Media » Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa
Nhà báo Trần Nhật Vy: "Chữ nghĩa là vũ khí, nên phải rèn cho sắc bén"
Thứ Năm, 20/06/2024 | 08:47
Số lượt xem: 268Từ khi về hưu, nhà báo Trần Nhật Vy liên tục cho ra mắt những cuốn sách khảo cứu về mảnh đất Sài Gòn - Gia Định, đặc biệt ở mảng văn chương và báo chí chữ quốc ngữ. Trích đoạn bài viết về đề tài báo chí miền Nam là Nữ phóng viên đầu tiên đã được đưa vào sách Ngữ văn 11, tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
Vì mê nên ở đâu có tài liệu cần tìm là ông tìm đến, tự bỏ tiền túi cho việc đi lại và mua tài liệu. Tuy tự cho mình là một người nghiên cứu "tay ngang", viết vì mục đích giản dị là "muốn để lại được gì đó cho thế hệ sau khỏi mắc công nghiên cứu từ đầu", nhưng các tác phẩm của ông được đánh giá là có tính hệ thống và có giá trị tham khảo tốt cho bạn đọc.
Đọc sách của ông, bạn đọc dễ dàng cảm nhận được dòng chảy của văn hóa và không khí hoạt động sôi nổi, cởi mở của văn chương, báo chí miền Nam.
Nhà báo Trần Nhật Vy
Tình cờ gặp nhân vật trong quá trình nghiên cứu
* Thưa ông, bà Nguyễn Thị Kiêm - bút danh Nguyễn Thị Manh Manh, hoặc Manh Manh nữ sĩ - đã trở thành "nữ phóng viên đầu tiên" như thế nào?
- Trong một thời gian dài làm báo, tôi quan tâm đến những vấn đề của báo chí ngày xưa, nên thường xuyên tìm kiếm tư liệu để nghiên cứu, tình cờ, tôi đọc thấy tên tuổi bà Nguyễn Thị Kiêm cùng với những chuyện thú vị về bà.
Bà Kiêm bước vào nghề báo lúc mới 17 tuổi, sau khi học xong tú tài ở Trường Gia Long (nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) và hoạt động năng nổ trong những năm 1931 đến 1937. Bài Nữ phóng viên đầu tiên của tôi đăng trên báo Tuổi trẻ vào giữa năm 2015, sau đó, tôi đưa nó vào tập sách Chuyện nghề báo, nhà báo Sài Gòn thuở ban đầu.
Manh Manh nữ sĩ xuất hiện khi tờ Phụ nữ tân văn quay trở lại vào giữa năm 1931, sau 6 tháng bị đình bản. Lúc này, tờ báo đẩy mạnh chủ trương đấu tranh cho nữ quyền và bà chính là người cất tiếng mạnh mẽ cho những điều này.
* Vậy, có thể thấy tiếng nói nữ quyền đã được cất lên khá sớm ở miền Nam, ông nói gì về phong trào này?
- Có thể nói Manh Manh nữ sĩ là một trong vài người đầu tiên cổ động cho phong trào này, bà thường đứng lên kêu gọi nữ quyền. Bà đã đi diễn thuyết ở nhiều nơi, từ Sài Gòn đến Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Huế..., không chỉ về thơ văn, mà còn về nữ quyền và thường là rất đông người nghe.
Về phong trào nữ quyền, phụ nữ ra đường kêu gọi nữ quyền là tốt. Tuy nhiên, thường thì sau khi lập gia đình và có con, nhiều phụ nữ có khuynh hướng thích ở nhà. Họ thích chăm lo cho chồng con, nên người ta dễ có cảm giác phụ nữ bị đàn áp. Vì vậy, phụ nữ có nữ quyền là không bị cản trở khi làm điều mình thích, chứ không phải vì họ ở nhà nội trợ, hoặc ra ngoài làm việc.
Trang sách “Nữ phóng viên đầu tiên”
* Được biết, bạn đọc sẽ còn gặp lại nhân vật Manh Manh nữ sĩ trong cuốn sách mà ông đang viết. Việc tìm tư liệu về bà có gì thú vị để kể không, thưa ông?
- Điều đáng nói là hình ảnh về bà rất hiếm, ngoài tấm hình đã đăng, thì không có tấm hình nào khác, mặc dù đã tìm đến tận gia đình. Trong cuốn sách đang viết, tôi có bổ sung một số bài viết và ghi nhận những buổi diễn thuyết của bà.
* Rất thú vị vì đọc thấy văn phong Nam bộ xưa trong bài viết của ông, tuy vậy, ông có nghĩ đây sẽ là cản trở cho học sinh đọc văn bản này, vì có nhiều từ khó hiểu với các em?
- Tiếp cận những từ ngữ khác lạ sẽ thú vị chứ có sao đâu, và giáo viên sẽ giảng cho các em hiểu. Ngôn ngữ (ở đây là tiếng Việt) vùng miền là vấn đề lớn mà các nhà ngôn ngữ học cần phải nghiên cứu nhiều hơn nữa.
Cuốn “Chuyện nghề báo, nhà báo Sài Gòn thuở ban đầu”
Ví dụ, trong các bản tin thường dùng từ "đâm xe" thay vì từ "đụng xe", mà từ "đâm" có nghĩa là dùng một vật nhọn và hành động có chủ đích của một đối tượng nào đó, nên dùng để nói về một vụ tai nạn xe cộ là không đúng. Có nhiều chữ của miền Nam bị mất dần như: "bùng binh" bị thay thành "vòng xuyến", "giao lộ" thành "nút giao thông" và "rạch" thành "kênh"... Tôi cho đây là sự thất bại của giáo dục.
Theo tôi, phải có sự nghiên cứu sâu về ngôn ngữ vùng miền và đặc biệt là nên có chương trình dạy lịch sử chữ quốc ngữ. Nếu biết lịch sử chữ quốc ngữ sẽ thấy thuở ban đầu nó được phát triển ở các vùng miền ra sao, trong đó tiếng miền Nam có ảnh hưởng của người Hoa, Khmer, Chăm... nên rất phong phú.
"Điều đáng giá nhất trong thời gian làm báo với tôi là... được làm báo. Nghĩa là, tôi đã làm và sống được với nghề báo" - nhà báo Trần Nhật Vy. |
Công cụ của nhà báo là chữ nghĩa
* Dù bây giờ bạn đọc thường thấy tên ông là tác giả của những cuốn sách khảo cứu về văn chương và báo chí Sài Gòn, nhưng vẫn không thể quên ông là nhà báo Trần Nhật Vy. Điều ông thấy đáng giá nhất sau khi nhìn lại quãng thời gian làm báo của mình là gì?
- Điều đáng giá nhất trong thời gian làm báo với tôi là... được làm báo. Nghĩa là, tôi đã làm và sống được với nghề báo. Tôi không có tài, chỉ có sự cần cù bù thông minh. Buôn bán thì tôi không rành, mà cái gì không rành tôi không làm, vậy nên không làm báo thì không biết làm gì khác (cười).
Tôi làm báo đúng 35 năm thì nghỉ hưu. Thú vị ở chỗ, khi mới đi làm tôi biết rất ít về lịch sử báo chí, nhưng chữ quốc ngữ thì khác, tòa soạn báo Tuổi trẻ (cơ quan tôi làm) đặt ở đường Lý Chính Thắng, gần đó có Trung tâm Đắc Lộ và hồi trung học lại học Trường tư thục Đắc Lộ, nên ít nhiều khiến tôi quan tâm đến ông Alexandre de Rhodes và chữ quốc ngữ, nên tìm tòi, có thêm hiểu biết để bổ sung cho nghề viết của mình.
* Vậy mà trong một lần phỏng vấn, ông nói nếu có kiếp nào khác, ông không làm nghề báo nữa?
- Bây giờ thì tôi đã nghĩ lại rồi, nếu có kiếp khác, tôi vẫn muốn làm báo, dù đây là nghề nghèo, cực và nguy hiểm (cười).
* Một nhà báo kỳ cựu như ông sẽ nói gì với các phóng viên mới vào nghề và sinh viên báo chí?
- Làm nghề nào cũng cần có công cụ tốt. Công cụ của nghề báo là chữ nghĩa, vậy nên phải rèn giũa chữ cho tốt. Với nhà báo, chữ nghĩa là vũ khí, nên phải rèn cho sắc bén và sử dụng đúng chỗ, đúng lúc. Đó là đòi hỏi số một, bên cạnh đó, những kỹ năng khác cần có của một nhà báo sẽ được bồi đắp dần dần qua thời gian làm nghề.
* Ông có nói về cuốn sách mình đang viết, hãy nói thêm một chút về nó?
- Về cuốn sách sắp xuất bản, hiện nó vẫn còn trong vòng bí mật, nên chưa tiết lộ được. Nói sơ qua thì nó vẫn là một cuốn về những câu chuyện về nghề báo, nhà báo Sài Gòn xưa, nhưng được viết sâu hơn.
Hiện tại, tôi chưa đặt tựa cuốn sách, nhưng theo kế hoạch sẽ được phát hành trong vài tháng tới. Viết sách thì không bị hối thúc như làm báo, nên tôi thong thả thôi, có khi 4 giờ sáng thức dậy viết, đọc lại tư liệu, lục lọi bao nhiêu thứ chỉ để viết một trích dẫn, nên có khi vài ngày chỉ xong vài trang.
Bộ sách “Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924” (5 tập). Ảnh: Đinh Huyền
* Viết khảo cứu bao giờ cũng gian nan, vì khó tìm tư liệu và mất thời gian đối chiếu. Điều gì khiến ông không dừng bước?
- Chỉ có sở thích mới làm cho tôi đi tiếp mà không nản lòng. Tôi thích tự mình làm, không phải nhờ vả ai. Tôi nhìn thấy văn chương và báo chí Sài Gòn xưa có quá nhiều điều để viết, mà nếu chúng chỉ nằm trên báo thì sẽ mất đi, nên tôi viết sách để gom lại cho thế hệ sau, mong họ không phải bỏ công nghiên cứu lại từ đầu. Tôi tìm kiếm tư liệu trong những năm sắp về hưu và khi về hưu thì có việc gì để làm, ngoài viết sách.
Cuốn “Chữ quốc ngữ: 130 năm thăng trầm”
* Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Vài nét về nhà báo Trần Nhật Vy Tên khai sinh Nguyễn Hữu Vang, sinh ngày 26/1/1956 tại Cao Lãnh (Đồng Tháp), nhưng lớn lên ở Hóc Môn, quê mẹ của ông. Ông từng công tác ở Bảo tàng Cách mạng (nay là Bảo tàng TP.HCM). Từ năm 1981 làm việc tại báo Tuổi trẻ đến khi nghỉ hưu. Một số tác phẩm đã xuất bản: Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924 (gồm 5 tập); Chuyện nghề báo, nhà báo Sài Gòn thuở ban đầu; Ba nhà báo Sài Gòn; Mười tám thôn vườn trầu; Chữ quốc ngữ: 130 năm thăng trầm; Từ Bến Nghé tới Sài Gòn; Báo quấc ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19… |