Tin tức » Trang sách tôi yêu
Lặng thầm công việc phía sau người viết Sách giáo khoa Âm nhạc
Thứ Ba, 29/03/2022 | 10:30
Số lượt xem: 2611NXBGDVN – NXB Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết dự thi Cuộc thi sáng tác “Trang sách tôi yêu” của nhà báo Ngô Khiêm.
Cầm trên tay bộ sách giáo khoa (SGK) Âm nhạc của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN), nhiều phụ huynh, học sinh và nhân dân đều tâm đắc về nội dung lẫn hình thức nhưng không phải ai cũng hiểu về công việc lặng thầm của người viết sách. Họ cần mẫn như những chú ong thợ góp mật xây cho đời những bộ sách có giá trị bởi hơn ai hết họ hiểu rằng SGK Âm nhạc có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành, phát triển nhân cách, trí tuệ và tâm hồn của học sinh, chứ không đơn thuần là môn phụ như nhiều người vẫn quan niệm xưa nay.
Họp đến 11 giờ đêm là chuyện… bình thường
Tiến sĩ Đỗ Thị Minh Chính
Tôi biết đến Tiến sĩ Đỗ Thị Minh Chính qua lời giới thiệu của một người bạn, tuy nhiên khi trò chuyện tôi nhận ra dường như chị đã là “người quen” của mình. Chị chính là thành viên trong nhóm sinh viên 9-1 (Mùng chín tháng giêng) đình đám dưới sự dẫn dắt của nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến - tác giả ca khúc “Bài ca sinh viên” mà thế hệ 8X, 9X không ai là không biết. Tiến sĩ Chính trong mắt tôi là người phụ nữ sâu sắc nhưng luôn gần gũi, cởi mở và rất… thanh niên như tinh thần của nhóm nhạc mà chị từng là thành viên. Chị nguyên là Chủ nhiệm Khoa Sư phạm âm nhạc, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương và từ năm 2012 đến nay chị là giảng viên (cộng tác) Khoa Sau đại học, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Năm 2016, chị được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời làm thành viên Hội đồng tư vấn xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (CTGDPTTT) môn Âm nhạc và sau đó là Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định CTGDPTTT môn Âm nhạc năm 2017.
Tôi thật sự bất ngờ khi chị bảo, bản thân sinh ra trong một gia đình không có ai theo âm nhạc. Cô bé Chính ngày nhỏ đã tham gia Câu lạc bộ măng-đô-lin và nuôi ước mơ trở thành nhà hoạt động âm nhạc. Quả thật sau khi được lĩnh hội kiến thức tại trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương (nay là Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) và Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) cùng quá trình rèn luyện, nỗ lực không ngừng, nay chị đã trở thành một chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực sư phạm âm nhạc. Và đó cũng là lý do mà NXBGDVN mời chị là đồng chủ biên bộ SGK Âm nhạc “Kết nối tri thức với cuộc sống”.
Để thực hiện khối lượng công việc khổng lồ này, chị đã tham khảo tài liệu ở nhiều quốc gia mà chị từng đến tham quan và trao đổi kinh nghiệm đào tạo, như: Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản… và tài liệu của một số quốc gia phương Tây, như: Đức, Pháp, Mỹ… để học hỏi về quan điểm, cách tiếp cận sách giáo khoa phát triển năng lực và cập nhật các phương pháp dạy học âm nhạc đặc thù và hiện đại của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; nhất là trong bối cảnh bùng nổ của kỷ nguyên công nghệ, sự tiện ích của các nền tảng trực tuyến và sự ra đời của nhiều phần mềm âm nhạc…
Ở Việt Nam, mặc dù môn học Âm nhạc được đưa vào bậc học phổ thông cũng vài thập kỷ nhưng việc nghiên cứu mang tính hệ thống về giáo dục âm nhạc ở bậc phổ thông vẫn còn nhiều điều cần phải học hỏi và cập nhật. “Chúng tôi đã mày mò tìm ra cấu trúc, triết lý cuốn sách để từ đó có cách viết bám sát triết lý đó. Chúng tôi đã trăn trở suốt gần 3 năm trời, không thể kể hết những buổi họp ngoài giờ (bởi lúc ấy chúng tôi còn đang công tác) vào chủ nhật, vào các buổi tối và làm việc đến 11 giờ đêm là chuyện… bình thường. Để thay đổi không khí, chúng tôi cũng thường ra quán cà phê có không gian rộng cùng ngồi bàn luận, suy nghĩ và có thể ăn tối bằng bánh giò, trứng vịt lộn, bánh mỳ ngay tại đây”, Tiến sĩ Chính nhớ lại.
Theo Tiến sĩ Chính thì cái khó của nhóm tác giả là thiết kế sách phát triển năng lực phải hiện đại, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục, hòa nhập với thế giới, đồng thời vẫn giữ được nền tảng, bản sắc, chất liệu của âm nhạc dân gian và điều kiện dạy học môn Âm nhạc ở các trường phổ thông ở Việt Nam. Cách thiết kế bài học theo chủ đề phải tích hợp được nội dung của chương trình mới để làm sao cấu trúc các bài học phù hợp, nhất là cấp tiểu học sao cho vừa sức, về thời gian để tâm sinh lý học sinh không bị phân tán rồi yêu cầu phải bám sát về khả năng hát, nghe, vận động, sáng tạo âm nhạc. Và điều quan trọng bài học phải tạo ra được nhiều cơ hội cho mỗi học sinh đều tự tin thể hiện những hiểu biết và các năng lực âm nhạc của mình.
Đội ngũ viết sách của nhóm bao gồm những thành viên làm công tác nghiên cứu và đào tạo ngành sư phạm âm nhạc và các giáo viên trực tiếp dạy học âm nhạc ở bậc phổ thông; và chắc chắn mỗi người sẽ có những ý kiến, quan điểm nhìn nhận khác nhau. Tuy nhiên vai trò của tổng chủ biên là phải dẫn dắt, định hướng được đội ngũ đi theo con đường khoa học và triết lý của bộ sách. “Có những vấn đề khi tổng chủ biên đưa ra đạt được sự thống nhất cao nhưng cũng có vấn đề mà ngay cả ý kiến của các tác giả đưa ra cũng vấp phải những trao đổi và tranh luận nảy lửa. Song công việc đôi lúc không thể “dĩ hòa vi quý”, nhất là trong những trường hợp các tác giả có sự có cảm nhận khác nhau về việc lựa chọn các tác phẩm, ngữ liệu hoặc cách triển khai cấu trúc, nội dung của bài học… và lúc này người tổng chủ biên cần phải là người đưa ra lý lẽ thuyết phục anh em một cách thuận lý nhất để từ đó tìm được tiếng nói chung, và cũng là người đưa ra những quyết định cuối cùng cách triển khai thiết kế các hoạt động trong bài học ra sao để vừa đảm bảo các nguyên tắc của giáo dục học, của lý luận về phương pháp dạy học âm nhạc và gắn với thực tiễn dạy - học môn Âm nhạc ở các địa phương, vùng miền trên cả nước để cuốn sách có tính khả thi cao nhất”, Tiến sĩ Chính nhấn mạnh.
“Giáo viên không phải lo lắng gì khi dùng sách của chúng tôi”
Khi tôi gọi điện cho ThS Hồ Ngọc Khải, anh đang bị nhiễm COVID-19. Mặc dù rất mệt mỏi với sự hoành hành của con vi rút đáng sợ này nhưng khi tôi nhắc đến bộ SGK Âm nhạc “Chân trời Sáng tạo” - bộ sách do anh làm Tổng Chủ biên, dường như ở đầu dây bên kia giọng anh hào hứng hơn, dõng dạc hơn. Điều đó phần nào cho thấy anh đã đặt công sức, trí tuệ và sự tâm huyết của mình vào “đứa con tinh thần” này lớn đến thế nào. Điều mà anh cảm thấy tâm đắc nhất về bộ sách này là nó đã đề cao sự hiện đại qua các yếu tố giáo dục trải nghiệm, giáo dục giải quyết vấn đề, tính khai phóng nhưng luôn khẳng định các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam.
ThS Hồ Ngọc Khải cho biết, sau khi anh hoàn thành khóa đào tạo Thạc sĩ về giáo dục âm nhạc tại Trường University of Hawaii at Manoa (bang Hawaii, Hoa Kỳ) và trở về Việt Nam (tháng 1-2012) thì Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu khởi động cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mời anh tham gia các hoạt động khoa học và các khóa đào tạo trong và ngoài nước để chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Năm 2016, anh được mời (biệt phái) tham gia Ban Soạn thảo Chương trình môn Âm nhạc quốc gia và làm việc tại Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông. Trước khi kết thúc công việc soạn thảo Chương trình môn Âm nhạc, anh được NXBGDVN mời tham dự nhóm tác giả để chuẩn bị cho việc phát triển các bộ SGK Âm nhạc. Sau đó, vì điều kiện công tác và gia đình, anh chuyển vào tham gia viết SGK Âm nhạc bộ “Chân trời Sáng tạo” với tư cách Tổng Chủ biên.
Khi hỏi về những thuận lợi khi tham gia làm Tổng Chủ biên bộ sách này, ThS Khải thẳng thắn chia sẻ một số điểm. Là thành viên Ban chương trình quốc gia, anh đã được đào tạo qua các khóa ngắn hạn, dài hạn cũng như tham dự nhiều workshop quốc tế và trong nước về phát triển chương trình giáo dục, vì vậy anh có các cơ sở lý luận và thực tiễn để tham gia viết SGK. Hơn nữa được Quỹ học bỗng Ford cấp học bổng du học tại Hoa Kỳ, anh được tiếp cận với nhiều hình thức về sách Âm nhạc thực hành cho trẻ em của thế giới; các phương pháp dạy học âm nhạc tiên tiến thế giới để vận dụng vào bối cảnh SGK ở Việt Nam. Cùng với đó trước đây anh cũng đã là thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK Âm nhạc (Bộ sách hiện hành theo chương trình 2006) nên anh được gặp gỡ và làm việc với các chuyên gia về SGK trong nước và học nhiều bài học từ các thầy cô.
Trong công tác chuyên môn, anh thường mong muốn được chia sẻ những hiểu biết của mình với đồng nghiệp, sinh viên và giáo viên nên khi tham gia biên soạn SGK, anh luôn có sự yêu thương, hỗ trợ của họ, đặc biệt là có được niềm tin từ họ để làm động lực. Từ đó, anh cũng xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học có trình độ và có tâm, chịu thương chịu khó và cống hiến vì trẻ em và sự thay đổi của giáo dục đất nước. Khi về công tác tại Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, anh luôn được sự động viên của lãnh đạo Khoa, Trường và đồng nghiệp. Hơn nữa, trường của anh xem việc tham gia biên soạn SGK là một việc làm có ý nghĩa và là nghĩa vụ khoa học của giảng viên đó. Đó chính là một thuận lợi lớn cho bản thân anh và các thầy cô tác giả khác.
Tuy nhiên khó khăn về thời gian là một vấn đề lớn. Người viết sách phải đầu tư thời gian rất nhiều. Anh là những giảng viên, nhà giáo đang làm việc nên khối lượng công việc đè nặng và anh cần phải tận dụng mọi thời gian có thể cho việc này (làm việc khuya, cuối tuần, ngày nghỉ,...). Trong khi đó SGK đòi hỏi sự nghiêm túc về khoa học, sự tỉ mỉ, tri thức khoa học cơ bản và khoa học lĩnh vực chuyên sâu vì vậy những gì mình đã có không bao giờ là đủ. Đội ngũ vừa là thuận lợi nhưng đôi khi trở thành khó khăn. Nhóm tác giả là các thầy cô đến từ các vùng miền khác nhau; từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến Khánh Hòa, Bình Phước, Đồng Nai,... đa số các thầy cô rất bận rộn và có nhiều trọng trách nên việc kết nối thường xuyên cũng khó. Anh nghĩ là người dẫn dắt đội ngũ tác giả viết sách thì phải bao dung, nghĩ cho anh em nhiều hơn bản thân; khéo léo và chia sẻ thì mới giải quyết được các mối quan hệ và giữ được sự đoàn kết nội bộ.
Hiện SGK Âm nhạc “Chân trời Sáng tạo” đã được ban hành và đưa vào sử dụng ở lớp 1, 2, 6; các lớp 3, 7, 10 đã được Bộ phê duyệt để đưa vào nhà trường trong năm tới. “Chúng tôi được đánh giá cao về tính khoa học, thiết thực và hiện đại thể hiện trong các quan điểm biên soạn, thiết kế nội dung (tính chính xác khoa học, tính đa dạng, sự phong phú,...) thiết kế mỹ thuật (sách đẹp, hài hòa kênh hình, kênh chữ, hình ảnh phản ảnh cuộc sống chân thật,...) đặc trưng văn hóa Việt Nam (bài hát, hoạt động âm nhạc, nghệ thuật, trò chơi dân gian,...). Sách thể hiện tính dễ (dễ học, dễ dạy,...) phù hợp với lứa tuổi học sinh...”, anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, sách vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học Âm nhạc tiên tiến thế giới, như: Kodály, Dalcroze, Orff-Schulwerk nên trong mô tả và thiết kế hoạt động trong sách đã thỏa mãn các yếu tố dạy học phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; các định hướng mà giáo viên đang tiếp cận qua các chương trình tập huấn ETEP quốc gia... vì vậy nên giáo viên rất ủng hộ. “Chúng tôi cũng luôn đồng hành, hỗ trợ giáo viên từ giải quyết những thắc mắc nhỏ nhất về nội dung phương pháp dạy học nên giáo viên không phải lo lắng gì khi dùng sách của chúng tôi”, anh khẳng định.
“Các giáo viên khen sách giáo khoa mới lắm!”
Đồng chủ biên với Tiến sĩ Đỗ Thị Minh Chính trong bộ SGK Âm nhạc “Kết nối tri thức với cuộc sống” là người nhạc sĩ quen thuộc với mỗi thế hệ học sinh - nhạc sĩ Hoàng Long. Ông và người em song sinh Hoàng Lân là trường hợp rất đặc biệt khi thường xuất hiện với vai trò đồng tác giả trong nhiều bài hát về thiếu nhi đã được đưa vào chương trình SGK phổ thông, như: “Bác Hồ - Người cho em tất cả”, “Từ rừng xanh cháu về thăm Lăng Bác”, “Ngọn cờ hòa bình”… Vốn được mệnh danh là “nhạc sĩ của tuổi thơ” nên khi nhận lời viết sách cho NXBGDVN, nhạc sĩ Hoàng Long đã gặp nhiều thuận lợi. Hơn nữa, cuộc đời ông lại được “đắm mình” trong môi trường giáo dục nên hơn ai hết ông hiểu rõ giáo viên và học sinh đang mong muốn gì ở cuốn SGK Âm nhạc mới.
Nhạc sĩ Hoàng Long cho rằng khi viết SGK Âm nhạc đòi hỏi người viết phải có kiến thức sâu rộng về thực tiễn lẫn lý thuyết, đặc biệt là khả năng sư phạm. Theo ông viết sách âm nhạc cho phổ thông khác với viết sách âm nhạc chuyên nghiệp. Nếu như viết sách cho bậc chuyên nghiệp là đào tạo làm nghề thì ở bậc phổ thông là đào tạo toàn diện, bởi vậy cuốn SGK phải mang tính tổng quát nhất. “Công việc viết sách rất cực nhọc, trong khi trình độ của người viết sách không đồng đều. Để có được bộ SGK Âm nhạc mới các tác giả đã làm việc hết sức say sưa, tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm với tất cả tấm lòng cho tương lai của con em chúng ta”, ông trăn trở.
Nhạc sĩ Hoàng Long cũng vui mừng cho biết, trong các lớp ông tham gia tập huấn đã nhận được ý kiến phản hồi rất tốt của giáo viên. “Các giáo viên khen SGK mới nhẹ nhàng, học sinh rất hứng khởi, thích thú. Họ tâm đắc khi SGK sử dụng học liệu điện tử, có âm thanh chuyển tải để học sinh tiếp thu một cách hiệu quả nhất. Bởi đã là âm nhạc phải được vang lên bằng âm thanh, chứ không thể lặng im trên trang giấy. Chúng tôi hy vọng cuốn SGK Âm nhạc sẽ đem lại nguồn cảm hứng mới cho người dạy, người học”, ông bộc bạch.
2 bộ SGK Âm nhạc “Chân trời Sáng tạo” và “Kết nối tri thức với cuộc sống” đang có triển vọng rất lớn khi đưa vào các trường học trên cả nước. Các cuốn sách đến với các em học sinh từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, từ hải đảo đến biên cương mang theo biết bao niềm tin và hy vọng của NXBGDVN nói chung và cá nhân tổng chủ biên cùng nhóm tác giả nói riêng. Tiến sĩ Đỗ Thị Minh Chính, ThS Hồ Ngọc Khải và nhạc sĩ Hoàng Long đã và vẫn dõi theo từng bước đi của cuốn sách đến với các bậc phụ huynh, học sinh và toàn xã hội với một sự trân trọng, biết ơn, sẵn sàng sẻ chia, trao đổi trên tinh thần đầy thiện chí để nó thực sự là người bạn đồng hành tin cậy của mỗi gia đình có con em đang tuổi cắp sách đến trường.