Media » Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa
TS. Trần Thị Thu Hà: SGK Âm nhạc 10 khơi gợi tình yêu âm nhạc cho học sinh
Thứ Năm, 14/11/2024 | 17:02
Số lượt xem: 105VHO - Sách giáo khoa Âm nhạc 10 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là tài liệu học tập cho học sinh lớp 10, được biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Với định hướng giúp học sinh làm quen và phát triển năng lực âm nhạc, sách được thiết kế dựa trên các chủ đề học tập gần gũi, sinh động, tạo sự hấp dẫn và khơi gợi đam mê đối với bộ môn này. Để hiểu thêm về SGK Âm nhạc 10, báo Văn Hóa đã có cuộc phỏng vấn với TS Trần Thị Thu Hà, một trong những tác giả đã tham gia biên soạn bộ sách này.
TS Trần Thị Thu Hà - Tác giả sách giáo khoa Âm nhạc lớp 10, 11, 12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống
PV: Thưa TS Trần Thị Thu Hà, chị có thể chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của chị khi tham gia biên soạn sách giáo khoa Âm nhạc theo Chương trình GDPT 2018 cho học sinh khối THPT?
Tôi thấy mình may mắn khi nhận lời tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa Âm nhạc cho cấp Trung học phổ thông. Sách Âm nhạc cấp THPT có sự sáng tạo và mới mẻ từ cấu trúc, nội dung và hình thức, bởi đây là lần đầu tiên môn Âm nhạc được triển khai ở cấp học này. Tôi học hỏi được nhiều từ các thầy, cô là bậc tiền bối giàu kinh nghiệm trong nghề lẫn các bạn trẻ đầy nhiệt huyết.
Đội ngũ tác giả đã bỏ ra nhiều tâm huyền để xây dựng nên cấu trúc có thể đáp ứng tiêu chí theo Chương trình Giáo giục phổ thông 2018. Chúng tôi cũng cảm thấy thật tự hào vì được tham gia biên soạn sách giáo khoa Âm nhạc đầu tiên cho học sinh cấp THPT.
PV: Theo chị chia sẻ, việc lựa chọn bài hát phù hợp với chủ đề, lứa tuổi của các em học sinh là một vấn đề khiến cho đội ngũ tác giả phải cân nhắc, suy nghĩ đắn đo rất nhiều. Vậy trong bộ sách giáo khoa âm nhạc mới này, nhóm tác giả đã dựa theo những tiêu chí nào để lựa chọn các bài hát để gửi tới các em học sinh?
Lựa chọn nội dung dạy học là điều rất quan trọng và luôn là khó nhất. Các bài hát được lựa chọn đưa vào sách cần phải thể hiện được tính bao trùm: đáp ứng được mục tiêu giáo dục cả về tư tưởng, đạo đức, lối sống; phù hợp với năng lực tiếp nhận của người học, đáp ứng được tính vừa sức đồng thời đảm bảo sự phát triển giọng hát; tích hợp được các mạch nội dung, liên thông giữa các cấp học, lớp học.
Hầu hết các tác phẩm trong sách giáo khoa âm nhạc chúng tôi lựa chọn cho cấp học này mang giá trị nghệ thuật cao: nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình bạn, nghĩa thầy trò; đa dạng về thể loại, phong cách và màu sắc âm nhạc; giai điệu âm nhạc mạch lạc, nội dung phù hợp với lứa tuổi và khung chương trình…
Đội ngũ tác giả đã bỏ ra nhiều tâm huyền để xây dựng nên cấu trúc có thể đáp ứng tiêu chí theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
PV: Khi tiến hành biên soạn sách, ngoài việc phải lựa chọn kĩ các tác phẩm được đưa vào giảng dạy, việc đưa các nhạc cụ ví dụ như guitar vào sách có ý nghĩa như thế nào trong công tác dạy và học âm nhạc của giáo viên và các em học sinh THPT? Xin chị cho biết thêm về quá trình và lí do lựa chọn các nhạc cụ này?
Tiêu chí lựa chọn đưa nhạc cụ để đưa vào bộ sách cũng là một trong những vấn đề được chúng tôi cân nhắc rất cẩn trọng. Ở phần kiến thức chung, chúng tôi chọn các loại nhạc cụ các em đã từng được học ở cấp dưới như: sáo recorder, ukulele, organ và khuyến khích các loại nhạc cụ địa phương. Các loại nhạc cụ giai điệu và nhạc cụ gõ đồng thời được kết hợp để đáp ứng nội dung học khá mới mẻ ở cấp THPT là hoà tấu nhạc cụ.
Tuy nhiên, ở phương án lựa chọn học nhạc cụ chúng tôi đã chọn guitar. Nhạc cụ này gọn nhẹ giúp người học thuận tiện trong việc mang đi nhiều nơi để học và hoạt động âm nhạc cùng bạn bè. Đồng thời, nhạc cụ này có thể dễ dàng tạo nên các bản hòa tấu.
PV: Theo chị đâu là những khó khăn trong việc giảng dạy môn âm nhạc tại nhà trường?
Thực trạng hiện nay là thiếu giáo viên giảng dạy âm nhạc cho cấp THPT. Bên cạnh đó, việc coi Âm nhạc là môn học phụ đã ăn sâu trong tư tưởng của khá nhiều phụ huynh, học sinh, dẫn đến việc học âm nhạc của các em trở nên thiếu mục đích, động lực và không đạt được hiệu quả cao.
Tôi cho rằng, chúng ta cần có trách nhiệm khơi gợi tình yêu đối với âm nhạc, giúp học sinh có năng khiếu định hướng được nghề nghiệp trong tương lai và có thể phát huy tốt năng lực của bản thân.
TS Trần Thị Thu Hà từng giành ngôi Á quân “Sao Mai 2007” ở dòng nhạc dân gian
PV: Với tất cả sự nỗ lực để học sinh nước ta thêm yêu và học tốt môn âm nhạc, chắc chắn không thể không kể đến công sức biên soạn của đội ngũ tác giả. Vậy trong công tác biên soạn cuốn Sách giáo khoa môn Âm nhạc – Kết nối tri thức này, chị có bất cứ kỉ niệm nào, hoặc ấn tượng nào muốn chia sẻ?
Có rất nhiều kỉ niệm trong suốt quá trình biên soạn bộ sách này. Tuy nhiên, điều chúng tôi nhớ nhất là thời điểm thay đổi lại cấu trúc bộ sách. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu để xây dựng nên cấu trúc của từng cuốn sách. Và quả thật, công việc thực hiện biên soạn sách giáo khoa Âm nhạc đòi hỏi sự công phu, cẩn trọng. Song, bằng sự quyết tâm và đồng lòng chúng tôi đã làm được.
Chặng đường nhóm tác giả cùng các hoạ sĩ, biên tập viên của NXB Giáo dục Việt Nam cùng trải qua quá trình dạy thực nghiệm, các vòng thẩm định SGK, vòng góp ý của giáo viên toàn quốc… là những ngày tháng vất vả nhưng thật đáng nhớ. Chúng tôi cảm thấy thật vinh dự và hạnh phúc vì được góp được chút sức lực và trí tuệ của mình trong dòng chảy của nền giáo dục nước nhà.
TS Trần Thị Thu Hà hiện là giảng viên thanh nhạc tại Đại học Sư phạm Hà Nội
PV: Xin cảm ơn chị đã trả lời phỏng vấn báo Văn hóa!
TS Trần Thị Thu Hà sinh năm 1983 tại Hưng Yên. Chị tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Đại học Sư phạm Hà Nội, từng giành ngôi Á quân “Sao Mai 2007” ở dòng nhạc dân gian. Hiện nữ ca sĩ là giảng viên thanh nhạc Khoa Nghệ thuật, Đại học Sư phạm Hà Nội và đã tham gia biên soạn tham gia biên soạn bộ Sách giáo khoa Âm Nhạc 10 – 11- 12 Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống do Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam ấn hành.