Media » Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa
Nhà văn Võ Chí Nhất: "Tôi tập tành viết trinh thám từ năm lớp 7"
Thứ Sáu, 12/07/2024 | 09:22
Số lượt xem: 1313Sinh năm 1993, nhà văn - đại úy Võ Chí Nhất định danh trong lòng độc giả bởi dòng truyện trinh thám - con đường rất ít ngòi bút theo đuổi. Một trong những tác phẩm trinh thám của anh, truyện ngắn Đóa hồng đẫm sương (từ tập truyện Muội tro) được sử dụng trong sách Bài tập Ngữ văn 9 (tập 2, NXB Giáo dục).
"Đọc tập truyện trinh thám của Võ Chí Nhất, ấn tượng trong lòng người đọc đó là giọng văn tự nhiên, có vẻ lạnh lùng nhưng ẩn đằng sau đó là nỗi trăn trở, đau đáu, suy tư về số phận và con người, cuộc đời và thời cuộc" - nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa nhận xét.
Nhà văn Võ Chí Nhất
Từng tính học sư phạm thay vì cảnh sát
* Con đường đến với văn chương của một chiến sĩ công an trẻ 9X bắt đầu như thế nào nhỉ?
- Có một điều trái khoáy mà đôi lúc tự ngẫm, tôi thường bật cười. Lẽ ra, một đứa trẻ thích súng đồ chơi, lớn lên mê làm cảnh sát, thi vào ngành công an, rồi viết truyện trinh thám, thì có vẻ đúng "công thức" hơn, nhưng với tôi thì lại khác. Tôi bắt đầu đọc truyện trinh thám từ năm học lớp 7. Lúc đó mẹ tôi không cho, vì sợ sẽ "nhìn đời bằng ảnh ảo", nên tôi thường tranh thủ đọc trong giờ ra chơi, hoặc là nấp trong nhà nội, cạnh một cửa sổ để đọc.
Có lẽ con đường đến với văn chương của tôi là một hành trình từ thời niên thiếu, tôi tập tành viết trinh thám từ năm lớp 7. Truyện trinh thám đầu tiên của tôi là Dòng máu bạc, lấy cảm hứng từ Thám tử lừng danh Conan của Aoyama Gosho. Thay vì Kudo Shinichi bị biến thành bé con, thì nữ thám tử Shouven của tôi bị biến thành một bà già tay chân lọng khọng". Cho đến bây giờ tôi vẫn còn giữ những bản thảo đầu tay ấy.
* Với văn chương, anh nghĩ đây là sự thử sức trong một giai đoạn tuổi trẻ hay sẽ gắn bó lâu dài?
- Còn nhớ năm đó cùng lúc tôi thi đậu 2 trường đại học: Sư phạm (ngành ngữ văn) và cảnh sát. Đúng ra, tôi có phần thích học sư phạm hơn, nhưng theo nguyện vọng và truyền thống gia đình, tôi quyết định theo học cảnh sát. Tuy vậy, tôi vẫn duy trì việc đọc và viết.
Sau 11 năm sáng tác tôi đã có được 4 đầu sách, 2 bản thảo và một tiểu thuyết được dịch và in ở Italy có tựa là II Palazzo Reale di Thang Long (Hoàng cung Thăng Long), sẽ trình làng vào năm 2025. Có lúc tôi trộm nghĩ rằng mình có nên mở một công ty xuất bản chuyên in truyện trinh thám của mình và cho các tác giả viết thể loại này không nữa… (cười).
Ban đầu, khi viết truyện trinh thám tôi cũng cảm thấy khá… lẻ loi, nhưng sau đó, qua quá trình tìm kiếm tư liệu để viết thì tôi được kết nối nhà văn Lâm Hà, chuyên viết thể tài tình báo và nhà thơ Trần Ngọc Mai, anh cũng đang ấp ủ những tiểu thuyết về ngành công an".
* Việc viết văn và công việc chuyên môn của anh có sự hỗ trợ nhau hay không?
- Chắc chắn là có. Mọi thứ đều có một câu chuyện, mỗi người đều có một pho truyện của riêng mình. Quan trọng là chúng ta khai thác như thế nào. Mới nghe qua nhiều người sẽ nghĩ rằng công việc chuyên môn như vậy chẳng liên quan gì tới văn chương chữ nghĩa, nhưng với tôi chính công việc hằng ngày, tiếp xúc nhiều với người dân và hiểu được hoàn cảnh gia đình hoặc cuộc sống của họ đã giúp tôi có thêm những "chất liệu" để viết nên những câu chuyện của riêng mình.
Với tôi, văn chương còn là tư tưởng, là sự giải tỏa. Nó theo tôi trong từng ý nghĩ.
"Đọc hiểu truyện trinh thám đối với các em học sinh là cần thiết, vì nó tập cho các em khả năng suy luận và tư duy logic" - Võ Chí Nhất. |
Cần suy luận và tư duy logic
* Mối duyên nào đưa tác phẩm "Đóa hồng đẫm sương" từ tập "Muội tro" đến trang sách "Bài tập Ngữ văn 9" (tập 2, NXB Giáo dục)?
- Đó là một chuyện hết sức tình cờ. Một chiều cuối năm 2023, khi đang ăn tối thì tôi nhận được tin nhắn của một chị tiến sĩ công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chị ngỏ ý cần sử dụng tác phẩm Đóa hồng đẫm sươngcho sách Bài tập Ngữ văn 9và để sử dụng cho mục đích giảng dạy.Việc này giúp tác phẩm của mình được lan tỏa nhiều hơn tới độc giả,nên tôi đồng ý ngay.
Đọc hiểu truyện trinh thám đối với các em học sinh là cần thiết, vì nó tập cho các em khả năng suy luận và tư duy logic. Thậm chí là học sinh cũng nên tìm hiểu thơ haiku của Nhật Bản, để học cách diễn đạt nhiều ý nghĩa với số lượng từ hạn chế.
Một trang trong “Đóa hồng đẫm sương”, được sử dụng trong sách “Bài tập Ngữ văn 9”, tập 2
* Đề tài trinh thám, hình sự trong văn học thường thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của độc giả nhưng ngày càng ít nhà văn, tác giả viết mảng này. Theo anh vì sao?
- Tôi đọc kha khá tác phẩm văn học trinh thám - kinh dị của Anh, Mỹ, Pháp, Bắc Âu… và nhận ra là họ quá giỏi tưởng tượng, cứ như là dẫn người đọc đi vào một thế giới khác.
Tội ác được lặp đi lặp lại bằng một phương thức, nhưng tác giả không cần miêu tả tỉ mỉ lại hành vi thêm lần nào nữa, những lần sau đó chỉ cần nhắc lại một cái cưa hoặc một tấm ván là đủ để người đọc ám ảnh. Một điều quan trọng nữa là tính triết lý.
Ở nước ta, thị trường sách văn học thiếu vắng một số thể loại và trinh thám, khoa học viễn tưởng nằm trong số đó. Nhu cầu đọc giải trí của độc giả rất cao sau những giờ làm việc căng thẳng. Nó đòi hỏi tác giả phải giỏi hư cấu, tưởng tượng, giỏi suy luận và tư duy logic, chứ không đơn thuần là chất hiện thực từ một vụ án được bày ra sẵn trên báo như một món ăn chưa được nêm nếm chuẩn vị.
“Đóa hồng đẫm sương” trích từ tập truyện “Muội tro”
* Mảng đề tài này không hề dễ với nhiều người cầm bút đã có kinh nghiệm, còn với anh thì sao?
- Đây là một mảng đề tài không gai góc, nhưng khó, đòi hỏi khả năng tư duy logic của người viết và vốn kiến thức khoa học và thực tế...
Truyện trinh thám có nhiều nhánh, nhưng chung quy một truyện trinh thám hay chỉ gói gọn trong bốn chữ "căng thẳng, bất ngờ", cố gắng hiểu "tại sao tác giả làm được vậy ta?".
Câu chuyện thường bắt đầu bằng một câu đố hóc búa, một thử thách trí tuệ thú vị cho người đọc, một cái kết bất ngờ. Ngay cả các giáo sư cũng bị đánh lừa, cho đến cuối cùng người đọc ồ lên, à thì ra là như vậy. Viết được vậy là đã thành công.
Các tác phẩm đã xuất bản của Võ Chí Nhất
* Anh có ảnh hưởng bởi nhà văn nào đi trước mình?
- Tôi đọc nhiều sách của Agatha Christie, Conan Doyle và tiểu thuyết gia Georges Simenon người Bỉ… tôi thường gọi họ là những idol của mình.Tôi cảm nhận được sự tỉnh táo, đủ và đầy trong lối hành văn của họ, với câu chuyện rất cuốn hút, lời thoại thông minh, đặc biệt là bầu không khí đậm màu sắc cổ điển. Đó là điều mà tôi rất thích.
Có lần nhà văn Lâm Hà nhận xét là truyện trinh thám của tôi sử dụng nhiều tiểu tiết như Agatha Christie, nhưng tôi không phải bà ấy, tôi "gầy" hơn bà và tôi chỉ viết câu chuyện của tôi. Mỗi độc giả thường luôn thầm lặng, mơ tưởng trở thành nhà văn và có lẽ, đa phần họ nhận ra rằng mình không thể.
* Chia sẻ đôi điều về những ấp ủ của bạn trong văn chương hoặc về tác phẩm bạn đang viết nhé?
- Tôi đang hoàn thiện bộ sách Ông cò và tội phạm với nhân vật chính xuyên suốt xê-ri tên là Hà "ớt". Nhân vật Hà "ớt" được xây dựng từ những nét tính cách của một đồng nghiệp với "nước da ngăm đen", "giọng nói như cái muỗng nạo đít chén" nhưng lại nhiệt tình với công việc điều tra tội phạm vốn khô khan và thường không dành cho phụ nữ.
Tôi đã hoàn thành tiểu thuyết trinh thám Pho tượng cổ để gửi tham dự cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần thứ 5, giai đoạn 2022 - 2025, do Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Như đã nói ở trên, tôi đang ấp ủ một cuốn tiểu thuyết trinh thám - kinh dị với nhân vật chính là một cậu mọt sách tên là Nhạc Đình, chứ không phải là đại úy Hà "ớt" như những tác phẩm trước đây. Và đây là tác phẩm đánh dấu sự chuyển hướng của tôi, một cuốn tiểu thuyết trinh thám - kinh dị bối cảnh ở núi rừng Ngọc Linh có tựa là Linh mộc, với chất liệu là một cái miếu oan hồn, 2 lá bùa và vài ba con vắt bò lổm ngổm trong vũng máu của một nạn nhân… Chỉ những người từng trải mới biết là con vắt nó kinh khủng đến mức nào.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Vài nét về Võ Chí Nhất Tác phẩm đã xuất bản: Hoàng cung (tiểu thuyết, 2016), Khiếu ăn mày (tập truyện, 2018), Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình (tập truyện, 2020), Muội tro (tập truyện trinh thám, 2022)… Anh đã giành được Tặng thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM cho tập truyện Muội tro, năm 2022. |