Sách và Văn hoá đọc

Tháng tư – Mùa lễ hội của sách, văn hóa đọc, thư viện…

Thứ Ba, 16/04/2024 | 16:58

Số lượt xem: 115

                                Nguyễn Thị Ngọc Mai

 Khoa Thông tin Thư viện, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Ở nhiều quốc gia, nhất là khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ, tháng Tư mở đầu bằng một ngày  truyền thống thú vị - ngày Cá tháng Tư - dịp để mọi người vui vẻ, giải trí với những trò đùa giỡn, trêu chọc hài hước, nhẹ nhàng, dí dỏm, vô hại với người thân và bè bạn. Tháng Tư còn được biết đến với nhiều sự kiện đáng chú ý như Lễ Phục sinh, Lễ Ramadan, Ngày Sức khỏe Thế giới, Ngày Di sản Thế giới, Ngày Trái Đất Thế giới... Thế giới cũng chọn tháng Tư để kỷ niệm những điều thú vị như Ngày Cà rốt Thế giới, Ngày Anh chị em, Ngày Ngôn ngữ Anh, Ngày Khiêu vũ Quốc tế...

Đối với những người làm nghề thông tin - thư viện trên khắp thế giới và ở Việt Nam, tháng Tư là thời điểm được mong chờ với một chuỗi sự kiện không kém phần đặc biệt.

  • Ngày Sách Thiếu nhi Quốc tế (International Children's Book Day, ICBD)

Áp phích Ngày Sách Thiếu nhi Quốc tế năm 2014 (Ảnh: IBBY)

Ngày 2 tháng Tư là sinh nhật của Hans Christian Andersen, nhà văn Đan Mạch, tác giả truyện cổ tích thân thuộc với trẻ em toàn thế giới. Kể từ năm 1967, Ủy ban Quốc tế về Sách dành cho thanh thiếu niên (International Board on Books for Young People, IBBY) đã chọn ngày 2/4 là Ngày Sách Thiếu nhi Quốc tế. Ngày này được IBBY tổ chức nhằm "khơi dậy tình yêu đọc sách và thu hút sự quan tâm chú ý đối với sách thiếu nhi".

Mỗi năm, Ngày Sách Thiếu nhi Quốc tế sẽ có một chủ đề riêng và một tấm áp phích đặc biệt được sử dụng để quảng bá sách và việc đọc. Tấm áp phích này được tạo nên bởi một tác giả nổi tiếng (viết thông điệp cho áp phích) và một họa sĩ minh họa nổi tiếng (thiết kế áp phích). Các cuộc thi viết, giải thưởng sách và sự kiện tác giả thiếu nhi được các cơ quan, thư viện và nhà xuất bản sách trên toàn thế giới tổ chức để tôn vinh Ngày Sách Thiếu nhi Quốc tế. Ngày này đã góp một phần quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức về vai trò của sách đối với sự phát triển trí tuệ, sức sáng tạo và kỹ năng đọc của trẻ em cũng như hoạt động sáng tác và duy trì tính đa dạng văn hóa trong các sách dành riêng cho trẻ em.

  • Ngày Kiểm chứng Thông tin Quốc tế (International Fact-Checking Day)

Ngày Kiểm chứng thông tin Quốc tế 2024 (Ảnh: Poynter)

Năm 2016, lần đầu tiên Ngày Kiểm chứng Thông tin Quốc tế được phát động bởi Mạng lưới Kiểm chứng Thông tin Quốc tế (International Fact-Checking Network, IFCN) thuộc Viện Nghiên cứu Truyền thông Poynter, một cơ sở đào tạo, nghiên cứu báo chí phi lợi nhuận có trụ sở tại Florida, Hoa Kỳ. Đây được coi là một sáng kiến toàn cầu có mục tiêu tôn vinh công việc của những người làm nghề kiểm chứng thông tin (fact checkers) trên toàn thế giới. Sáng kiến nhấn mạnh vai trò của thông tin xác thực và các nguồn thông tin đáng tin cậy, thúc đẩy hệ sinh thái thông tin lành mạnh thông qua nâng cao nhận thức về xác minh, kiểm chứng thông tin trong môi trường trực tuyến trước các nguy cơ thông tin sai lệch. Kể từ năm 2016, hàng năm cứ đến ngày mùng 2 tháng Tư, IFCN đều đặn kỷ niệm Ngày Kiểm chứng Thông tin Quốc tế. Sáng kiến này đã lan tỏa ảnh hưởng tích cực đối với cộng đồng trực tuyến, góp phần xây dựng một môi trường trực tuyến an toàn, lành mạnh.

Ngoài sáng kiến về Ngày Kiểm chứng Thông tin Quốc tế, Viện Poynter còn tích cực phối hợp với Văn phòng Các chương trình công cộng của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ ALA và Phòng Nghiên cứu Truyền thông xã hội Stanford để phát triển bộ công cụ số MediaWise. Trong cuộc chiến chống thông tin sai lệch, theo quan điểm của những người phát triển MediaWise, vai trò của thủ thư là vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo thông tin được chia sẻ là chính xác, đáng tin cậy và an toàn cho cộng đồng. Bộ công cụ số MediaWise giúp các thủ thư có thêm công cụ để nhận diện thông tin, đối phó với thực trạng thông tin giả mạo, tìm kiếm thông tin đáng tin cậy, đồng thời có thể vận dụng vào các chương trình giảng dạy năng lực truyền thông số cho cộng đồng từ thanh thiếu niên, sinh viên cho đến người lớn tuổi.

  • Tuần lễ Thư viện Quốc gia (National Library Week)

Áp phích Tuần lễ Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ năm 2024 (Ảnh: ALA)

Ý tưởng về Tuần lễ Thư viện Quốc gia ra đời năm 1957 tại Hoa Kỳ bắt nguồn từ Ủy ban Sách Quốc gia, một tổ chức phi lợi nhuận được Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ (American Library Association) và Nhà xuất bản Sách Hoa Kỳ (American Book Publishers) thành lập.

Vào thời điểm những năm 1950 tại Hoa Kỳ, sự phổ biến của các phương tiện truyền thông như truyền thanh, truyền hình, âm nhạc... đã làm dấy lên nỗi quan ngại về việc người dân Mỹ ngày càng đọc ít hơn. Để khuyến khích mọi người đọc sách mỗi khi rảnh rỗi với mục tiêu "cải thiện thu nhập và sức khỏe", "phát triển cuộc sống gia đình bền chặt và hạnh phúc", Ủy ban đã xây dựng kế hoạch cho Tuần lễ Thư viện Quốc gia.

Kể từ năm 1958, Tuần lễ được đều đặn tổ chức vào tháng Tư hàng năm nhằm tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh sự đóng góp của các thư viện, các thủ thư, tôn vinh văn hóa sử dụng và hỗ trợ thư viện. Mỗi năm, Tuần lễ Thư viện Quốc gia lại mang một chủ đề truyền cảm hứng khác nhau như: "Thức dậy và đọc" (1958), "Hãy trở thành tất cả những gì bạn có thể - Đọc" (1968), "Sức mạnh của thông tin" (1975), "Một quốc gia của những người đọc" (1985), "Thư viện thay đổi cuộc sống" (1993), "Thế giới kết nối tại thư viện của bạn" (2009), "Cộng đồng phát triển tại thư viện của bạn" (2010)... và "Sẵn sàng, Bắt đầu, Thư viện!" (2024).

Tại Hoa Kỳ, trong Tuần lễ Thư viện Quốc gia, nhiều sự kiện đáng chú ý khác cũng được tổ chức, bao gồm:

  • Tháng Thư viện Trường học (School Library Month) diễn ra vào đầu tháng Tư - tôn vinh vai trò quan trọng của thư viện trường học trong hỗ trợ giáo dục và phát triển học sinh.
  • Ngày Quyền được Đọc (Right to Read Day) ngày mùng 8 tháng Tư - kêu gọi hành động tới độc giả, những người ủng hộ và yêu thích thư viện ở khắp mọi nơi lên tiếng vì quyền được đọc, quyền tự quyết đối với việc đọc.
  • Ngày Người làm nghề thư viện Quốc gia (National Library Workers' Day) mùng 9 tháng Tư - ghi nhận và tôn vinh công lao của những người làm nghề thư viện trong việc cung cấp dịch vụ và hỗ trợ cộng đồng.
  • Ngày Thư viện tiếp cận và phục vụ cộng đồng Quốc gia (National Library Outreach Day, tên cũ là Ngày Xe thư viện lưu động Quốc gia - National Bookmobile Day) diễn ra vào Thứ tư đầu tiên của Tuần lễ Thư viện Quốc gia trong tháng Tư - tôn vinh vai trò của các dịch vụ thư viện tiếp cận cộng đồng và các thủ thư tận tâm cung cấp dịch vụ sách, tài nguyên văn hóa cho các khu vực xa xôi, hẻo lánh hoặc thiếu thư viện cố định.
  • Ngày Hành động vì thư viện (Take Action for Libraries Day) năm nay diễn ra vào 11 tháng Tư - ngày để cá nhân, tổ chức và cộng đồng ủng hộ thực hiện các hành động để ủng hộ thư viện và khẳng định vai trò quan trọng của chúng trong cộng đồng
  • Ngày Ủng hộ văn học thiếu niên (Support Teen Literature Day) diễn ra vào thứ Năm đầu tiên của Tuần lễ Thư viện Quốc gia - giúp tăng cường nhận thức về các tác phẩm văn học dành cho thanh thiếu niên và khuyến khích đọc sách trong nhóm tuổi này.

Từ Hoa Kỳ, ý tưởng về Tuần lễ Thư viện Quốc gia đã lan rộng sang các nước khác. Hiện nay, Jamaica, Australia, Ấn Độ, Nam Phi, Vương quốc Anh... đều có tuần thư viện quốc gia được tổ chức vào các thời điểm khác nhau ở mỗi nước.

  • Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024 (Ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam)

Là một trong những quốc gia có truyền thống tôn vinh sách và văn hóa đọc, Việt Nam cũng chọn tháng Tư để kỷ niệm Ngày sách và Văn hóa đọc. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg về Ngày Sách Việt Nam. Sau đó, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam để thay thế cho Quyết định 284. Theo đó, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức vào ngày 21/4 hàng năm nhằm:

"1. Khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.

2. Tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

3. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam."

(Điều 1, Quyết định 1862/QĐ-TTg)

Ngày 21 Tháng 4 gắn liền với thời điểm ra mắt cuốn Đường Cách mệnh, cuốn sách được coi là kim chỉ nam cho đường lối cách mạng Việt Nam. Đường Cách mệnh là một trong những tác phẩm lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam và đồng thời cũng là một Danh nhân văn hóa thế giới.

Kể từ năm 2014 đến nay, 21 Tháng 4 trở thành một sự kiện quan trọng với nhiều hoạt động diễn ra hàng năm như triển lãm sách, các cuộc thi văn học nghệ thuật, các buổi nói chuyện của diễn giả, các chương trình nghệ thuật, chương trình đọc sách, buổi ký tặng sách... Các thư viện, nhà sách và các tổ chức văn hóa, giáo dục đóng vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các sự kiện này trên phạm vi cả nước, tạo nên một không khí tháng Tư thú vị, nhiều ý nghĩa để người dân Việt Nam tận hưởng văn hóa đọc, tôn vinh sách, nâng cao nhận thức về bản quyền, sở hữu trí tuệ và khuyến khích sáng tạo tri thức.

  • Ngày Sách và Bản quyền Thế giới (World Book and Copyright Day)

 

Minh họa Ngày Sách Thế giới 2024 (Ảnh: Usborne)

Ngày 23 tháng Tư được coi là "một ngày mang tính biểu tượng trong văn học thế giới" - ngày mất của nhiều tác giả nổi tiếng như William Shakespeare, Miguel de Cervantes và Inca Garcilaso de la Vega. Năm 1995, tại Paris, Đại hội đồng UNESCO đã lựa chọn ngày 23/4 làm Ngày Sách và Bản quyền Thế giới. Đây là sự kiện thường niên được UNESCO tổ chức nhằm tôn vinh giá trị của sách, tri ân các tác giả, thúc đẩy việc đọc và tăng cường nhận thức về bản quyền.

Hàng năm, để kỷ niệm sự kiện này, nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, Xứ Wales, Ireland, Ấn Độ, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam... tiến hành tổ chức các chuỗi hoạt động đa dạng để tôn vinh sách - "mối liên kết giữa quá khứ và tương lai", "cầu nối giữa các thế hệ và giữa các nền văn hóa". Trong số những lễ kỷ niệm phong phú ở khắp nơi trên thế giới, có lẽ nơi có hoạt động tôn vinh lãng mạn nhất phải gọi tên người dân xứ Catalonia (Tây Ban Nha). Người Catalonia kỷ niệm ngày 23/4 để tôn vinh hai nhân vật quan trọng trong văn hóa của họ - Miguel de Cervantes (nhà văn nổi tiếng nhất của Tây Ban Nha) và Thánh George. Ngày Sách và Bản quyền thế giới vì vậy cũng được kỷ niệm trong Lễ hội Thánh George (The Festival of Sant Jordi). Truyền thuyết kể lại rằng, để giải cứu công chúa, Thánh George đã phải giết một con rồng và từ dòng máu rồng tuôn chảy đã mọc lên một bụi hoa hồng. Vào dịp này, đến Catalonia, các con đường, quảng trường và các khu vực công cộng trở nên hết sức sôi động với các tiệm sách ngoài trời và các quầy hoa. Hoa hồng và sách trở thành những món quà tuyệt vời nhất mà người dân nơi đây dành tặng cho nhau như một cách tôn vinh tình yêu, văn học và văn hóa.

Ngày Sách và Bản quyền Thế giới hàng năm cũng là dịp để UNESCO và các tổ chức quốc tế về sách, xuất bản, phát hành và thư viện tiến hành lựa chọn Thủ đô Sách Thế giới (World Book Capital). Chương trình Thủ đô Sách Thế giới (World Book Capital Network, WBC) làm một sáng kiến của UNESCO ra đời năm 2001. Chương trình ghi nhận sức mạnh của sách và việc đọc, coi đó là nền tảng cho các xã hội hòa nhập, hòa bình và phát triển bền vững. Cho đến nay, 25 thành phố trên thế giới đã được lựa chọn trở thành Thủ đô Sách Thế giới của UNESCO với nhiều cái tên nổi tiếng như Madrid (Tây Ban Nha), Alexandria (Ai Cập), New Delhi (Ấn Độ), Montreal (Canada), Turin (Ý), Bangkok (Thái Lan), Incheon (Hàn Quốc), Athens (Hy Lạp), Kuala Lumpur (Malaysia), Strasbourg (Pháp), Rio de Janeiro (Brazil)... Các thành phố được chọn phải cam kết thực hiện các hoạt động quảng bá sách, thúc đẩy văn hóa đọc đến với mọi người cả ở trong và ngoài nước tính từ ngày 23/4 của năm được chọn cho đến ngày 23/4 năm sau và tiếp nối trong tương lai.

  • Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới (World Intellectual Property Day)

Áp phích Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 2024 (Ảnh: WIPO)

Kể từ năm 2000, 26 Tháng Tư hàng năm được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (World Intellectual Property Organization, WIPO) chọn làm Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới. Với phương châm quyền sở hữu trí tuệ là cơ sở “bảo vệ các sản phẩm đổi mới và sáng tạo” và “lợi nhuận kinh tế từ chúng” của các nhà sáng tạo, Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới có mục tiêu nâng cao nhận thức toàn cầu về “tầm quan trọng của một hệ thống sở hữu trí tuệ cân bằng để ghi nhận và tưởng thưởng các nhà phát minh và người sáng tạo vì công việc của họ và đảm bảo xã hội được hưởng lợi từ sự sáng tạo và tài năng của họ.”

Hơn 20 năm qua, Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới đã thu hút sự quan tâm và ủng hộ của hàng trăm quốc gia trên toàn thế giới. Nhiều sự kiện được tổ chức tại các quốc gia để tôn vinh các nhà phát minh và sáng tạo và tăng cường nhận thức, thúc đẩy thảo luận, giáo dục về vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ trong khuyến khích sáng tạo và phát triển kinh tế. Mỗi năm, WIPO lựa chọn một chủ đề cụ thể cho Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới với trọng tâm là các khía cạnh khác nhau của sáng tạo và sở hữu trí tuệ. Chủ đề của năm 2024 là “Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung của chúng ta bằng sự đổi mới và sáng tạo”.

Bằng việc tổ chức nhiều sự kiện, chương trình liên quan (bản quyền, phát minh, thương hiệu), triển khai các cuộc triển lãm, chương trình tư vấn, cung cấp thông tin và hỗ trợ về bản quyền, sở hữu trí tuệ cho cộng đồng người dùng, các thư viện và thủ thư chính là những nhân tố góp phần quan trọng vào việc tăng cường nhận thức về sở hữu trí tuệ và hỗ trợ truy cập, sử dụng thông tin chính xác, đáng tin cậy.

Hàng loạt sự kiện kể trên cho thấy tháng Tư chính là cơ hội để tôn vinh giá trị của sách và thư viện trong cuộc sống của con người. Tháng Tư cũng gợi nhắc mỗi chúng ta về sức mạnh của tri thức, của thông tin chính xác, có bản quyền để cùng hướng tới xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, có đạo đức.

Hãy hòa vào tháng Tư dành cho sách, văn hóa đọc, thư viện và đừng quên làm đẹp không gian thư viện bằng những đóa hoa loa kèn trắng muốt như cách người Hà Nội đánh dấu mùa hoa nở: "Tháng Tư loa kèn mỏng mảnh những góc phố con đường quen" (Giáng Son). Với những người làm nghề thông tin - thư viện ở Việt Nam, tháng Tư là bừng nở như loài hoa có hương thơm dịu dàng, tinh khiết để khoe sắc trong các hoạt động chào mừng tháng tôn vinh văn hóa đọc và như vậy cũng là cách để tôn vinh nghề nghiệp của những con người đã và đang cống hiến cho sự nghiệp lan tỏa vẻ đẹp của tinh thần và trí tuệ nhân loại vì một xã hội học tập, nơi thông tin trở thành chìa khóa cho sự phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo (truy cập ngày 10/4/2024):

  1. ALA (2023), National Library Week History, http://www.ala.org/conferencesevents/national-library-week-history
  2. IBBY (2023), International Children's Book Day, https://www.ibby.org/awards-activities/activities/international-childrens-book-day
  3. Poynter (2024), International Fact-Checking Day, https://www.poynter.org/event/international-factchecking-day-2024/
  4. Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 về Ngày sách Việt Nam, https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=172490
  5. Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 04/11/2021 về việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=204408
  6. Saint George's Day - Legend, roses and books, https://www.casabatllo.es/en/saint-georges-day/#:~:text=The%20festival%20of%20Sant%20Jordi,based%20on%20love%20and%20culture
  7. Tống Nức (2022), Ý nghĩa Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, https://muongte.laichau.gov.vn/van-hoa-xa-hoi/y-nghia-ngay-sach-va-van-hoa-doc-viet-nam-21-4-1277.html
  8. UNESCO, What is World Book and Copyright Day, https://www.unesco.org/en/days/world-book-and-copyright
  9. UNESCO, What is the World Book Capital Network, https://www.unesco.org/en/world-book-capital-network
  10. WIPO (2024), World Intellectual Property Day, https://www.wipo.int/web/ipday

 

 

Cùng chuyên mục

Điểm sáng về công tác thư viện và văn hóa đọc tại Trường THCS Nguyễn Cao Cảnh -Chợ Mới - An Giang

Thứ Hai, 30/05/2022 | 09:00

Rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh (HS), giúp các em nâng cao sự hiểu biết và phát triển kĩ năng sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

THƯ VIỆN - NHỮNG NỖ LỰC HƯỚNG ĐẾN THÂN THIỆN

Thứ Ba, 05/01/2021 | 10:18

Sau nhiều nỗ lực đầu tư nâng cấp hệ thống thư viện trường học ở nước ta,

THƯ VIỆN LIÊN XÃ - MỘT MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG MỚI CỦA THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC HUYỆN CHỢ MỚI

Thứ Ba, 05/01/2021 | 10:05

Trong lịch sử tồn tại của mình, thư viện trường học từ lâu đã khẳng định được vị trí quan trọng trong việc phục vụ cho các hoạt động giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh.

INTERNET VÀ THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC

Thứ Ba, 05/01/2021 | 09:36

Giờ đây, khái niệm và những ứng dụng của Internet đã không còn quá xa lạ với học sinh, giáo viên và nhân viên thư viện ở các trường học