Media » Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa
Đoàn Đại Trí - kẻ lênh đênh trên dòng chữ nghĩa
Thứ Tư, 12/05/2021 | 16:07
Số lượt xem: 356Sinh 1983, Đoàn Đại Trí thuộc nhóm tác giả trẻ có bài được tuyển vào giáo khoa. Sách Tiếng Việt 2 (tập 1) bộ Chân trời sáng tạo chọn của anh bài Những người giữ lửa trên biển.
Bài tập đọc 146 âm tiết này trích từ bút ký Độc đáo những ngọn hải đăng giữa đại dương dài hơn 1.300 âm tiết, báo Giáo dục và thời đại đã in, tháng 6/2019.
Xúc động và vinh dự nhưng…
Tác giả Đoàn Đại Trí cho biết: “Bài viết được nhóm biên soạn giáo khoa tự tìm ra và chọn lựa, sau đó có liên lạc, báo tin cho tôi. Tôi xúc động và vinh dự. Nhưng tôi nghĩ rằng, tác phẩm trích trong sách giáo khoa không đồng nghĩa với một tác phẩm xuất sắc và có giá trị nghệ thuật văn chương. Đặc biệt là chương trình sách giáo khoa dành cho học sinh bậc tiểu học. So với nguyên tác bài báo, bài tập đọc Những người giữ lửa trên biển có một số chỉnh sửa. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn bình thường vì bài báo tôi viết dành cho độc giả là người trưởng thành. Trong khi bài trích trong sách là dành cho học sinh đang tập đọc, tập viết”.
Một trang của bài “Người giữ lửa trên biển” của Đoàn Đại Trí trong sách “Tiếng Việt 2” (tập 1)
Bài tập đọc Những người giữ lửa trên biển in ở trang 147:
“Sau hai ngày đêm dập dềnh trên sóng, chúng tôi đến đảo Sơn Ca. Mọi người đều
xúc động khi nhìn thấy ngọn hải đăng sừng sững giữa biển trời. Ai cũng muốn đặt chân lên trạm hải đăng đẹp nhất Trường Sa.
Tàu cập bến, một người thợ vui mừng ra đón. Anh dẫn chúng tôi đi tham quan tháp đèn. Trên đỉnh tháp, ba người thợ đang lau chùi và kiểm tra hệ thống đèn.
Đêm đến, những người thợ thay phiên nhau thức để giữ cho ngọn đèn luôn tỏa sáng. Nhờ có ánh sáng ngọn hải đăng, tàu thuyền không bị lạc hướng trong đêm tối. Ngọn hải đăng còn khẳng định vùng biển trời này là của Tổ quốc thân yêu.
Những gì đã chứng kiến khiến chúng tôi càng thêm yêu mến những người giữ lửa trên biển quê hương”.
Đoàn Đại Trí ở thị trấn Trường Sa
Giúp các em lớp 2, “tập đọc, tập viết”, mỗi thầy cô giáo sẽ nghĩ ra cách dạy của mình. Dưới đây là dạy theo kiểu từ cả bài chọn ra 1 từ rồi 1 câu hay:
Đèn biển trên đảo Sơn Ca “đẹp nhất” quần đảo Trường Sa, người ra thăm đèn chẳng ngại bỏ ra những “hai ngày đêm dập dềnh” trên biển để tìm tới. Là đẹp nhất, cho nên chỉ 1 tháp đèn mà những 4 người chăm sóc, bảo vệ, “một người thợ vui mừng ra đón” khách, “ba người thợ đang lau chùi và kiểm tra hệ thống đèn” cả 4 người ấy “thay phiên nhau thức để giữ cho ngọn đèn luôn tỏa sáng” suốt đêm.
Dùng số từ chưa nói hết được vẻ đẹp của đèn biển đảo Sơn Ca, người viết dùng thêm từ láy “sừng sững” giúp người đọc hình dung ra tháp đèn vừa vút cao, vừa vững chãi! Cùng nhãn tự ấy là câu chủ đề “Ngọn hải đăng còn khẳng định vùng biển trời này là của Tổ quốc thân yêu!”.
Là tác giả trẻ, nhưng đây không phải lần đầu Đoàn Đại Trí có trang giáo khoa. Trong cuốn Ôn thi vào lớp 10 theo định hướng tích hợp và phát triển năng lực (NXB Giáo dục Việt Nam, 2018) nhóm biên soạn đã dùng một trích đoạn lấy trong tác phẩm bút ký Lam lũ những mùa hoa (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2017) của anh và trích đoạn lấy từ Chờ đợi những mùa tôm (Tản văn, NXB Trẻ, 2013) của Nguyễn Ngọc Tư để làm ra đề số 8 (trang 144-145 ) yêu cầu học sinh tìm ra những phẩm chất đáng quý của người nông dân Nam Bộ.
Đoàn Đại Trí ở hải đăng Sơn Ca, đảo Sơn Ca
Người chuyên tâm vẽ bản đồ Nam Bộ bằng văn chương
Trong đề số 8 nói trên, người nông dân Nam bộ của Đoàn Đại Trí là những người hành nghề dựng chà dỡ chà, để có “cá bán đến cả tuần chưa hết. Rồi còn làm cả khô để dành cho mùa nước cạn và đợt dỡ chà lần sau” như ngày xưa; họ đang bước tiếp hành trình mở đất của mình. Họ lại đi tìm đất sống hôm nay, trước bi kịch biến đổi khí hậu, và nhịp sống gấp của công nghiệp hóa:
“Mỗi mẻ chà, như một canh bạc "tất tay" cuối cùng của nông dân với bao nhiêu thấp thỏm âu lo, khấp khởi hy vọng cơm áo và cả những tiếng thở dài bàng bạc sông nước. Vẫn biết trăm năm qua, sông nước không bao giờ phụ người nhưng số phận lúc vui lúc buồn, sao mà tránh khỏi những lo toan.
Nhìn sông nước bây giờ toàn ghe tàu lớn, dài cả trăm mét chở hàng hóa ngược xuôi suốt ngày khiến cho nghề dựng chà khó khăn hơn. Mỗi lần ghe thuyền chạy qua, sóng vỗ liên hồi như lũ lớn thì đàn cá nào mà dám vào chà trú ngụ nữa. Đấy là chưa kể, nguồn nước cũng ô nhiễm, cá phải di chuyển nhiều để tìm thức ăn, ít trú ngụ như xưa.
Đoàn Đại Trí ở đảo chìm Tiên Nữ
Có lẽ vì thế, chỉ còn những vùng sâu trong rốn Đồng Tháp Mười hoang vu, nơi những bước chân con người ít qua lại, thì nghề dựng chà với những cây cọc nhỏ bé, đám bèo loe hoe mới còn tồn tại, còn đất sống mà thôi”.
Trong các bút ký của Đoàn Đại Trí, đất sống đang bị thu hẹp không phải chỉ với nghề dựng chà dỡ chà mà với cả những người hái bông súng vì những cánh đồng hoang trong mùa nước nổi ngày càng ít đi trước sự bành trướng của những cánh đồng cao sản 3 vụ, phù sa thiên nhiên được thay bằng phân hóa học cùng thuốc trừ sâu; với cả người làng nghề thủ công uốn lưỡi câu, vì những ngư ông thời nay thích chích điện hơn buông câu, cắm cần; với cả những diêm dân vì muối tinh trắng ngời đóng gói tiện dụng hơn muối phơi nắng biển Đông mang màu đất, bán lít bán thùng; với cả bác xà ích xe thổ mộ và những bác thợ đóng xuồng ba lá vì sự lên ngôi của đồ nhựa và sự lấn lướt của đường bộ với đường sông…
Lắng nghe những “tiếng thở dài bàng bạc sông nước”, chứng kiến những phận người lênh đênh trong các thôn ấp dọc theo chiều dài biên giới Tây Nam, cho tới cả những mái nhà lúp xúp kênh rạch miền Tây phía thượng nguồn sông Hậu, sông Tiền mà mình đã đi qua. “Tất cả, tất cả những vùng đất, con người, những ánh mắt nơi đó đều ám ảnh, thôi thúc tôi trong những trang viết của mình. Nhiều khi nhớ lại, cũng như các nhân vật của mình, tôi cũng là kẻ thương hồ lênh đênh trên dòng sông chữ nghĩa. Nghề báo mang lại cho tôi nhiều cơ duyên” - Đoàn Đại Trí tâm sự.
Nghề báo mang lại nhiều cơ duyên
Nghề báo giúp Đoàn Đại Trí có tiếng nói riêng, được làng văn bút ghi nhận. Đọc các tập bút ký Lam lũ những mùa hoa và Sông nước biên thùy (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2019) nhà văn Trần Nhã Thụy, biên tập viên NXB Hội Nhà văn khen ngợi: “Không như nhiều cây bút trẻ khác thích "múa bàn phím, luận anh hùng", Đoàn Đại Trí là một cây bút khiêm nhường, nhưng dấn thân và bền bỉ lao động… Đoàn Đại Trí biết tiết chế sự bay bổng "làm văn" để đi vào những chi tiết hiện thực. Từng cảnh đời, từng vùng đất, từng vấn đề xã hội... hiện qua trên từng trang giấy viết của anh một cách sinh động, chân thật và mới mẻ”.
Bạn viết cùng trang lứa, nhà văn Văn Thanh Lê đồng cảm: “Câu chữ của Đoàn Đại Trí lách nhẹ, khía vào, chạm đến những phận người, những dấu vết nhỏ bé nhưng tiêu biểu của thiên nhiên vùng biên ải, với tâm thế song hành, đồng cảm và sẻ chia. Tương tự như Lam lũ những mùa hoa - tập bút ký đầu tay, Sông nước biên thùy tập hợp các bài báo của Đoàn Đại Trí trong vài năm qua. Tuy nhiên, mỗi bài ký không chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin về đời sống xã hội như các bài báo thông thường. Có lẽ, do khởi đi từ một người làm thơ nên mỗi bài viết của Đoàn Đại Trí luôn ôm chứa đầy đặn xúc cảm, những con chữ mềm lòng chở cả chất thơ”.
Nghề báo tạo cơ hội để Đoàn Đại Trí, người chuyên tâm vẽ bản đồ Nam Bộ bằng văn chương, đi sâu, đi kỹ vào vùng đất này và lên tiếng báo động. “Ở đó (Vinh Châu, Sóc Trăng) bất kỳ nam hay nữ cũng bắt đầu lớn lên, lập gia đình và có thể chết đi trên những luống hành. Hành tím, theo chia sẻ của những cư dân, cả người Kinh lẫn người Khmer, chính là sự sống, là sinh kế nhiều năm nay của tất cả mọi người. Và thật bất hạnh khi cái sinh kế gần như duy nhất ấy cũng đã cướp đi hàng trăm đôi mắt, biến vùng đất tươi đẹp với biển xanh, cát vàng này thành một “vương quốc bóng đêm” bởi số lượng người bị mù lòa, bị bệnh về mắt lên trên vài ngàn người”.
Nghề báo giúp Đoàn Đại Trí có bài tập đọc trên kia. Từ trang giáo khoa này, hôm kia (10/5/2021) trên Facebook của mình, Đoàn Đại Trí hứa hẹn: “Với nhiều người, ra Trường Sa những năm tháng này là một điều đặc biệt, là chuyến đi để đời. Và mình cũng vậy. Đặt chân lên phần lãnh thổ xa xôi của Tổ quốc giữa mênh mang đại dương luôn mang đến nhiều cảm xúc cho người cầm bút như mình. Sau chuyến đi, mình viết nhiều bài báo, làm clip chia sẻ về cuộc sống của quân dân, cán bộ chiến sĩ trên các đảo… Nay có chút may mắn là một trong các bài viết của mình về Trường Sa được trích dẫn trong chương trình sách giáo khoa nên quyết định in cuốn bút ký này”.
Vài nét về Đoàn Đại Trí Đoàn Đại Trí sinh ngày 9/4/1983 tại Đồng Tiến, Ứng Hòa, Hà Nội. Tốt nghiệm ĐH Thủy sản Nha Trang. Bắt đầu hoạt động văn học từ 2006. Từng đoạt giải A, giải thưởng báo chí Vì sự nghiệp đại đoàn kết các dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2020. Hiện anh là phóng viên báo Đại đoàn kết, anh còn có bút danh Đoàn Xá. Đoàn Đại Trí hiện sống và viết tại TP.HCM. |