ, bao quát, có hệ thống sự hình thành, các phạm trù, khái niệm cơ bản, các khuynh hướng của tự sự học kinh điển đến hậu kinh điển.

Tự sự học kinh điển lấy mô hình ngôn ngữ của F.de F. Saussure làm cơ sở lý thuyết và lấy phương hướng của chủ nghĩa khám phá cấu trúc nội tại của tự sự làm nội dung, tách rời ngữ cảnh và tác động của xã hội, lịch sử. Với cách tiệp cận trên, Tự sự học kinh điển đã phát triển qua ba loại hình: Thứ nhất là nghiên cứu mô hình ngữ pháp tự sự không quan tâm đến diễn ngôn; Thứ hai là nghiên cứu diễn ngôn tự sự mà không quan tâm đến câu chuyện, nhân vật; Thứ ba là nghiên cứu tổng thể. Trong cuốn sách này, người đọc được giới thiệu một cách khái quát bước ngoặt của Tự sự học kinh điển qua các bài viết: Sự chuyển hướng nghiên cứu từ câu chuyện sang cấu trúc ngữ pháp truyện kể; Sự chuyển hướng, nghiên cứu từ truyện kể sang diễn ngôn trần thuật.... Đó cũng là cơ sở để các tác giả trình bày những khái niệm có liên quan như: văn bản trần thuật, diễn ngôn trần thuật, người kể chuyện, điểm nhìn trần thuật, thời gian trần thuật, không gian trần thuật… mà Tự sự học phải nghiên cứu. Các bài viết cũng đã khái quát quá trình phát triển Tự sự học qua các công trình nghiên cứu của các học giả Mỹ, châu Âu, Nga, Trung Quốc đúc rút thành hệ thống lý luận toàn diện và chuyên sâu. Đó là cơ sở lý thuyết quan trọng giúp những nhà nghiên cứu, nhìn nhận đánh giá về văn học cũng như các hiện tượng tự sự toàn diện và khách quan.

Tự sự học kinh điển dù đã mở ra cách tiếp cận sâu hơn đối với các văn bản tự sự nhưng nó vẫn có những hạn chế nhất định do thiên về việc phân tích hình thức, cấu trúc bên trong dù rất tỉ mỉ nên kết quả thường kém hấp dẫn, có xu hướng làm nát chỉnh thể. Để bổ khuyết cho những nhược điểm trên, Tự sự học hậu kinh điển ra đời. Theo đó, Tự sự học hậu kinh điển chú trọng tới ngữ cảnh phát ngôn, ngữ cảnh văn hoá, tới ý thức hệ đặt trong điểm nhìn. Nó chú trọng tới ý nghĩa đạo đức, giá trị tu từ, sự biểu hiện của giới tính và phái tính, biểu hiện dân tộc tính... Trong vô vàn vấn đề về Tự sự học hậu kinh điển, các tác giả đã lựa chọn trình bày và phân tích 4 hướng nghiên cứu chính: tự sự học tri nhận; tự sự học gắn với phái tính; tự sự học tu từ; tự sự học điện ảnh và nghệ thuật thị giác. Các hướng nghiên cứu này cũng gắn với ba động hướng quan trọng của Tự sự học hậu kinh điển đã được giới nghiên cứu nhất trí: hướng tới ngữ cảnh; hướng đến người tiếp nhận; và xuyên thể loại, xuyên phương tiện, xuyên môi trường truyền thông.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những ứng dụng của lý thuyết Tự sự học trong thực tiễn, các tác giả cũng giới thiệu về Tự sự học ở Nga, Trung Quốc và  Việt Nam. Tự sự học Nga dù phát triển muộn nhưng lại có sự ảnh hưởng sâu rộng đối với Tự sự học thế giới. Theo đó, bức tranh nghiên cứu tự sự được trình bày qua các tác phẩm của A.Chekhov, A.S Pushkin, N. Gogol, F. Dostoievski, M. Lermontov… Ở Trung Quốc, các học giả nhanh chóng tiếp thu thành tựu của Tự sự học thế giới để tìm ra hướng đi riêng và áp dụng vào thực tế văn học trong nước. Ở Việt Nam, bên cạnh việc dịch các tác phẩm tự sự học của nước ngoài, cũng có một số công trình ứng dụng Tự sự học của các nhà nghiên cứu trong nước được xuất bản thành sách hoặc đăng trên các tạp chí.

Có thể nói, Tự sự học – Từ kinh điển đến hậu kinh điển là công trình khoa học có giá trị, cung cấp cho người đọc một bức tranh toàn diện về các nội dung của Tự sự học, đồng thời gợi mở một cách có hệ thống, nhiều chiều, một không gian học thuật mới cho giới nghiên cứu và phê bình văn học nước nhà. Cuốn sách cũng là một đóng góp nhỏ trong quá trình phát triển Tự sự học ở nước ta, là tài liệu quý cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu quan tâm đến các vấn đề của Tự sự học.

 

Kim Ngọc

Cùng chuyên mục

Giáo dục bằng tình yêu thương

Thứ Hai, 18/11/2024 | 09:28

Giáo dục bằng tình yêu thương là cuốn sách do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành bao gồm các bài viết chọn lọc do ghi lại các câu chuyện

Mô hình giáo dục phòng ngừa thiên tai cho học sinh trung học (Sách chuyên khảo)

Thứ Hai, 11/11/2024 | 09:53

Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam của châu Á, ven biển Thái Bình Dương với ba mặt giáp biển, lãnh thổ kéo dài hình chữ S, hẹp về chiều ngang, núi đồi chiếm đến 3/4 diện tích đất liền.

Lịch sử  thế giới cổ đại

Thứ Sáu, 01/11/2024 | 14:30

Lịch sử cổ đại là một đề tài hấp dẫn luôn được nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu. Tuy nhiên, khái niệm cổ đại có nghĩa như thế nào, bắt đầu và kết thúc vào thời điểm nào vẫn còn nhiều quan niệm khác nhau

Tài liệu tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán trường phổ thông dân tộc nội trú về khởi nghiệp trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa dân tộc

Thứ Sáu, 01/11/2024 | 14:22

Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, hoạt động giáo dục khởi nghiệp gặp không ít khó khăn.