Media » Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa
Nhà văn Nguyễn Thị Anh Đào với 'Mùa hoa phố Hội'
Thứ Tư, 21/02/2024 | 17:25
Số lượt xem: 584Chỉ 1 tác phẩm ngắn vài trăm chữ, Nguyễn Thị Anh Đào đã họa thành công những sắc màu, đường nét và cả phần hồn của Hội An. Thành phố cổ này đã được nhà văn quê xứ Nghệ giới thiệu đến độc giả nhỏ tuổi trong tác phẩm Mùa hoa phố Hội, sách Tiếng Việt 4, tập 1, bộ sách Chân trời sáng tạo.
Đây cũng là tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Thị Anh Đào được chọn đưa vào trong sách giáo khoa.
"Linh cảm với tôi là một định mệnh. Thơ cũng thế. Khi bạn đọc thơ tôi, nghĩa là bạn đã trải qua những con sóng nhẹ của tâm hồn tôi. Những định mệnh ràng buộc mà không thể lý giải đơn thuần bằng lời nói. Tôi lặng lẽ sáng tác và lặng lẽ chiêm nghiệm. Trở lại với trạng thái bình yên, đôi khi tâm hồn tôi lại tự ngân lên nhiều đợt sóng. Tôi luôn công bằng với chính mình và tác phẩm. Cách thẩm thấu cuối cùng là khi một tác phẩm ra đời, hãy thả nổi để tác phẩm tự tồn tại. Nhà thơ không nên gò mình vào một khuôn mẫu có sẵn nào cả" - Nguyễn Thị Anh Đào bắt đầu câu chuyện.
Nhà văn Nguyễn Thị Anh Đào, còn có bút danh Nguyên Giao
Hạnh phúc khi được trải nghiệm cảm xúc
* "Khi bạn đọc thơ tôi, nghĩa là bạn đã trải qua những con sóng nhẹ của tâm hồn tôi" - chị từng chia sẻ ý này. Đọc văn chị, độc giả cũng rất dễ nhận ra những con sóng nhẹ đầy chất thơ trong đó. Phải chăng đây là ưu điểm của những nhà thơ viết văn xuôi?
- Tôi nghĩ rằng, được trải nghiệm cảm xúc trên tác phẩm là điều hạnh phúc nhất với người viết, còn thơ hay văn xuôi đều cùng chung mục đích hướng đến chân - thiện - mỹ, đều có vai trò quan trọng như nhau trong hành trình sáng tạo, viết và chiêm nghiệm cuộc sống. Văn xuôi mang đặc trưng riêng và có cách đi đến, chạm đến cảm xúc của người đọc bằng những điều đơn giản, gần gũi.
Đối với mỗi một tác phẩm văn học, điều cần nhất, trước nhất, vẫn là tâm niệm viết riêng cho chính mình. Còn khi tác phẩm được xuất bản, được giới thiệu đến công chúng, sẽ phần nào đó mang lại những giá trị tốt đẹp và ý nghĩa cho từng góc tiếp cận của người đọc.
* Theo chị, người viết văn có cần biết làm thơ (hoặc thẩm thơ) và ngược lại hay không? Sáng tác cả văn xuôi và thơ, chị dành sự quan tâm nhiều hơn cho thể loại nào?
- Một câu hỏi khá khó và thú vị. Mọi sự so sánh đều khập khễnh, nhưng tôi cho rằng, người viết, đúng hơn là mỗi nhà văn, nhà thơ, trước hết là những người đọc và am hiểu nhiều về các giá trị về văn hóa, con người, bản sắc vùng miền, những miền đất khác nhau… Vậy nên, sự giàu có và phong phú trong mỗi tác phẩm họ viết ra, là những giá trị nhân lên gấp bội phần.
Đọc, thẩm thấu tác phẩm văn học của nhiều người, từ văn học trong nước đến văn học dịch và sách nghiên cứu - phê bình, mỗi mảng chủ đề đều là những trải nghiệm và làm giàu thêm cho vốn kiến thức, ngôn từ.
Tôi vẫn song hành cho các mảng đề tài sáng tác, nhưng tập trung thời gian cho văn xuôi, xem đó là trọng trách.
Tác phẩm “Mùa hoa phố Hội” trong SGK
* Với chị, điều gì quan trọng nhất của một người cầm bút?
- Để được đón nhận/công nhận danh xưng là nhà văn hay nhà thơ, trước hết phải là người thủy chung với nghiệp mình đã chọn. Nói là thiên chức thì hơi cao siêu, nhưng khi chọn làm người viết, phải thực tâm và yêu thương cuộc sống, trân trọng cuộc đời; phải hướng thiện và sống có trách nhiệm, tử tế.
Có người chọn cách tự quảng bá tác phẩm của mình, có người lại chọn cách để tác phẩm của mình tự tìm đến độc giả. Nhưng dù cách nào thì tác phẩm ấy phải có được vẻ đẹp tự thân của văn chương.
Văn chương là thế giới của đời thực được chuyển hóa qua vẻ đẹp trong sáng và thuần khiết nhất của tiếng Việt. Văn là tấm áo chữa lành mọi vết thương trong đời sống thực. Nơi đó, có thể kết nối tâm hồn tôi với giá trị cốt lõi nhất của đời sống này, là tình thương yêu con người và tấm lòng vị tha vô bờ bến.
"Văn chương là thế giới của đời thực được chuyển hóa qua vẻ đẹp trong sáng và thuần khiết nhất của tiếng Việt. Văn là tấm áo chữa lành mọi vết thương trong đời sống thực" - nhà văn Nguyễn Thị Anh Đào. |
Đang cố gắng viết khác về thiếu nhi
* Mỗi nhà văn thường có một miền sáng tác trong văn chương. Trong những miền đất gắn bó với chị (như Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Hội An…) thì có vẻ như phố Hội đọng lại nhiều ấn tượng khi chị từng viết tập tản văn "Mùa đi trên những mái rêu" (NXB Kim Đồng). Điều gì thôi thúc chị?
- Khi nhà văn Văn Thành Lê - NXB Kim Đồng - đặt tôi viết một cuốn tản văn riêng về phố cổ Hội An, chẳng ngần ngại, tôi nhận lời ngay.
Viết một cuốn tản văn không dễ chút nào, phải đến nhiều ngõ ngách của phố Hội, gặp nhiều người, trải nghiệm từng món ăn… để lấy ấn tượng, kỷ niệm.
Tập tản văn “Mùa đi trên những mái rêu”
Hội An hội tụ rất nhiều giá trị lịch sử, sự giao thoa của văn hóa Việt Nam và văn hóa nhiều đất nước trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, Trung Quốc... Những giá trị văn hóa này thẩm thấu qua rất nhiều thời gian và đã ăn sâu vào từng mạch thở, lối sống trong lòng phố Hội. Vì thế, khi tiếp cận các tài liệu để viết tập tản văn Mùa đi trên những mái rêu, trong đó có tác phẩm Mùa hoa phố Hội được đưa vào sách giáo khoa, tôi đã chắt chiu từng cảm xúc, dành trọn tình cảm cũng như tâm huyết của mình trên từng dòng viết ra.
Mỗi khi nhớ, tôi thường lấy xe máy chạy về Hội An. Gọi là "về" Hội An, chứ không phải "vào" Hội An, dù đây không phải là quê cha đất tổ. Về để được thảnh thơi đi trên phố cổ, được ăn những món ăn xứ Quảng rất ngon, được nhâm nhi một ly cà phê sớm và ngắm nhìn phố cổ. Đối với một người viết, được tĩnh lặng trong một không gian như Hội An là điều rất quý và đó là điều tôi tâm huyết nhất.
* Sáng tác không nhiều cho văn học thiếu nhi, nhưng lại được chọn 1 trong những tác phẩm dành cho thiếu nhi để giảng dạy trong sách giáo khoa, điều này có ý nghĩa gì với chị không?
- Rất vui và ý nghĩa khi các bạn nhỏ đọc và học, phân tích tác phẩm của tôi. Cũng như các giáo viên tiếp cận một tác giả mới (cười) trong giáo án giảng dạy.
* Một vài nét tự họa về Nguyễn Thị Anh Đào, sẽ là?
- Tôi là người hướng nội, ít bạn bè (cười). Thích nhâm nhi cà phê một mình. Lặng lẽ sáng tác và ít khi muốn phát ngôn về cuộc sống. Tôi trân trọng từng tác phẩm mình viết ra và xem đó là điều ý nghĩa nhất đối với một người cầm bút.
Văn xuôi, đặc biệt là văn học thiếu nhi hiện là mảng đề tài tôi đang cố gắng để tiếp cận bằng góc nhìn khác, để có thể viết được những tác phẩm phù hợp với thiếu nhi, vì các em đã và đang có nhiều điều kiện để tiếp cận văn học - nghệ thuật bằng nhiều kênh khác nhau. Và nếu tác phẩm viết ra không hòa được vào dòng chảy đó, tác phẩm sẽ khó thành công.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Vài dòng về Nguyễn Thị Anh Đào Sinh năm 1979 tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh, hiện sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Hội viên Hội Nhà văn TP Đà Nẵng và Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện là phóng viên của báo Nhân dân. Bút danh: Nguyên Giao. Tác phẩm in riêng: Ngày không trở lại (thơ, NXB Đà Nẵng, 2007), Dệt (thơ, NXB Văn học, 2012), Nàng ở cổng trời (truyện ngắn, NXB Đà Nẵng, 2014), Mùa đi trên những mái rêu (tản văn, NXB Kim Đồng, 2019). Giải thưởng - tặng thưởng văn học: Giải A Hội Nhà văn TP Đà Nẵng năm 2012 (tập thơ Dệt); Giải C Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam năm 2014 (tập truyện ngắn Nàng ở cổng trời); Giải Nhì cuộc thi thơ Hà Tĩnh năm 1998; Tặng thưởng tác phẩm hay của tạp chí Văn - Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012; Tặng thưởng truyện ngắn chọn lọc báo Văn nghệ trẻ năm 2012… |