Sách và Văn hoá đọc
Một số suy nghĩ về hoạt động của thư viện trường học trong tuần lễ học tập suốt đời
Thứ Ba, 05/01/2021 | 09:00
Số lượt xem: 6566Vào năm 1945, các quốc gia thành lập nên tổ chức UNESCO cùng ký vào một văn bản thoả thuận chung, thể hiện niềm tin về “cơ hội đầy đủ và bình đẳng cho giáo dục” cho tất cả mọi người. Kể từ thời điểm đó, giáo dục cho mọi người trở thành một phần nhiệm vụ của UNESCO để biến những cơ hội thành hiện thực. Khái niệm Học tập suốt đời xuất hiện đầu tiên ở châu Âu vào những năm 70 của thế kỉ trước và được hiểu rằng: việc học không phải chỉ dành cho trẻ em, không chỉ diễn ra trong các lớp học mà diễn ra trong suốt cuộc đời và trong nhiều môi trường khác nhau và “học để biết, học để làm, học để tồn tại, học để cùng chung sống và học để sáng tạo” (theo báo cáo của Ủy ban quốc tế về Giáo dục cho thế kỉ 21). Trong năm 2015, Tuần lễ Học tập suốt đời ở Việt Nam được triển khai từ 2/10 đến 9/10 ở mọi tỉnh, thành trên cả nước. Với chủ đề “Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay”, tâm điểm của Tuần lễ Học tập suốt đời năm 2015 nhấn mạnh đến mối liên hệ mật thiết giữa thư viện với việc đọc sách của mọi người trong quá trình rèn luyện để trở thành một cá nhân học tập suốt đời.
Thư viện trường học được xem là địa chỉ cung cấp thông tin – kiến thức quen thuộc cho các em học sinh ngoài lớp học. Đây là nơi mà các em học sinh luôn được chào đón, nơi mà mọi mơ ước và sở thích cá nhân của các em đều được trân trọng. Thư viện là nơi mà các em được thỏa sức tư duy, sáng tạo và chia sẻ. Các em học sinh lên thư viện trong giờ thư viện, trong giờ giải lao… để được đọc sách, được tìm hiểu và khám phá thế giới xung quanh qua những thông tin mà các em có được từ kho tài liệu của thư viện. Thư viện trường học thường được bố trí ở vị trí trung tâm và thuận tiện trong khuôn viên nhà trường, tạo cho các em một không gian yên tĩnh và cơ hội được tiếp cận với sách vở, máy tính, các thiết bị công nghệ, các CSDL và rất nhiều thông tin được lưu trữ ở nhiều hình thức khác nhau: sách báo, tạp chí, băng đĩa... Ngoài ra, các em còn biết đến thư viện như một địa chỉ sinh hoạt văn hóa quen thuộc, nơi thường diễn ra nhiều hoạt động mang tính giáo dục và giải trí rất bổ ích và lí thú trong phạm vi nhà trường.
Có thể nói, thư viện trường học thật sự là điểm khởi đầu lí tưởng trong hành trình rèn luyện bản thân để trở thành những cá nhân học tập suốt đời. Điều 26 của Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền có viết “mọi người đều có quyền học tập” – ai cũng có cơ hội học tập và được tiếp nhận nền giáo dục cơ bản. Sự bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục là yếu tố cốt lõi để mọi người đều có thể trở thành các cá nhân học tập suốt đời. Học sinh luôn được bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng vốn tài liệu, công nghệ và trang thiết bị của thư viện nhà trường. Sự bình đẳng trong việc sử dụng thư viện trường học sẽ góp phần tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, bổ trợ cho việc học trên lớp và đáp ứng được các nhu cầu học tập rất đa dạng của các em học sinh.
Cũng theo tài liệu của UNESCO, việc học tập của mọi cá nhân tại mọi thời điểm chủ yếu bắt đầu bằng việc đọc. Đến với thư viện trường học, các em được tiếp xúc và đọc rất nhiều sách: từ sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách nâng cao… đến các loại sách mang tính giải trí như sách truyện, thơ… Đây được xem là kênh thông tin hữu dụng và mang tính giáo dục cao cho các em khi mà văn hóa đọc đang dần mất ưu thế trước văn hóa nghe nhìn. Việc tiếp cận kiến thức – thông tin qua kênh thư viện trường học có nét “mở” hơn so với hoạt động giảng dạy – học tập ở trên lớp. Nếu việc học trên lớp chủ yếu tập trung vào hoạt động thu nhận, sao chép và ghi nhớ các thông tin thì việc “đọc và học” ở thư viện thực sự là một quá trình tìm tòi, khám phá, trải nghiệm và đánh giá. Các em được lựa chọn những cuốn sách mình thích, đọc và cảm thụ theo cách cá nhân, không bị chi phối và ràng buộc bởi bất kỳ khuôn mẫu nào. Giáo viên thư viện có thể giúp các em tìm hiểu, nắm bắt được nội dung kho sách và định hướng đọc sách song quyền lựa chọn cuối cùng là dành cho các em.
Khi nói đến khái niệm Học tập suốt đời, chúng ta thường nhắc đến việc tự học hay việc học tập chủ động và kiên trì của mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời. Nếu như ở trên lớp, các em cần phải lĩnh hội các nội dung giảng dạy chung từ giáo viên thì khi hòa mình trong môi trường thư viện, các em được tiếp cận với kiến thức ở nhiều lĩnh vực với nhiều cấp độ khác nhau. Việc tự học này, như đã nói ở trên, mang tính mở và có dấu ấn cá nhân tích cực. Các em lựa chọn những cuốn sách mình thích, đọc và cảm nhận sách theo cách riêng và chính những cuốn sách các em được tiếp xúc trên thư viện đã góp phần xây dựng thói quen và sở thích đọc sách của các em. Hoạt động tìm kiếm sách trong thư viện theo sở thích của bản thân cũng là cả một quá trình tích lũy kiến thức và kĩ năng cá nhân, giúp các em biết chọn lọc và đánh giá thông tin, phân tích và đánh giá nhu cầu đọc (học tập) của bản thân, kĩ năng giải quyết vấn đề… Như vậy, có thể nói rằng: thư viện trường học đã giúp các em duy trì thói quen học tập, giúp các em áp dụng một cách hiệu quả và sáng tạo những kiến thức thu được trên lớp.
Một điểm quan trọng nữa không thể không nhắc đến đó chính là việc thư viện trường học luôn cung cấp và rèn luyện cho các em những kiến thức thông tin và công nghệ. Đây được xem là những yêu cầu đặt ra với mọi cá nhân trong một xã hội học tập của thế kỉ 21 khi mà thông tin và công nghệ không ngừng phát triển. Đến thư viện trường học, các em có thể học được các kiến thức, kĩ năng về thông tin và công nghệ từ những điều đơn giản nhất như cách chọn cuốn sách phù hợp với bản thân, cách đọc và hiểu ký hiệu trên các giá sách… cho đến các nội dụng phức tạp hơn như cách tra cứu trên các CSDL, tìm và đánh giá thông tin trên mạng Internet, vấn đề bản quyền thông tin… Giờ thư viện thực sự trở thành giờ thực hành hữu ích cho các em về kiến thức thông tin, đánh giá nhu cầu thông tin của bản thân, rèn luyện kĩ năng tư duy và kĩ năng công nghệ - những yêu cầu quan trọng của thị trường việc làm hiện tại và sau này.
Ngày nay, hoạt động của các thư viện trường học đang trở nên phong phú và hấp dẫn hơn trong mắt các em học sinh. Giờ thư viện ở nhiều trường không còn bị gói gọn trong hoạt động đọc sách – mượn sách truyền thống như trước kia. Nắm bắt được nhu cầu của các em học sinh, thư viện trường học bây giờ trở thành phòng trưng bày của các cuộc thi vẽ tranh theo sách, là sân khấu - nơi diễn ra các cuộc thi kể chuyện sách, thi bình sách, đọc sách diễn cảm, đọc và làm theo sách, thi đố vui… Thư viện trường học đã thực sự trở thành nơi trải nghiệm học tập thú vị với các em, biến việc đọc và học thành phong trào sâu rộng trong nhà trường. Chính thư viện trường học là nơi khơi dậy và nuôi dưỡng những những ước mơ, những sở thích; là trải nghiệm học tập ngoài lớp học đầy thú vị và bổ ích và cũng là nơi giúp các em rèn luyện kĩ năng học tập từ cơ bản đến phức tạp của bản thân.
Từ những phân tích sơ lược trên đây có thể thấy, vai trò quan trọng của thư viện trong quá trình hình thành và phát triển một của một cá nhân học tập suốt đời. Việc hình thành khái niệm Học tập suốt đời ở độ tuổi nhà trường sẽ góp phần tạo ra những cá nhân phát triển toàn diện hơn khi đến tuổi trưởng thành. Để thực sự phát huy vai trò giáo dục của mình đối với quá trình học tập suốt đời của các em học sinh, thư viện trường học nên làm tốt những nội dung sau:
- Thường xuyên đổi mới các hoạt động thư viện, biến thư viện trường học thành không gian đọc sách và tự học lí tưởng cho các em. Để làm được điều này, thư viện trường học cần không ngừng đa dạng vốn tài liệu và dịch vụ thư viện, biến thư viện thành địa chỉ tiếp cận thông tin dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả, đảm bảo khả năng tiếp cận thư viện một cách công bằng của mọi học sinh.
- Nên có những kênh trao đổi thông tin trung thực và cởi mở giữa thư viện - học sinh - phụ huynh - giáo viên để có thể có được tiếng nói chung và hiệu quả nhất liên quan đến vai trò của thư viện với thành tích học tập của các em.
- Không ngừng nâng cao chất lượng của giờ thư viện, biến giờ thư viện thành một tương tác văn hóa có gắn với nội dung đọc sách.
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai! Các thư viện trường học hãy chung tay cùng với giáo viên, phụ huynh học sinh và toàn thể xã hội trong việc giúp các em được phát triển một cách toàn diện nhất các kĩ năng, năng lực và nhân cách để trở thành những cá nhân học tập suốt đời độc lập và tự chủ. Hãy để các em hiểu và thấm thía ngay từ ngày hôm nay rằng: học tập ở mọi nơi và mọi lúc là chìa khóa của mọi thành công!