Media » Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: 'Sự lạ hóa trong thơ sẽ làm trẻ em thích thú'

Thứ Năm, 28/12/2023 | 15:58

Số lượt xem: 829

Trong Tiếng Việt 4, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý có bài Xôn xao mùa Hè. Ở tuổi hưu, anh cho biết đang đầu tư nhiều hơn cho thơ thiếu nhi.

Nguyễn Hữu Quý nguyên là Trưởng ban thơ của tạp chí Văn nghệ quân đội, vốn có nhiều dấu ấn trong mảng thơ về chiến tranh, về người lính. Anh có cuộc trò chuyện cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

* Vốn tạo dấu ấn ở mảng thơ về đề tài chiến tranh, về quê hương đất nước, điều gì khiến anh "lấn sân" sang thơ thiếu nhi?

- Tôi viết thơ thiếu nhi đã từ lâu rồi, đầu tiên là những bài thơ viết cho con, cho cháu. Cách đây nhiều năm tôi đã từng được giải thưởng thơ của NXB Kim Đồng trong cuộc vận động sáng tác viết cho thiếu nhi.

Bài thơ Xôn xao mùa Hè tôi viết từ năm 1992, trong chùm 3 bài gửi một cuộc thi viết cho thiếu nhi. Ở cuộc thi ấy tôi không được giải gì cả. Về sau, bài thơ được in vào một tuyển tập nào đó, cũng đã quá lâu, không nhớ được. Bẵng đi hàng chục năm, việc bài thơ được nhóm biên soạn sách giáo khoa chọn đưa vào Tiếng Việt 4, tập 2, với tôi là một bất ngờ.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

Nguyên văn bài thơ này có 5 khổ, nhưng nhóm biên soạn chỉ xin phép chọn 4 khổ, do số lượng câu chữ phải theo quy định của một văn bản cho học sinh lớp 4. Tôi vui vẻ đồng ý, dù có tiếc, nếu được chọn 5 khổ, bài thơ sẽ đẹp hơn. Nhưng việc cần theo quy định là bắt buộc và với tôi, được lan tỏa rộng khi vào sách giáo khoa đã là niềm vui lớn rồi.

Trong bài thơ, có thể gặp hình ảnh mùa Hè của những năm tháng trước đây, nhưng được viết bằng giọng thơ mới mẻ. Có lẽ đây là điều khiến nhiều độc giả nhí yêu thích chăng?

- Tôi thấy nhiều trẻ em vẫn đón nhận Xôn xao mùa Hè, bởi vì bây giờ vẫn có rất nhiều trẻ em ở vùng thôn quê, nên những hình ảnh trong tác phẩm không lạ lùng gì. Còn với trẻ em ở thành phố, bài thơ thu hút ở tính lạ hóa.

Sự lạ hóa trong thơ sẽ làm trẻ em thích thú. Ví dụ như mùa Hè là cái gì đó rộng lớn lại chui vào quả mít, hóa thành hương thơm, hoặc mặt trời mùa Hè được nhân hóa trở thành một con người có những tính cách rất gần gũi với trẻ…

Trẻ con còn thích những hình ảnh rất thật mà chúng có thể gặp trong bài thơ này như hoa phượng, dưa hấu, bông lúa, cánh diều… Việc của nhà thơ là phải lạ hóa, thi vị hóa, để nó khác biệt hơn và trở thành ấn tượng hơn đối với lũ trẻ.

Việc viết về những mùa Hè đẹp đẽ của quê hương cũng là cách để kéo tụi nhỏ về với những sự thân thiện của cuộc sống, gần gũi với thiên nhiên, với một tiếng chim, một bóng mây đẹp, hoặc những trái cây trong một khu vườn… Từ thích đọc thơ sẽ thích thiên nhiên, sẽ thích khám phá, gần gũi với thiên nhiên.

Trang SGK “Xôn xao mùa Hè”

* Gần đây anh có sáng tác nhiều cho thiếu nhi không?

- Tôi vừa gửi dự thi cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng. Bản thảo thơ có tên Bỗng hóa thành siêu nhân, gồm 26 bài. Với mảng thơ viết cho thiếu nhi của tôi, dù những kết quả không được rầm rộ bằng phần thơ viết về chiến tranh, người lính, nhưng với riêng tôi vẫn có những dấu ấn rõ nét và có những sự đầu tư. Chắc chắn từ giờ trở đi, tôi sẽ có nhiều sự đầu tư hơn nữa.

"Người làm thơ, viết văn cho thiếu nhi đừng chỉ soi vào mỗi tâm hồn, kỷ niệm của mình nữa, chúng ta phải viết khác đi; vẫn là sự hồn nhiên trong sáng đấy thôi, nhưng phải đặt ở thế giới hiện đại hơn" - nhà thơ Nguyễn Hữu Quý.

* Vì sao ở tuổi hưu thì anh mới nghĩ đến chuyện đầu tư nhiều cho thơ thiếu nhi?

- Tôi thấy rằng, ở mảng thơ viết cho người lớn, về chiến tranh, người lính, mình đã đạt được một số điều gì đấy rồi, nên bây giờ tôi muốn viết nhiều hơn cho thiếu nhi, là mảng mà mình đã từng theo đuổi từ lâu.

Xét về mặt cá nhân, trong thiếu nhi nói chung có các cháu của tôi. Tôi muốn thông qua những bài thơ đó truyền tải được một điều gì đấy về tình yêu cuộc sống, tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người. Với nhà thơ, viết trước hết luôn là để giải tỏa, thể hiện tình cảm. Thể hiện tình cảm của ông đối với cháu là một phạm vi rất hẹp trong tình cảm gia đình, nhưng nhìn rộng ra, tôi thấy rằng thế hệ trẻ bây giờ đặc biệt là thế hệ thiếu nhi rất cần có những tác phẩm trong sáng, đẹp đẽ và đặc biệt là những tác phẩm nhân văn.

Tác phẩm thiếu nhi gần đây nhất của Nguyễn Hữu Quý là “Thì thầm tiếng cát” (tản văn), do NXB Kim Đồng ấn hành

Những tác phẩm ấy sẽ truyền tải được cho các cháu lòng yêu đất nước, yêu quê hương, yêu gia đình, yêu thiên nhiên, yêu tất cả những gì cuộc sống quanh mình, từ con vật nuôi trong nhà đến những cảnh vật ở bên ngoài… và tôi rất muốn những tình cảm ấy được lan tỏa tới các cháu. Tôi nghĩ, đấy không chỉ là công việc của nhà trường, của các thầy, các cô, mà còn là công việc của gia đình, của bố mẹ, anh chị, ông bà các cháu… và cả của những người sáng tác.

Chúng ta luôn hiểu rằng, rất cần phải quan tâm tới các cháu thiếu nhi và là người cầm bút, tôi muốn qua những tác phẩm của mình gửi gắm điều gì đấy, góp sức mình để xây dựng nên tình yêu trong các cháu.

Tôi có một cháu nội và ba cháu ngoại, tình cảm ông cháu đến rất tự nhiên, gắn bó, nên việc thể hiện tình cảm ấy qua thơ cũng rất tự nhiên. Nhiều bài thơ tôi viết dành riêng cho cháu của mình, nhưng để trở thành một tác phẩm đối với công chúng, thì phải mở rộng ra với những đứa cháu khác ở ngoài xã hội.

Một số tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

* Vậy với anh, viết cho thiếu nhi thì khó hay dễ?

- Thực ra viết cho thiếu nhi hoàn toàn không dễ. Thậm chí viết được cho thiếu nhi thích đọc là rất khó. Như đã nói, rất may tôi có cơ hội thường xuyên tiếp xúc với các cháu để lắng nghe và biết các cháu cần đọc cái gì, thích đọc gì. Một lần đi giao lưu ở một trường tiểu học, nói chuyện về văn hóa đọc, tôi có đọc một số bài thơ của mình và thấy các cháu rất hào hứng lắng nghe.

Tôi thích những điều lạ, sự kịch tính khi viết cho thiếu nhi và sự yêu thích của các cháu chính là tín hiệu đẹp khích lệ cảm hứng trong tôi. Nó cho tôi biết rằng, cách viết của mình được các cháu chấp nhận và tôi có niềm tin rằng, nếu mình đầu tư, viết kỹ, thì sẽ viết hay cho thiếu nhi và chắc chắn sẽ có nhiều bạn đọc nhỏ tuổi.

* Anh có thể tiết lộ những "bí kíp" để viết thơ hay cho thiếu nhi?

- Bí kíp để viết được thơ thiếu nhi mà thiếu nhi yêu thích tôi nghĩ rằng phải gần gũi các cháu, hiểu được thế giới bên trong của các cháu. Sự hồn nhiên của các cháu bây giờ khác với sự hồn thiên của các bậc cha mẹ, ông bà và kể cả anh chị trước đây.

Ngày xưa chúng ta không thể có tầm nhìn và những thao tác về công nghệ như bọn trẻ bây giờ. Tôi cũng đọc một số bài thơ thiếu nhi được đăng trên các báo và thấy rằng người viết hiểu chưa đúng lắm, nhìn chưa đúng lắm về sự hồn nhiên của các bạn nhỏ hiện nay.

Những đứa trẻ của thời đại 4.0 rất khác so với những đứa trẻ trong ký ức. Thiếu nhi trong thời đại số rất khác với thiếu nhi thời chỉ chơi những trò chơi dân gian. Dù sự hồn nhiên của trẻ thơ vẫn như thế, nhưng góc nhìn, tri thức, cảm xúc của tụi nhỏ đều đã rất khác rồi. Thế giới của thiếu nhi bây giờ có khủng long, siêu nhân, có Internet, trà sữa… mà trước đây không thể có và đứa trẻ 2 tuổi đã thích điện thoại thông minh rồi.

Một đứa trẻ của vài ba chục năm về trước đương nhiên không thể nào giống tâm hồn một đứa trẻ bây giờ. Vì thế, người làm thơ, viết văn cho thiếu nhi đừng chỉ soi vào mỗi tâm hồn, kỷ niệm của mình nữa, chúng ta phải viết khác đi; vẫn là sự hồn nhiên trong sáng đấy thôi, nhưng phải đặt ở thế giới hiện đại hơn.

Tất nhiên, viết cho thiếu nhi, theo tôi cần chú ý nhiều về giá trị nhân văn, vẫn có những nét chung cần phải hướng tới, như tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, về lòng tốt, sự tử tế… Đó là những chủ đề của muôn đời, dù cách diễn đạt cần sự cập nhật.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Ba tập bình thơ cho thiếu nhi

Đại tá - nhà thơ Nguyễn Hữu Quý sinh năm 1956, quê ở tỉnh Quảng Bình, hiện sống và làm việc tại Quảng Trị. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh đã xuất bản 6 tập thơ, 3 trường ca; 3 lần đoạt giải thưởng Bộ Quốc phòng và các giải thưởng thơ, văn xuôi của báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội, Hội Nhà văn Việt Nam…

Nguyễn Hữu Quý viết 3 tập bình thơ cho thiếu nhi, có tên Trong lời mẹ ru, do NXB Kim Đồng ấn hành, mỗi tập in tới 32.000 bản. Anh chia sẻ: "Tôi chọn những bài thơ hay cho thiếu nhi để bình cho các cháu, giúp trang bị cho các cháu cách nhìn vẻ đẹp của một bài thơ như thế nào. Viết cho thiếu nhi từ lâu, lại có cơ hội chơi cùng các cháu, nên việc viết cho thiếu nhi rất tự nhiên đối với tôi".

 

VÕ THU HƯƠNG (THỰC HIỆN)

Nguồn: Báo điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN

Cùng chuyên mục

Thực nghiệm sách giáo khoa được tổ chức ra sao?

Thứ Ba, 03/12/2024 | 15:43

Để đảm bảo sách giáo khoa được biên soạn phù hợp với học sinh trên cả nước, các nhóm biên soạn đã tiến hành thực nghiệm giảng dạy tại nhiều địa phương với sự đa dạng về địa hình, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội.

TS. Trần Thị Thu Hà: SGK Âm nhạc 10 khơi gợi tình yêu âm nhạc cho học sinh

Thứ Năm, 14/11/2024 | 17:02

Sách giáo khoa Âm nhạc 10 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là tài liệu học tập cho học sinh lớp 10, được biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tác giả chia sẻ chuyện làm sách giáo khoa Âm nhạc chương trình mới

Thứ Năm, 17/10/2024 | 17:13

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đánh dấu lần đầu tiên môn Âm nhạc được giảng dạy ở cấp trung học phổ thông. Chính vì vậy, sách giáo khoa môn Âm nhạc cũng được biên soạn rất kỳ công.

Thái Bá Dũng và những bài báo "đưa các em qua khúc khó"

Thứ Năm, 18/07/2024 | 08:37

Thái Bá Dũng làm việc ở báo Tuổi trẻ và là cây viết gắn bó với chương trình Tiếp sức đến trường của báo trong nhiều năm.