Media » Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa

Nhà thơ kể chuyện 'sửa thơ' trong sách giáo khoa

Thứ Năm, 29/02/2024 | 17:42

Số lượt xem: 536

Việc được xuất hiện trong sách giáo khoa mới, dù chỉ là một bài thơ, một trích đoạn đã là vinh dự với nhiều người. Vậy mà có một nhà thơ tới 14 tác phẩm, trích đoạn được xuất hiện trong các bộ sách giáo khoa hiện nay.

Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng

Đó là nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng, sinh năm 1973, anh cũng đang là giảng viên văn hóa, ngôn ngữ và Hán Nôm, khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Huế.

Món quà tặng con trai

Các bài thơ của Nguyễn Lãm Thắng được đăng trong các sách giáo khoa tiếng Việt từ lớp 1 tới lớp 5 Chương trình GDPT 2018. Sách giáo khoa lớp 5 đã được Hội đồng thẩm định phê duyệt, bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm học 2024-2025.

Đáng chú ý, các bài thơ của anh được đưa vào sách giáo khoa không chỉ một bộ, mà là ở các bộ sách giáo khoa hiện hành: Chân trời sáng tạo; Cánh diều; Kết nối tri thức với cuộc sống.

Thơ của Nguyễn Lãm Thắng trong sách giáo khoa

Các bài thơ của nhà thơ xứ Quảng trong sách giáo khoa có thể kể đến như Dạo phố; Mưa giông; Giờ ra chơi; Trong giấc mơ buổi sáng; Hoa giấy, Con suối nhỏ…

Trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, nhà thơ nặng lòng với miền quê Quảng Nam nói: "Tôi có tổng cộng 14 bài thơ, trích đoạn thơ được đưa vào sách giáo khoa từ lớp 1 tới lớp 5. Có bài thơ vừa xuất hiện ở bộ sách giáo khoa này, và vừa được in ở bộ sách giáo khoa khác".

Các bài thơ, trích đoạn thơ của Nguyễn Lãm Thắng chủ yếu được nhóm tác giả làm sách giáo khoa chọn trong tuyển tập thơ Giấc mơ buổi sáng của anh. Đây cũng là một tập thơ gắn bó với anh nhiều kỷ niệm.

"Khi là sinh viên, tôi đã làm thơ thiếu nhi. Từ khi có gia đình, tôi viết thơ cho thiếu nhi còn nhiều hơn, tôi muốn dành chính những vần thơ này làm món quà cho con trai - từ khi cháu còn trong bụng mẹ. Giai đoạn tôi làm thơ nhiều nhất là từ năm 2002 tới 2006, khi con trai còn nhỏ xíu, bập bẹ nói rồi lẫm chẫm tập đi. Sau đó, bận bịu công việc cuốn tôi đi nên tôi viết ít đi. Đáng lẽ cuốn Giấc mơ buổi sáng đã có thể in từ năm 2002, nhưng ngày đó thú thật là không đủ tiền để in", nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng bồi hồi.

"Cho tới năm 2012. Khi đó, tôi có một người bạn là phó khoa tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Huế. Bạn nói ở khoa, sinh viên rất cần thơ thiếu nhi để làm ngữ liệu giảng dạy. Bạn đã nói các sinh viên đăng ký mua tập thơ của tôi, rồi đóng tiền trước. Ngày đó, số lượng đăng ký đông lắm, từ số tiền đó, tập thơ Giấc mơ buổi sáng đã được in, sách ngay sau đó cũng được phát hành tới tay sinh viên, còn một ít để làm quà tặng thầy cô, bạn bè. Đó thật sự là kỷ niệm khó quên", nhà thơ xúc động.

Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng

Những bài thơ được "đặt hàng" làm sách giáo khoa

Nguyễn Lãm Thắng cho biết có một số bài thơ của anh được nhóm tác giả làm sách giáo khoa lựa chọn từ tuyển tập thơ Giấc mơ buổi sáng đã xuất bản, rồi xin phép, làm các thủ tục… để đưa chúng vào sách giáo khoa mới.

Có một số bài thơ chưa được in ở đâu, do tác giả làm sách giáo khoa "đặt hàng" và anh sáng tác. Vì thế, các tác phẩm này có hành trình "ngược" hơn, là từ sách giáo khoa, rồi mới vào tuyển tập riêng của tác giả.

Bài thơ Giờ ra chơi của Nguyễn Lãm Thắng trong sách giáo khoa

Cũng có bài thơ, anh được nhóm tác giả làm sách giáo khoa đề nghị sửa một, hoặc một số từ ngữ, để phù hợp hơn với sách giáo khoa cho học sinh tiểu học, đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất. Nhà thơ thấy như vậy hợp lý và vui vẻ, sẵn lòng thực hiện. Đó là lý do vì sao một bài thơ cùng được đưa vào sách, nhưng ở bộ sách giáo khoa A, bài thơ có thể có một, hoặc một số từ khác với trong bộ sách giáo khoa B…

Cha và con đều có thơ trong sách giáo khoa
Không chỉ có nhiều tác phẩm, trích đoạn được đăng trong các bộ sách giáo khoa mới, nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng còn có cơ duyên đặc biệt với sách giáo khoa khi cả anh và cha của anh - nhà thơ Nguyễn Sư Giao cùng xuất hiện trong một cuốn sách giáo khoa. Hai trang nằm liền kề nhau.

Đó là sách giáo khoa tiếng Việt 1, tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Trong đó nhà thơ Nguyễn Sư Giao có bài thơ Nắng xuân hồng, nằm ở trang 179. Còn trang 180, đó là bài Hoa giấy của nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng.

Bài Nắng xuân hồng của cha nằm ở trang 179. Còn trang 180, đó là bài Hoa giấy của con

Nhà thơ xứ Quảng cho biết cha của anh là một người ảnh hưởng lớn tới anh trong cuộc đời và trong sự nghiệp sáng tác. Cụ ông Nguyễn Sư Giao năm nay đã 90 tuổi nhưng còn rất minh mẫn, trí nhớ tinh tường. Cụ ông mù cả hai mắt, cụt một bên tay phải và một bàn chân phải, song hiện nay vẫn làm thơ.

"Ông làm thơ trong đêm và thuộc lòng bài thơ đó, sáng hôm sau thì ông đọc để con, cháu chép lại. Ngày nhỏ, tôi cũng là người chép thơ cho ba tôi. Tôi sinh ra thì ba tôi đã không nhìn thấy gì, ông vẫn rờ đôi bàn tay lên khuôn mặt tôi để hình dung tôi lớn lên ra sao…", nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng hồi tưởng.

Những con số ấn tượng
Trò chuyện với Nguyễn Lãm Thắng mới thấy những con số liên quan đến tác giả thật ấn tượng.

Nhà thơ sinh năm 1973 đã viết hơn 2.000 bài thơ cho trẻ em (thực tế còn lớn hơn, nhưng do máy tính của nhà thơ bị hỏng nên dữ liệu không lấy lại được), đã xuất bản tập thơ Giấc mơ buổi sáng lần đầu năm 2012 với 333 bài, sau đó tập thơ được tái bản năm 2016 gồm 345 bài với cách trình bày rất đẹp, hình minh họa sinh động. Tập thơ Mùa xuân em yêu với 80 bài thơ thiếu nhi của anh cũng đang được trình bày, sắp sửa đi in.

Có gần 500 ca khúc thiếu nhi được phổ từ thơ của Nguyễn Lãm Thắng của các nhạc sĩ Hoàng Lương, Hồ Hoàng, Quỳnh Hợp, Nguyễn Ngọc Tiến, Trương Pháp (cũng trên 100 bài)…

 

Thúy Hằng

Nguồn: Báo Thanh Niên

Cùng chuyên mục

TS. Trần Thị Thu Hà: SGK Âm nhạc 10 khơi gợi tình yêu âm nhạc cho học sinh

Thứ Năm, 14/11/2024 | 17:02

Sách giáo khoa Âm nhạc 10 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là tài liệu học tập cho học sinh lớp 10, được biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tác giả chia sẻ chuyện làm sách giáo khoa Âm nhạc chương trình mới

Thứ Năm, 17/10/2024 | 17:13

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đánh dấu lần đầu tiên môn Âm nhạc được giảng dạy ở cấp trung học phổ thông. Chính vì vậy, sách giáo khoa môn Âm nhạc cũng được biên soạn rất kỳ công.

Thái Bá Dũng và những bài báo "đưa các em qua khúc khó"

Thứ Năm, 18/07/2024 | 08:37

Thái Bá Dũng làm việc ở báo Tuổi trẻ và là cây viết gắn bó với chương trình Tiếp sức đến trường của báo trong nhiều năm.

Nhà văn Võ Chí Nhất: "Tôi tập tành viết trinh thám từ năm lớp 7"

Thứ Sáu, 12/07/2024 | 09:22

Sinh năm 1993, nhà văn - đại úy Võ Chí Nhất định danh trong lòng độc giả bởi dòng truyện trinh thám - con đường rất ít ngòi bút theo đuổi.