Media » Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa

Nhà thơ Đỗ Quang Huỳnh: 'Tôi là tác giả sống trong hương vị nhà quê'

Thứ Năm, 21/03/2024 | 17:37

Số lượt xem: 1725

Đỗ Quang Huỳnh làm thơ từ thuở ngồi ghế nhà trường, chưa xuất bản một tập thơ riêng nào, chỉ đăng thơ trên các báo và tạp chí. Anh đã có những bài thơ gây ấn tượng với bạn đọc ở cả thơ người lớn và thiếu nhi.

Bài thơ Tháng Giêng của bé là như thế, vì đã để lại trong lòng bạn đọc những cảm xúc ngọt ngào khi cảm nhận bầu không khí của đất trời vào Xuân. Tác phẩm này đã được đưa vào nhiều sách giáo khoa, ví dụ như Tiếng Việt 5, tập 2, hoặc Tiếng Việt 4, tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

"Mầm cây tỉnh giấc, vườn đầy tiếng chim"

Đây là câu thơ trong bài thơ được Đỗ Quang Huỳnh viết vào mùa Xuân năm 1994. Khi ấy, anh còn trẻ - chưa đến 30 -đang sống ở một làng quê của tỉnh Thái Bình và đón một mùa Xuân vui nhất đời mình, vì con trai đầu lòng của anh sắp chào đời.

Trong cảm xúc háo hức chờ chào đón mầm non của gia đình, Đỗ Quang Huỳnh nhìn thấy mọi thứ dường như đều đang đâm chồi nảy lộc. Khi anh từ trong căn nhà tập thể nhìn ra cửa thấy cây cối thay lá, đào chúm chím nụ... vạn vật được bao trùm trong khí trời se lạnh của những ngày giáp Tết, chuyển giao từ Đông sang Xuân, đã khiến anh cảm thấy vui tươi, ấm áp.

Nhà thơ Đỗ Quang Huỳnh

Vì vậy, bài thơ Tháng Giêng của bé ra đời rất nhanh, được viết ngắn gọn trong 4 cặp lục bát, có nhiều yếu tố nhân hóa thông qua các hình ảnh đặc trưng nhất của mùa Xuân: "Đồng làng vương chút heo may/Mầm cây tỉnh giấc, vườn đầy tiếng chim/Hạt mưa mải miết trốn tìm/Hoa đào trước cửa lim dim mắt cười…". Nhờ lối viết nhân hóa nên những hình ảnh quen thuộc như đào, quất... đã xuất hiện rất "khác thường" trong bài thơ này, chúng sinh động và ngộ nghĩnh.

Đỗ Quang Huỳnh chia sẻ: "Khi nghe tiếng côn trùng kêu, sau một mùa Đông dài bọn chúng lặng yên, là biết mùa Xuân đang về. Nghe âm thanh quanh mình, nhìn cây cối thay lá... tôi thấy mọi thứ bừng lên sức sống, nên thường có nhiều cảm xúc với mùa Xuân. Không khí của mùa Xuân Bắc bộ tự nó đã là một bài thơ tuyệt đẹp, tôi chỉ đơn giản là người viết lại dưới lăng kính của trẻ con thôi".

Cách "viết lại" của Đỗ Quang Huỳnh rất tốt, không chỉ đem cảnh vật, mà anh còn đem cả tiết trời Xuân vào bài thơ mà người đọc có thể cảm nhận rất rõ. Vậy nên, Tháng Giêng của bé đã trở thành 1 trong những bài thơ thành công nhất của anh. Nó khiến trẻ con khi đọc thấy lòng rộn ràng và người lớn sẽ thấy rất đỗi yên lành.

Bài thơ này được đăng trên báo Thiếu niên tiền phong vào mùa Xuân năm 1995 và sau đó liên tục được đưa vào sách giáo khoa, trong các chương trình dạy khác nhau. Có một kỷ niệm rất riêng về bài thơ Tháng Giêng của bé, đó là vào năm học lớp 5, môn Tiếng Việt, con trai của Đỗ Quang Huỳnh đã học thuộc bài thơ mà bố viết tặng từ lúc mình mới sắp sửa chào đời.  

Bài thơ "Tháng Giêng của bé" trong "Tiếng Việt 4", tập 1, chung trang với nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Vũ Tú Nam

Thích chèo và thơ Nguyễn Bính

Đọc thơ Đỗ Quang Huỳnh, thấy anh phần lớn sử dụng thể lục bát. Chọn một thể thơ rất dễ làm, nhưng rất khó hay, liệu có đặt anh vào thế khó? Dĩ nhiên, sử dụng ngôn ngữ, chất liệu mới một cách tài tình cho thể thơ truyền thống như lục bát không hề dễ dàng, nhưng Đỗ Quang Huỳnh không quá bận tâm đến việc gây ấn tượng bằng sự cách tân.

Anh là đứa con của làng quê Bắc bộ, nên từ bé đã quen với thể thơ lục bát qua ca dao và một số làn điệu chèo, nên nó như là tiếng nói rất tự nhiên.

"Ở quê hương Thái Bình của tôi có những làn điệu chèo được viết trên âm hưởng thơ lục bát, nên từ nhỏ tôi thường đi xem, nghe và thấm hồi nào không rõ. Hơn nữa, tôi còn rất thích giọng thơ rất truyền thống, ngọt ngào và dân dã của nhà thơ Nguyễn Bính. Tôi thường dùng thể lục bát cũng một phần ảnh hưởng từ ông" - nhà thơ Đỗ Quang Huỳnh nói thêm về việc chọn phương thức sáng tác của mình.

Nghe anh kể về quãng đời thơ ấu, thấy việc anh chọn lục bát để sáng tác như là tất yếu. Gia đình anh đã chuyển đến Hà Nội sống gần 30 năm, nhưng tuổi thơ của anh gắn liền với dòng sông và những cánh đồng, vậy nên ký ức trong anh là những ngày yên ả, thanh bình. Đỗ Quang Huỳnh năm xưa là cậu bé mục đồng, sáng đi học, chiều đi chăn trâu, cắt cỏ trâu, cỏ thỏ... và chơi đùa cùng trẻ con trong làng. Vậy thì, có thể thơ nào phù hợp hơn lục bát cho một tâm hồn thơ hiền lành, mênh mang và êm đềm như thế.

Bài thơ "Tháng Giêng của bé" trong Tiếng Việt 5, tập 2

Tuổi thơ sống gần với thiên nhiên nên Đỗ Quang Huỳnh hiểu thiên nhiên và thường tâm tình với cảnh vật quanh mình. Coi thiên nhiên là bạn, có lẽ vì vậy mà anh thường viết về thiên nhiên bằng biện pháp tu từ nhân hóa: "Mái tôn đếm hạt mưa rơi/Con còng đếm cát cả đời chưa xong", "Dòng kênh cõng nước dạo chơi/Xanh xanh cỏ vạt dế ngồi ngâm thơ"...

Được thiên nhiên "bảo bọc" như thế nên những bài thơ của anh dù buồn bã như bài Chị tôi: "Nhà nghèo mưa ướt vành nôi/Mưa lòng chị - ướt cả lời ru con", hoặc mang niềm vui đầy tình ý như bài Giêng Hai: "Phải đâu hoa đất, hương trời/Mùa Xuân nơi mắt em cười thương thương"… đều được thể hiện một cách dịu dàng, chứ không cay đắng.

Đỗ Quang Huỳnh là người quan sát thấy mọi đổi thay trong các xu hướng sáng tác hiện nay, nhưng anh chấp nhận sự "quê mùa" của mình và "trung thành" với kiểu sáng tác mượn thiên nhiên để nói hộ lòng mình. Về đề tài, anh thường chọn mảng quê hương đất nước, tình yêu cuộc sống, gia đình...

Anh cười, nói: "Tôi là tác giả sống trong hương vị nhà quê. Khác các thế hệ nhà thơ trẻ hiện nay, họ rất thông minh, có cách nói ngắn gọn, logic, đi thẳng vào vấn đề, chứ không đi lòng vòng mượn hạt mưa, ngọn gió như tôi. Chính các bạn ấy góp sức vào dòng chảy của văn chương để nó thêm đa dạng, phong phú, mới mẻ về văn phong cũng như đề tài".

Có một kỷ niệm rất riêng về bài thơ Tháng Giêng của bé, đó là vào năm học lớp 5, môn Tiếng Việt, con trai của Đỗ Quang Huỳnh đã học thuộc bài thơ mà bố viết tặng từ lúc mình mới sắp sửa chào đời.

Xuất bản một tập thơ đúng ý rất khó

Hỏi nhà thơ Đỗ Quang Huỳnhvề những tập thơ đã xuất bản, anh nói mình chưa ra tập thơ riêng nào. Thật ngạc nhiên, một người có hơn 30 năm sáng tác thì theo lẽ thông thường phải cho ra ít nhất vài ba tập thơ.

Anh chia sẻ quan điểm của mình: "Số lượng thơ đã sáng tác của tôi cũng đủ in chừng 3 tập, tuy nhiên, in để làm gì khi thấy tài năng của mình hạn hẹp. Với tôi, thơ là phải nói được nhiều điều đằng sau lớp vỏ ngôn từ. Tôi sẽ chỉ in thơ khi tin rằng trong tập thơ ấy đa số là những bài thơ sẽ đọng lại trong lòng người đọc. Ngày nay, ra một tập thơ thì dễ, nhưng để chất lượng đúng như mong muốn của mình thì lại khó".

Đỗ Quang Huỳnh và gia đình trong một chuyến du lịch

Có lẽ, Đỗ Quang Hợp đến với văn chương chỉ để bày tỏ tiếng nói của tâm hồn mình. Anh không mang khát khao đánh dấu những vết son rực rỡ vào sự nghiệp sáng tác. Anh luôn ghi nhận các thế hệ trẻ, không ngại nói mình chịu ảnh hưởng của các nhà thơ khác, ngay của những nhà thơ gần cùng thời như Cao Xuân Sơn, Nguyễn Hoàng Sơn...

Đỗ Quang Huỳnh hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Thanh niên, nên công việc khá bận rộn. Đó cũng là lý do làm việc sáng tác thơ của anh nhiều khi bị ngắt quãng, không thể xuyên suốt. Anh nói: "Tôi chưa thể toàn tâm cho văn chương, vì nhiều bộn bề của cuộc sống ngăn cản quá. Thấy tiếc lắm. Người làm thơ, viết văn như những người đi tìm vàng vậy, không phải lúc nào cũng đào được vàng, rất khó khăn. Trong khi đó, năng khiếu trời cho chỉ ở một thời điểm nào đó thôi, thời gian còn lại là việc tìm tòi, phát triển tư duy của mỗi cá nhân".

Đỗ Quang Huỳnh khi còn là cậu bé đã thường tìm đọc thơ trên báo Thiếu niên tiền phong, mê mẩn thơ của Phạm Hổ, Trương Quang Lục, Định Hải... và mơ ước viết được những bài thơ hay như họ. Cậu học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi văn khi ấy cũng tập tành làm thơ, thường được đọc ở các buổi sinh hoạt của trường. Khởi đầu chỉ là những câu "vần vè làm ra vẻ thơ" rồi dần dần biết chắt lọc ý tứ, câu từ để thành những bài thơ hoàn chỉnh. Thơ Đỗ Quang Huỳnh bắt đầu được đăng trên nhiều báo ở tỉnh và trung ương từ sớm. Những năm đầu thập nhiên 1990, Đỗ Quang Huỳnh cộng tác với Tạp chí Thanh niên ở mảng thơ, phóng sự và truyện cười... từ cái duyên này đã dẫn dắt anh đến công việc làm báo và trở thành Phó Tổng biên tập như hiện nay.

Vài nét về Đỗ Quang Huỳnh

Sinh ngày 13/7/1969 tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cử nhân báo chí và thạc sĩ về quản lý văn hóa.

Từ 1990 đến 1996 là phóng viên Đài phát thanh huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Từ tháng 1/1997 đến nay làm ở Tạp chí Thanh niên, từ phóng viên lên đến cương vị quản lý.

Anh có 2 lần được nhận giải thưởng tại Cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh, do báo Tiền phong tổ chức và một số giải thưởng về báo chí.

 

LÂM HẠNH

Nguồn: Báo điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN

Cùng chuyên mục

TS. Trần Thị Thu Hà: SGK Âm nhạc 10 khơi gợi tình yêu âm nhạc cho học sinh

Thứ Năm, 14/11/2024 | 17:02

Sách giáo khoa Âm nhạc 10 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là tài liệu học tập cho học sinh lớp 10, được biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tác giả chia sẻ chuyện làm sách giáo khoa Âm nhạc chương trình mới

Thứ Năm, 17/10/2024 | 17:13

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đánh dấu lần đầu tiên môn Âm nhạc được giảng dạy ở cấp trung học phổ thông. Chính vì vậy, sách giáo khoa môn Âm nhạc cũng được biên soạn rất kỳ công.

Thái Bá Dũng và những bài báo "đưa các em qua khúc khó"

Thứ Năm, 18/07/2024 | 08:37

Thái Bá Dũng làm việc ở báo Tuổi trẻ và là cây viết gắn bó với chương trình Tiếp sức đến trường của báo trong nhiều năm.

Nhà văn Võ Chí Nhất: "Tôi tập tành viết trinh thám từ năm lớp 7"

Thứ Sáu, 12/07/2024 | 09:22

Sinh năm 1993, nhà văn - đại úy Võ Chí Nhất định danh trong lòng độc giả bởi dòng truyện trinh thám - con đường rất ít ngòi bút theo đuổi.