Sách và Văn hoá đọc
Một số kinh nghiệm hoạt động hay tại thư viện trường tiểu học Gia Thụy
Thứ Tư, 13/05/2020 | 15:07
Số lượt xem: 10836Trường Tiểu học Gia Thụy nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ thuộc quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Trường hiện có gần 100 cán bộ công nhân viên, giáo viên với 2.344 học sinh đang theo học. Trường luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ giảng dạy, liên tục thúc đẩy các hình thức giáo dục mới mẻ nhằm giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất. Trong các mảng hoạt động của nhà trường, thư viện là điểm nhấn, là địa chỉ gần gũi và thu hút đối với các thầy cô giáo và các em học sinh. Dưới sự dẫn dắt của Ban giám hiệu mà cô Nguyễn Thị Hồng là Hiệu trưởng và hai cô Phó Hiệu trưởng là cô Nguyễn Thị Kiều Linh và cô Hoàng Thị Thu Hiền (phụ trách thư viện), thư viện đã phát huy tốt vai trò của mình, góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học của nhà trường. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới sự góp sức trực tiếp của cán bộ thư viện Nguyễn Thị Quế cũng như sự cộng tác nhiệt tình, đắc lực của đội ngũ cộng tác viên thư viện. Nhờ có sự phối hợp nhiệt tình và khoa học, thư viện đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Năm học 2009 - 2010: danh hiệu thư viện đạt chuẩn cấp Thành phố; từ năm 2010 đến 2018: liên tục đạt danh hiệu thư viện xuất sắc cấp Thành phố. Dưới đây là một số kinh nghiệm hoạt động của Thư viện trường tiểu học Gia Thụy mà các thư viện trường tiểu học có thể tham khảo và áp dụng:
Đề ra chương trình hoạt động và luôn bám sát mục tiêu: Bí quyết để đạt được thành tích cao trong công tác thư viện đó là luôn đề ra mục tiêu, kế hoạch tổng quát và cụ thể, rồi kiên tâm bám sát chương trình hành động để đạt được mục tiêu đó. Ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã thông qua và xét duyệt kế hoạch hoạt động do cán bộ thư viện đề xuất; Phó hiệu trưởng phụ trách thư viện sẽ trực tiếp chỉ đạo hoạt động của thư viện; cán bộ thư viện chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động cụ thể, có báo cáo hàng tháng theo quy định. Việc triển khai đảm bảo đúng kế hoạch, tuy nhiên có thể linh động, sáng tạo cho phù hợp với các hoàn cảnh cụ thể. Khi có kế hoạch hoạt động rõ ràng và việc triển khai bám sát kế hoạch thì sự vận hành của thư viện sẽ thông suốt, giúp các em học sinh đi đúng hướng trong việc đọc và học, từ đó đạt được kết quả cao trong học tập.
Áp dụng kĩ năng nghiệp vụ thư viện trong mọi hoạt động: Thư viện trường tiểu học Gia Thụy luôn đề cao việc áp dụng kĩ năng nghiệp vụ trong quá trình triển khai các hoạt động thư viện. Sổ sách liên quan đến công tác nghiệp vụ có đủ 6 loại theo quy định. Việc sắp xếp kho sách cũng được thực hiện theo hướng dẫn của Quyết định 01/2003 về 05 tiêu chuẩn đối với thư viện các trường phổ thông, đảm bảo khoa học và sáng tạo. Công tác kiểm kê, phân loại, xây dựng hệ thống mục lục được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên. Kế hoạch bảo quản tài liệu được tiến hành theo đúng quy định. Thư viện biên soạn ít nhất 2 thư mục có nội dung phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của nhà trường. Cán bộ thư viện tiếp tục sử dụng phần mềm Quản lí thư viện để quản lí tài liệu, quản lí bạn đọc và áp dụng công nghệ thông tin vào công tác xử lí nghiệp vụ, công tác bạn đọc, công tác giới thiệu sách nhằm thực hiện hiệu quả các mặt công tác. Cán bộ thư viện tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kho học liệu điện tử theo khối lớp, theo môn học để giáo viên có tư liệu giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Ban Giám hiệu cũng rất sát sao trong công tác chỉ đạo, kiểm tra thư viện mỗi tháng một lần để mọi hoạt động luôn nằm trong quy củ.
Trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị cho thư viện: Nhận thức được tầm quan trọng của cơ sở vật chất đối với hoạt động thư viện, nhà trường luôn dành cho thư viện một khoản kinh phí hợp lí hàng năm để bổ sung, nâng cấp trang thiết bị cần thiết. Thư viện trường tiểu học Gia Thụy được xem là mẫu hình thư viện trường tiểu học chuẩn mực với cơ sở vật chất rất khang trang, gồm 2 phòng, đặt tại vị trí tầng 1 (khu nhà Hiệu bộ). Không gian thoáng đãng, bàn ghế ngay ngắn gọn gàng, hệ thống ánh sáng đạt tiêu chuẩn, có 05 máy tính kết nối internet, 25 giá sách sắp xếp khoa học, thuận tiện cho giáo viên và học sinh tra tìm tài liệu. Việc nhà trường luôn quan tâm cải tạo cơ sở vật chất và nâng cấp hệ thống trang thiết bị thư viện giúp thư viện nơi đây luôn là điểm đến thu hút đầy mới mẻ cho giáo viên và học sinh.
Bổ sung vốn tài liệu thông qua nhiều hình thức: Kinh phí dành cho việc bổ sung vốn tài liệu thư viện luôn được nhà trường ưu tiên hàng đầu. Sách giáo khoa, sách nghiệp vụ, sách tham khảo cho giáo viên và học sinh luôn được cập nhật đầy đủ hàng năm. Hiện vốn tài liệu của thư viện là 14.497 cuốn, trong đó sách giáo khoa 2.185 cuốn; sách nghiệp vụ 1.016; sách tham khảo 11.296 cuốn. Nhà trường còn có tủ sách giáo khoa dùng chung để phục vụ những học sinh không có điều kiện mua sách. Thư viện luôn đảm bảo cung cấp đủ sách nghiệp vụ giảng dạy cho giáo viên và dành ra 03 bản lưu; thường xuyên bổ sung sách tham khảo có giá trị với tỉ lệ sách tham khảo là 4.5 cuốn/học sinh; tích cực xây dựng các tủ sách chuyên đề để đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của giáo viên và học sinh. Thư viện cũng thường xuyên cập nhật kho học liệu điện tử theo môn học, theo khối lớp nhằm tạo nguồn lực công nghệ thông tin phong phú cho hoạt động giảng dạy. Thư viện tiếp tục duy trì phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay” để làm phong phú vốn tài liệu. Cuối năm học, thư viện tổ chức quyên góp sách giáo khoa cũ để ủng hộ các bạn học sinh vùng sâu, vùng xa không có điều kiện mua sách.
Áp dụng hình thức phục vụ đa dạng: Công tác phục vụ của cán bộ thư viện nơi đây luôn bám sát tiêu chí hiệu quả, thiết thực và đa dạng. Thư viện chủ động kết hợp với các tổ bộ môn để đề ra chương trình đọc phù hợp với các tiết học trên lớp; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tiếp tục xây dựng và duy trì thư viện góc lớp ở các lớp học. Với hình thức phục vụ đa dạng [1], cán bộ thư viện có thể tổ chức các hoạt động đọc phong phú như tổ chức đọc theo nhóm, đọc cho cả lớp cùng nghe; tăng cường nói chuyện theo chuyên đề về các vấn đề xã hội để hỗ trợ với nhà trường giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; tổ chức các tiết ngoại khóa như xem phim, thi kể chuyện, viết cảm nghĩ để các em học sinh phát huy năng khiếu bản thân và sự độc lập trong suy nghĩ. Bên cạnh đó, tổ công tác thư viện còn triển khai các phương thức đưa sách báo đến tay bạn đọc theo hướng thân thiện như: góc nghệ thuật, giỏ sách lưu động, giỏ sách mi ni; duy trì tủ sách lưu động, đặt các giá sách bên ngoài thư viện để học sinh đọc vào đầu giờ buổi sáng, giờ ra chơi, cuối buổi chiều. Học sinh vào thư viện ngoài việc đọc sách còn được xem phim, làm các sản phẩm sáng tạo, hoạt động các góc chuyên đề. Ngoài ra hoạt động thư viện mở ở hành lang cũng rất sôi nổi, thu hút học sinh đọc vào giờ ra chơi hay giờ chiều bố mẹ chưa đón.
Tổ chức tốt công tác tuyên truyền giới thiệu sách: Điểm thuận lợi của thư viện là có một đội ngũ cộng tác viên nhiệt tình luôn sẵn sàng phối hợp để triển khai công tác tuyên truyền giới thiệu sách đa dạng, phong phú. Giới thiệu sách theo chủ đề được tổ chức mỗi tháng một lần [2], hoạt động triển lãm sách diễn ra hai lần trong năm [3] và ngày hội đọc sách diễn ra vào tháng 4 hàng năm. Thư viện cũng thường xuyên kết hợp với Đoàn, Đội và giáo viên chủ nhiệm các lớp tổ chức thi kể chuyện theo sách, giới thiệu sách, điểm sách với các chủ đề như học tập, mái trường, về thầy cô, gia đình… Bên cạnh đó, thư viện trường còn thúc đẩy học sinh tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc thủ đô” hàng năm và các Hội sách định kì của thành phố Hà Nội. Vào tháng 10/2018, thư viện còn phối hợp với các đoàn thể tổ chức Tuần lễ học tập suốt đời năm 2018 với chủ đề “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”, thu hút được sự tham gia của đông đảo giáo viên và học sinh nhà trường.
Xây dựng chủ đề đọc sách cho học sinh: Chủ đề đọc sách được xây dựng ngay từ đầu năm học theo sự chỉ đạo của Sở giáo dục, Phòng giáo dục và nhà trường. Chủ đề đọc sách của các tháng được xây dựng theo chương trình học và các ngày lễ kỉ niệm trong các tháng của năm. Dựa vào nội dung các chủ đề chính của tháng, thư viện sẽ triển khai các hoạt động như giới thiệu sách theo chủ đề, lên chương trình đọc cho các khối lớp và triển khai các hoạt động khác. Trước khi vào năm học mới, cán bộ thư viện nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu đọc, tâm sinh lí và nội dung chương trình học của các lớp để đưa ra chương trình sinh hoạt thư viện phù hợp với học sinh. Xây dựng chủ đề đọc cần xác định dựa trên lứa tuổi học sinh để định hướng cho các em chủ đề đọc phù hợp. Việc lựa chọn chủ đề cần phát huy tối đa vai trò bổ trợ, nâng cao kiến thức phục vụ các môn học trong chương trình học trên lớp. Những tiết đọc sách thư viện theo chủ đề hoặc đọc tự do giúp học sinh tích lũy nhiều kiến thức bổ trợ cho các môn học. Ví dụ như đọc truyện cổ tích sẽ giúp học sinh học tốt phân môn kể chuyện hay học tốt phân môn tập làm văn. Tính đến tháng 4/2018 thư viện nhà trường đã phục vụ được tới 76. 350 lượt học sinh.
Hướng dẫn phương pháp đọc sách cho học sinh: Hướng dẫn đọc là sự tác động của cán bộ thư viện lên nội dung, tính chất, phương pháp đọc của người đọc đến sử dụng thư viện. Đối với học sinh tiểu học, hoạt động thư viện của các em được cán bộ thư viện phân theo nhóm lớp và theo lứa tuổi để phù hợp với tâm lí của các em. Hoạt động đọc của học sinh được cán bộ thư viện chia thành ba giai đoạn chính: chuẩn bị đọc, quá trình đọc, sau khi đọc sách. Với những tiết đọc sách với chủ đề tự do, cán bộ thư viện trường dành 05 phút đầu giờ để giới thiệu cho các em những sách có nội dung phù hợp với các em. Bên cạnh những tiết đọc sách theo chủ đề và chương trình đọc sách của thư viện, cán bộ thư viện còn hướng dẫn cho học sinh cách lập cho mình kế hoạch đọc sách trong các giờ đọc tự do hoặc đọc ở nhà, các em phải có kế hoạch đọc cụ thể mới mang lại hiệu quả thực sự cho các em. Thư viện cũng kết hợp chặt chẽ phương pháp hướng dẫn từng em với các hình thức truyên truyền giới thiệu sách cho từng nhóm bạn; hướng dẫn học sinh đọc to nghe chung để nâng cao kĩ thuật đọc, ghi nhớ dần những thông tin trong sách. Để đọc to nghe chung có hiệu quả, ở mỗi lớp, cán bộ thư viện sẽ lựa chọn 04 em có giọng đọc tốt và truyền cảm để đảm nhiệm việc đọc ở các nhóm nhằm truyền tải nội dung cũng như giá trị ngh��� thuật của tác phẩm tới các bạn trong nhóm.
Hướng dẫn học sinh đúc kết kiến thức sau khi đọc: Việc hướng dẫn ghi chép và viết nhận xét sau khi đọc sách là hình thức hướng dẫn các em ghi chép lại, thể hiện lại những điều đã hiểu, đã cảm nhận qua những trang sách bằng ngôn ngữ. Hình thức này giúp các em học sinh củng cố và phát huy khả năng lĩnh hội sách của mình, còn thủ thư nhận được những thông tin phản ánh năng lực cảm thụ của sách cũng như nhu cầu đọc và hứng thú đọc của các em. Mỗi học sinh có một cuốn vở có tên là “Nhật ký đọc sách” để ghi chép trong những giờ đọc sách [4]. Bên cạnh đó, vào tuần cuối của tháng, cán bộ thư viện còn hướng dẫn các em viết thu hoạch về cuốn sách mình tâm đắc nhất trong tháng trên cơ sở xem lại vở nhật ký đọc của tháng đó. Với những học sinh thích viết, cô thủ thư phát cho các em mẫu giấy viết thu hoạch để các con rèn luyện kĩ năng viết văn và cảm thụ văn học; với những học sinh không thích viết, cô cho các em trả lời phiếu đánh giá sách với những câu hỏi ngắn gọn, đánh giá sách bằng các dấu sao từ 1 dấu sao đến 5 dấu sao với các mức độ chán, trung bình, khá hay, rất hay, cuốn sách tuyệt vời… Qua đó hiểu được tâm lí và nhu cầu đọc của cách em nhằm điều chỉnh các hoạt động sau đó phù hợp hơn.
Tổ chức các góc hoạt động để phát huy sở trường của học sinh: Thư viện thu hút các bạn đọc nhỏ bằng việc tổ chức các góc chuyên đề với hình thức, nội dung phong phú. Góc đố vui về sách (hái hoa dân chủ) là hình thức tuyên truyền tích cực về các tài liệu, tạo hứng thú đọc cho học sinh, giúp học sinh hệ thống hóa được các cuốn sách các con đã đọc, động viên học sinh đọc sách báo, tìm tòi, làm việc với sách, xây dựng thói quen so sánh đối chiếu, khả năng tư duy của học sinh sau khi đọc sách. Góc sáng tác thơ văn được tổ chức theo hình thức câu lạc bộ viết văn bao gồm các em học sinh của từng khối lớp từ lớp 3 đến lớp 5, mỗi khối là một câu lạc bộ mang tên của từng khối. Cán bộ thư viện thường tổ chức cho các con vào những giờ ra chơi hoặc các buổi chiều được nghỉ tiết sớm. Cô thủ thư sẽ gợi ý đề tài sáng tác của học sinh như viết về thầy cô giáo, thơ văn về mẹ, về gia đình, trường học… để các em thỏa sức sáng tạo. Góc vẽ được nhiều bạn học sinh yêu thích khi các em được vẽ những bức tranh theo sở thích và theo các chủ đề thư viện đưa ra. Các bạn còn được cô thủ thư dạy làm thẻ đánh dấu sách hoặc làm thiệp chúc mừng để gửi tặng thầy cô giáo và những người thân yêu. Góc viết dành cho các bạn yêu thích viết chữ đẹp có thể ngồi luyện viết ở đó, qua đó các con có thể rèn thêm kĩ năng viết của mình cũng như kĩ năng viết văn, sáng tác văn thơ…
Để có được hoạt động hiệu quả như trên, không thể không nhắc đến vai trò của cán bộ thư viện Nguyễn Thị Quế. Cô Quế là cán bộ thư viện chuyên trách, tốt nghiệp khoa Thư viện thông tin của Đại học Văn hóa Hà Nội. Cô Quế làm công tác thư viện từ 2009 và từng đạt giải Nhì cuộc thi Nhân viên thư viện giỏi quận Long Biên năm học 2014 - 2015. Mong muốn của cô Quế là tiếp tục tổ chức được nhiều hoạt động chuyên sâu cho học sinh về tìm hiểu sách, thí nghiệm khoa học, làm các sản phẩm tái chế dựa trên các bài học từ sách và mong sẽ thu hút được hơn nữa sự quan tâm của phụ huynh về việc đọc của con em mình. Tin rằng, với thái độ làm việc nghiêm túc, sự tận tâm yêu nghề của không chỉ cô Quế mà còn của cả tập thể nhà trường, thư viện trường tiểu học Gia Thụy sẽ còn đạt nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.
[1] Sử dụng kho mở đối với học sinh, kho đóng đối với giáo viên; cho mượn về nhà và đọc tại chỗ; học sinh được sắp xếp lịch đọc cố định theo thời khóa biểu.
[2] Dưới nhiều hình thức như trưng bày sách, thông báo sách mới, giới thiệu sách trên bảng tin thư viện, phát thanh măng non, giới thiệu trước toàn trường vào giờ chào cờ đầu tuần hoặc trong các tiết thư viện.
[3] Năm 2018 nhà trường lên kế hoạch tổ chức hai triển lãm sách với chủ đề “Chào mừng kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam” và “Bác Hồ kính yêu”.
[4] Nội dung ghi chép của các em được cán bộ thư viện xây dựng rất đơn giản như tên của cuốn sách là gì, tên tác giả của cuốn sách, điều em thích nhất trong cuốn sách là gì, hoặc bài học rút ra sau khi đọc sách của em là gì…