Sách và Văn hoá đọc

Mang mùa xuân vào thư viện trường học

Thứ Tư, 13/05/2020 | 15:00

Số lượt xem: 2830

Là một giáo viên tâm huyết hoặc một thủ thư yêu nghề, có lẽ không ít lần bạn đã có ý tưởng mang một góc tươi đẹp của mùa xuân vào thư viện của mình, truyền cảm hứng đọc sách cho một năm mới nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Hãy khiến cho nơi đọc sách thành một không gian tràn ngập mùa xuân và tạo nên niềm hứng thú đọc sách cho học sinh của mình nhân dịp đầu năm bằng những hoạt động sau đây:

  1. Trang trí góc đọc sách mùa xuân

Bạn có thể dùng bảng ghim, hoặc đơn giản là một bức tường trống trong thư viện làm một góc mùa xuân. Trên tấm bảng, bạn có thể trang trí các hình ảnh ngộ nghĩnh, với màu sắc tươi sáng để lôi cuốn sự chú ý của người đọc khi đến thư viện. Nếu có thể, hãy đặt góc mùa xuân này ở gần cửa sổ, hoặc gần một chậu cây xanh. Trên tấm bảng ghim hoặc bức tường, bạn hãy cho phép học sinh dán tên những cuốn sách đã đọc về chủ đề mùa xuân, những cảm xúc, suy nghĩ của các em khi đọc những cuốn sách này. 

                             

  1. Đọc sách mùa xuân với trò chơi Bingo

             Bingo là một trò chơi rất phổ biến ở các nước phương Tây. Ban đầu, Bingo là một trò chơi may rủi, trong đó người chơi nối các số được in sẵn theo những cách sắp xếp khác nhau trên 25 tấm thẻ, được sắp xếp thành 5 hàng ngang và 5 hàng dọc, với các số được đánh ngẫu nhiên. Khi một người chơi tìm thấy những số được chọn được sắp xếp trên tấm thẻ theo một hàng, họ hô to lên Bingo để báo cho tất cả các người chơi khác là mình đã thắng cuộc. Sau đó quản trò sẽ kiểm tra xem có đúng 5 dòng hay không. Nếu đúng thì đó là người thắng, nếu sai thì cuộc chơi vẫn tiếp tục nhưng nếu kêu Bingo quá nhiều lần mà không thật sự có Bingo thì có thể bị phạt thua.

             Về sau, trò chơi Bingo được cải tiến và có rất nhiều biến thể, trở thành một trong những trò chơi giáo dục rất hấp dẫn cho trẻ em ở các nước phương Tây. Thay vì điền số vào các tấm thẻ, giáo viên/ phụ huynh có thể điền vào các tấm thẻ các từ ngữ, tranh ảnh, các câu hỏi, yêu cầu và học sinh có thể chơi theo nhóm, để ôn luyện các kiến thức về toán học, lịch sử, địa lý, ngôn ngữ… Trò chơi này cũng có thể áp dụng trong việc đọc sách để gia tăng sự hứng thú của người đọc.

             Để có thể áp dụng trò chơi Bingo trong việc thúc đẩy niềm hứng thú đọc sách của học sinh vào dịp năm mới, các giáo viên hoặc thủ thư có thể thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị

             Chuẩn bị bảng bingo để treo ở thư viện và phát các tờ bingo cho học sinh trong trường/ lớp (theo mẫu gợi ý sau). Bảng bingo có thể trình bày trên bìa cứng, giấy A0 hoặc bảng và treo ở vị trí dễ quan sát nhất trong thư viện.

Bước 2: Giới thiệu về trò chơi

             Giáo viên chủ nhiệm/ thủ thư có thể giới thiệu về trò chơi cho các học sinh trong trường. Học sinh có nhiệm vụ đọc sách theo những yêu cầu được ghi trên bảng bingo trong thời gian hai tháng (hoặc có thể linh hoạt theo lịch học và yêu cầu của trường). Sau hai tháng, tất cả học sinh trong trường/ lớp sẽ tập trung ở thư viện để tham gia trò chơi. Ai thực hiện được nhiều nhiệm vụ hơn trong bảng bingo, cũng có nghĩa là đọc được nhiều sách hơn, sẽ có nhiều cơ hội giành phần thắng.

Bước 3: Tổ chức trò chơi

              Khi thủ thư/ giáo viên đọc một yêu cầu trong một ô trên bảng bingo, học sinh có nhiệm vụ báo cáo về cuốn sách mà mình đã đọc được phù hợp với yêu cầu đó. Ví dụ: khi giáo viên đọc ô Đọc sách cho một em bé nghe, học sinh sẽ phải trình bày về cuốn sách mà em đã chọn để đọc cho em bé nghe. Nếu cuốn sách này được chấp nhận, học sinh sẽ được gạch chéo vào ô, ghi nhận là mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Tương tự như vậy, thủ thư sẽ đọc lần lượt tất cả các nhiệm vụ đọc trong tất cả các ô trên bảng bingo. Học sinh nào gạch chéo được tất cả các hàng ngang, hàng dọc của bảng bingo sẽ hô to lên trước lớp “Bingo” và sẽ được nhận một phần thưởng. Phần thưởng cao nhất sẽ thuộc về bạn gạch chéo được nhiều hàng nhất trên bảng bingo.

Bước 4: Trao giải thưởng

             Trò chơi này giúp tạo nên hứng thú đọc sách cho học sinh, đặc biệt là tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu sâu về các phong tục, tập quán, các món ăn, loài hoa ngày Tết, đồng thời phát triển năng lực giao tiếp, khuyến khích học sinh chia sẻ thông tin về những cuốn sách mình đang đọc với bạn bè, người thân, thay đổi không gian đọc sách để tạo nên cảm giác thoải mái khi đọc. Và trên hết, sau hai tháng thực hiện trò chơi, học sinh có thể xác lập được thói quen đọc và thu thập được một kho từ vựng phong phú và những kiến thức bổ ích.

    3. Trò chơi reading spinner

             Spinner là một đồ chơi quen thuộc của học sinh ngày nay. Trong thư viện, giáo viên/ thủ thư có thể tổ chức trò chơi đọc sách bằng spinner. Để tổ chức hoạt động này, có thể làm theo các bước như sau:

Bước 1: Thông báo về cuốn sách sẽ đọc

             Trước khi chơi, giáo viên hoặc thủ thư thông báo cho học sinh những cuốn sách, câu chuyện hay về chủ đề mùa xuân hoặc Tết, phù hợp với năng lực đọc của học sinh, ví dụ Cái Tết của Mèo Con (Nguyễn Đình Thi), và yêu cầu học sinh chọn một cuốn sách để đọc trong vòng 1 tuần.

             Bước 2: Chuẩn bị

             Chuẩn bị bảng spinner bằng bìa cứng, bao gồm một vòng tròn, được chia thành nhiều phần. Trên mỗi phần của vòng tròn, giáo viên ghi các câu hỏi, ví dụ như: Câu chuyện diễn ra ở đâu, Nội dung câu chuyện là gì, Bạn muốn câu chuyện kết thúc như thế nào, Bạn thích nhất phần nào trong câu chuyện, Bạn muốn hỏi tác giả điều gì, Bạn thích nhất nhân vật nào trong câu chuyện…

Bước 3: Tổ chức trò chơi

              Sau khi học sinh đã đọc xong cuốn sách mình chọn, giáo viên có thể tổ chức trò chơi cho lớp. Giáo viên có thể chia lớp thành nhiều nhóm. Giáo viên dùng một cái bút chì đặt vào giữa vòng tròn và cho học sinh quay bút chì. Khi ngòi của bút chì chỉ vào câu hỏi nào, người chơi phải trả lời câu hỏi đó trong vòng 30 giây. Trong khi người chơi trả lời câu hỏi, giáo viên có thể đặt thêm những câu hỏi khác hoặc đưa ra những gợi ý, giải thích để các bạn khác trong lớp có thể hiểu sâu hơn về câu chuyện. Nếu sau 30 giây mà người chơi không trả lời được câu hỏi, sẽ bị loại khỏi bàn spinner.

             Bước 4: Tổng kết và trao giải thưởng

             Sau khi chơi xong trò chơi, giáo viên có thể tổng kết và trao giải thưởng cho những học sinh/ đội chơi giành chiến thắng cũng như tổng kết lại các cuốn sách đã được đề cập đến trong quá trình chơi.

             Trò chơi đọc sách bằng spinner tạo nên sự hứng thú, bất ngờ, vui vẻ cho học sinh, để việc đọc trở nên thú vị, tạo niềm cảm hứng đọc sách cho học sinh cho một năm mới.

********

             Bằng các hoạt động trên đây, bạn có thể biến thư viện trở thành một không gian xinh đẹp, hấp dẫn, nơi thực sự trở thành một trái tim của trường học. Việc tạo hứng thú và thói quen đọc sách trong thư viện trường học ngay từ những tháng khởi đầu của một năm mới chắc chắn sẽ nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho học sinh trong suốt khoảng thời gian còn lại cũng như trong toàn bộ quá trình học tập ở nhà trường.

 

                                                                   

 

Nguyễn Thị Ngọc Minh, Sáng lập viên Dự án phát triển văn hóa đọc Sách ơi mở ra

Cùng chuyên mục

Tháng tư – Mùa lễ hội của sách, văn hóa đọc, thư viện…

Thứ Ba, 16/04/2024 | 16:58

Ở nhiều quốc gia, nhất là khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ, tháng Tư mở đầu bằng một ngày truyền thống thú vị

Điểm sáng về công tác thư viện và văn hóa đọc tại Trường THCS Nguyễn Cao Cảnh -Chợ Mới - An Giang

Thứ Hai, 30/05/2022 | 09:00

Rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh (HS), giúp các em nâng cao sự hiểu biết và phát triển kĩ năng sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

THƯ VIỆN - NHỮNG NỖ LỰC HƯỚNG ĐẾN THÂN THIỆN

Thứ Ba, 05/01/2021 | 10:18

Sau nhiều nỗ lực đầu tư nâng cấp hệ thống thư viện trường học ở nước ta,

THƯ VIỆN LIÊN XÃ - MỘT MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG MỚI CỦA THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC HUYỆN CHỢ MỚI

Thứ Ba, 05/01/2021 | 10:05

Trong lịch sử tồn tại của mình, thư viện trường học từ lâu đã khẳng định được vị trí quan trọng trong việc phục vụ cho các hoạt động giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh.