Sản phẩm » Giới thiệu sách
Văn học và ngôn ngữ trong thế giới đương đại – Bản sắc và hội nhập
Thứ Hai, 09/09/2024 | 14:49
Số lượt xem: 1223NXBGDVN - Cuốn sách Văn học và Ngôn ngữ trong thế giới đương đại - Bản sắc và hội nhập với chủ đề mở là tập hợp 77 bài tham luận trong cuộc Hội thảo quốc gia nhân kỉ niệm 70 năm ngày thành lập khoa Ngữ văn – Đại học Sư phạm Hà Nội. Các bài viết đã nêu phản ánh nhiều vấn đề văn học và ngôn ngữ trong đời sống và học thuật với phương pháp tiếp cận truyền thống trên ngữ liệu mới và cách tiếp cận – khám phá mới trên ngữ liệu quen thuộc. Cuốn sách có giá trị làm tài liệu tham khảo cho các nhà chuyên môn, nghiên cứu sinh, học viên, giáo viên và những ai yêu văn học.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, toàn cầu hóa và đa văn hóa, yêu cầu đổi mới về hướng tiếp cận, thông giải các vấn đề, các hiện tượng văn học – ngôn ngữ và phương pháp dạy học, yêu cầu nắm bắt và vận dụng những lí thuyết mới vào thực tiễn văn học, ngôn ngữ cũng như những định hướng nghề nghiệp cho người học luôn được đặt ra. Cuốn sách Văn học và Ngôn ngữ trong thế giới đương đại - Bản sắc và hội nhập với chủ đề mở là tập hợp 77 bài tham luận trong cuộc Hội thảo quốc gia nhân kỉ niệm 70 năm ngày thành lập khoa Ngữ văn – Đại học Sư phạm Hà Nội.
Các bài tham luận trong Sách đều có xu hướng nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học giáo dục. Các chủ đề chính bao gồm:
- Nghiên cứu di sản văn hóa truyền thống như các tín ngưỡng văn hóa và đặc điểm biểu hiện trong đời sống xã hội và tâm thức cộng đồng: Giới thiệu văn bia có nội dung về tín ngưỡng thờ mẫu ở Nam Định (Trần Đại An); Sự kiến tạo bản sắc dân tộc trong du kí Việt Nam đương đại (Nguyễn Thị Ngọc Minh); Giá trị nhân sinh trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Mường ở Hòa Bình (Bùi Văn Niên).
- Nghiên cứu ngôn ngữ học và tiếng Việt chủ yếu là bản sắc ngôn ngữ và đặc trưng tiếng việt, vận dụng các lí thuyết ngôn ngữ học và ứng dụng trong nghiên cứu Việt ngữ học: Lược giải các hướng nghiên cứu từ Hán - Việt: Thành tựu và những vấn đề tiếp tục đặt ra (Lư Nguyên Minh – Đào Ngọc Khánh An); Nghiên cứu đối sánh các loại hình ngôn ngữ thơ trong nội bộ một dòng văn học (Lã Nguyên); Phân biệt câu phân loại theo mục đích phát ngôn theo lối trực tiếp và gián tiếp với hành động ngôn ngữ trực tiếp và gián tiếp (Trần Kim Phượng),…
- Nghiên cứu di sản văn học Việt Nam trung đại: khảo cứu, phân tích đánh giá về tác giả - tác phẩm và các khía cạnh có liên quan, các khảo luận mới về Nguyễn Du, Phan Văn Trị, thơ văn Cần Vương… trong diễn trình lịch sử văn học dân tộc: Phương pháp phê bình mới của Trương Tửu trong nghiên cứu Truyện Kiều của Nguyễn Du (Hoàng Thị Hiền Lê); Thơ Phan Văn Trị -130 năm nhìn lại (Đoàn Lê Giang); Thơ văn Cần Vương nửa cuối thế kỉ XIX từ góc nhìn phong cách nghệ thuật (Trần Thị Hoa Lê)...
- Nghiên cứu và ứng dụng các lí thuyết văn học: Giới thiệu phương hướng ứng dụng các lí thuyết trên cơ sở văn bản tác phẩm văn học cụ thể và đề xuất các mô hình triển khai mới như vấn đề “ kết cấu phân mảnh”, “kết cấu không gian”, “chủ thể trần thuật nữ”, “diễn ngôn giới tính”,…: Trường thơ Loạn trong tiến trình thơ mới – Nhìn từ không – thời gian nghệ thuật (Chu Lê Phương); Chủ thể trần thuật nữ có tiêu điểm bên trong văn xuôi hư cấu của tác giả nữ Việt Nam đương đại (Thái Thị Phương Thảo…
- Nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại: Khảo luận sâu về tác giả, tác phẩm, tư tưởng, phong cách, ngôn ngữ, nhân vật trong văn học Việt Nam hiện đại và đương đại như: Bàn thêm về chữ “tình”, cái “tình” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (Vũ Công Hảo); Đặc điểm ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam (Nguyễn Thị Hường); Một vài cảm nhận về dấu ấn hiện đại trong Khát của Vi Thùy Linh (Đào Thị Mỹ Hạnh)…
Nghiên cứu văn học nước ngoài và văn học dịch: Luận giải nhiều khía cạnh về các tác giả và tác phẩm; vấn đề tiếp nhận văn hóa qua văn học dịch như: Sự tiếp nhận văn hóa qua văn học dịch ở Việt Nam (Lê Huy Bắc); Giải mã con số trong tội ác và hình phạt của F.M Dostoevsky (Thành Đức Hồng Hà;, Rabindranath Tagore trong dòng chảy văn hóa truyền thống Ấn Độ (Nguyễn Thị Mai Liên)…
Nghiên cứu lí luận và phương pháp dạy học ngữ văn trong nhà trường Việt Nam và khả năng vận dụng sáng tạo trọng dạy học ngữ văn hiện nay như: Vận dụng “vòng tròn văn học” vào tổ chức dạy học đọc hiểu truyện ngắn hiện đại cho học sinh lớp 9 (Đoàn Thị Thanh Huyền); Thiết kế và triển khai chủ đề trong dạy học văn học trung đại Việt Nam ở trường THPT (Nguyễn Thị Diễm Kiều); Một số chiến thuật dạy học đọc hiểu văn bản thơ trữ tình trong nhà trường phổ thông từ tín hiệu thẩm mĩ (Lê Thị Thùy Vinh)…
Các bài viết đã nêu phản ánh nhiều vấn đề văn học và ngôn ngữ trong đời sống và học thuật với phương pháp tiếp cận truyền thống trên ngữ liệu mới và cách tiếp cận – khám phá mới trên ngữ liệu quen thuộc. Cuốn sách có giá trị làm tài liệu tham khảo cho các nhà chuyên môn, nghiên cứu sinh, học viên, giáo viên và những ai yêu văn học.