Sản phẩm » Giới thiệu sách
Văn học dân gian An Giang – Khảo luận và sưu tầm
Thứ Sáu, 02/06/2023 | 15:16
Số lượt xem: 4811NXBGDVN - Văn học dân gian An Giang – Khảo luận và sưu tầm là cuốn sách do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành dựa trên đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh giai đoạn (2004-2006) được thực hiện bởi nhóm tác giả gồm 19 người do TS. Huỳnh Công Tín – Chủ nhiệm đề tài kiêm Chủ biên.
Cuốn sách gồm hai phần: Phần Khảo luận và phần Sưu tầm.
Phần Khảo luận gồm các bài viết nhận định, đánh giá về Văn học dân gian An Giang và được triển khai theo hướng thể tài và hướng chủ đề. Hướng thể tài và gồm các bài viết như: “Văn học dân gian An Giang” nêu những nhận định khái quá về văn chương dân gian An Giang. Các bài viết “Truyện dân gian An Giang”, “Ca dao- dân ca An Giang”, “Các loại thể khác của văn chương dân gian An Giang” giới thiệu những vấn đề chung và chi tiết về nội dung và hình thức nghệ thuật của từng loại thể, từng chủ đề của văn học dân gian An Giang. Ngoài ra, văn chương dân gian trong thời kì mới, thời kì kháng chiến và xây dựng đất nước còn được đề cập tới qua bài viết: “Văn chương dân gian An Giang thời kì kháng chiến và xây dựng đất nước.”
Hướng chủ đề gồm bốn bài viết: “Nét riêng của văn chương dân gian An Giang” nhằm so sánh, làm rõ những đặc trưng của văn chương dân gian An Giang so với văn chương dân gian Việt Nam. “Lối nhìn của người bình dân An Giang qua sáng tác dân gian” nêu lên một vài hướng nghĩ, cách nhận thức cuộc sống của người dân nơi đây. “Quê hương và con người An Giang qua sáng tác dân gian” là bức tranh An Giang được khái quát từ cảm nhận của người dân qua những sáng tác dân gian của chính mình. Đáng chú ý là bài viết “Yếu tố dân tộc, tín ngưỡng – tôn giáo trong văn chương dân gian An Giang” đã nêu những đặc trưng về dân tộc thiểu số, các loại hình tín ngưỡng ở vùng đất này để người đọc hiểu hơn về sự ra đời và ý nghĩa của các sáng tác dân gian.
Phần Sưu tầm gồm văn xuôi và văn vần với đủ các thể loại chính yếu của văn học dân gian với nguồn tư liệu khổng lồ trong phạm vi toàn tỉnh.
- Phần truyện kể dân gian được chia thành các loại:
1. Truyện về địa danh;
2. Truyện về danh nhân, nhân vật;
3. Truyện về văn hoá;
4. Truyện về sản vật;
5. Truyện về loài vật;
6. Truyện sinh hoạt;
7. Truyện vui cười, hài hước;
8. Truyện kể các dân tộc ít người (Khmer, Chăm, Hoa).
- Phần ca dao – dân ca, chủ yếu là các câu ca dao, hò và các thể loại dân ca khác về các chủ đề: quê hương đất nước, con người, đời sống, lao động, sinh hoạt, tình cảm gia đình, quan hệ xã hội, tình yêu nam nữ, quan niệm sống, kinh nghiệm sống, chống phong kiến, thói hư, tật xấu, kháng chiến, xây dựng đất nước.
- Phần loại thể khác bao gồm: tục ngữ, câu đố, vè, đồng dao, lô tô (xổ số dân gian),... Các loại thể này biểu hiện sự phong phú cho diện mạo văn học dân gian An Giang.
Ngoài ra, sách còn giới thiệu những đặc điểm mang sắc thái riêng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, phong tục, tín ngưỡng, của mảnh đất và con người An Giang và đó cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tác truyền miệng trong công chúng.