Media » Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa

Nhà văn Phan Đức Lộc: 'Trái tim tôi vừa mọc một cây ban'

Chủ Nhật, 31/03/2024 | 15:02

Số lượt xem: 1828

Ở tuổi U30, nhưng Phan Đức Lộc đã xuất hiện trên văn đàn khá lâu, với hơn 10 tác phẩm đã in và nhiều giải thưởng văn chương. Ngay khi báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đang thực hiện cuộc trò chuyện này, thì nghe tin anh vừa đoạt Giải Ba tại Cuộc thi viết truyện ngắn lần thứ 4 năm 2021 - 2023 của Quỹ nhà văn Lê Lựu, đồng hạng với Võ Thị Xuân Hà và Đinh Ngọc Hùng.

Bên cạnh truyện ngắn, Phan Đức Lộc còn viết thơ, tiểu thuyết, tản văn... Anh là tác giả của hai tản văn nhẹ nhàng, nhưng đầy tình cảm trong Tiếng Việt 5Quạt mo trong bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, tập 2; Mùa vừng trong bộ Chân trời sáng tạo, tập 1.

Quê hương đậm sâu đi vào trang sách

* Mê văn chương từ nhỏ và lớn lên theo ngành công an. Hiện giờ, có vẻ như anh nổi trội với văn chương nhiều hơn?

- Tôi mong muốn cùng lúc được hiện thực hóa nhiều ước mơ. Đối với tôi, công an là nghề, văn chương là nghiệp, nghề với nghiệp luôn song hành với nhau. Có thể, sự mềm mại, bay bổng của văn chương đã giúp tôi rất nhiều trong thực hiện công tác công an.

Mọi người thường nghĩ, công việc của tôi luôn cần sự tỉnh táo, nghiêm túc, đôi khi hơi lạnh lùng. Nhưng có những tình huống, chúng cũng cần sự khéo léo, ân cần, linh hoạt, nhất là khi cảm hóa, giáo dục đối tượng, hoặc khi làm việc với trẻ em vi phạm pháp luật.

Văn chương đã phần nào đó giúp tôi hiểu về tâm lý người đối diện để có cách giao tiếp mềm mỏng, hợp lý, hiệu quả. Và chiều ngược lại, công việc hiện tại mang đến cho tôi vốn sống quý giá phục vụ cho sáng tác.

Nhà văn Phan Đức Lộc

* Có hai tác phẩm được chọn giảng dạy trong "Tiếng Việt 5", đều là những tản văn gắn với kỷ niệm ở quê. Chủ đề quê hương trong trang viết của anh có vị trí thế nào?

- Sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ, nơi mà "sương, gió, nắng, mưa lặng lẽ xoay vần/ hết mùa hạn, sang mùa bão lũ", nên tôi rất thấu hiểu nỗi khổ của những người nông dân lam lũ như ông bà, bố mẹ của tôi. Mảnh đất yêu thương ấy đã gieo vào tâm hồn tôi những hạt giống ký ức vừa nằng nặng nỗi buồn, vừa lấp lánh niềm vui.

Giờ đây, sống và làm việc xa nhà, hình ảnh quê hương trong trái tim lại càng thổn thức, đậm sâu. Vì vậy, như một lẽ tự nhiên, tôi viết những tản văn nhỏ để lưu giữ và cất dành kỷ niệm. Mùa vừng và Quạt mo là hai trong số đó, những "của để dành" mà tôi luôn chắt chiu, ấp ủ.

* Anh muốn chuyển tải đến độc giả học sinh những điều gì qua hai tản văn này?

- Tuổi thơ tôi được chia thành ba quãng: Từ nhỏ đến mẫu giáo, tôi sống với bố mẹ. Lên tiểu học, tôi sống với ông bà ngoại. Đến trung học cơ sở, tôi sống với bà nội.

Tản văn Quạt mo viết về những trưa Hè nắng đổ lửa, bà ngoại cùng tôi thường nằm nghỉ trên chiếc võng đay mắc giữa hai gốc cau bên hông nhà, dưới bóng mát của giàn trầu xanh biếc. Bà vừa thủ thỉ kể chuyện, vừa quạt cho tôi ngủ bằng chiếc quạt mo lốm đốm vết thời gian.

Trang sách “Quạt mo” trong Tiếng Việt 5, tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Còn với tản văn Mùa vừng, tôi đã kể lại những ngày đầu Thu cùng bà nội và anh trai ngồi trên chiếc xe trâu bạc phếch, sang Đồng Mối thu hoạch vừng trước khi mùa mưa bão ập đến.

Nhiều năm trôi qua, mùi quạt mo thơm ngọt và mùi vừng chín hăng nồng vẫn quyện chặt trong trí nhớ, thôi thúc tôi cầm bút viết một cách chân thành, giản dị.

Tôi hy vọng rằng, các bạn nhỏ sau khi đọc hai tản văn này sẽ hình dung được phần nào đó thế giới tuổi thơ trong trẻo của thế hệ 8X, 9X và thực sự muốn được tham gia trải nghiệm làm quạt mo cau, hoặc thu hoạch mùa vụ, hòa mình vào nhịp sống thôn dã bình yên, qua đó, thêm yêu quê hương của mình.

Trang sách “Mùa vừng” trong Tiếng Việt 5, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo

"Tôi luôn ấp ủ dự định viết một cuốn sách về mảnh đất Điện Biên thiêng liêng. Như thể nơi lồng ngực tôi, một hạt ban nhỏ đang thao thức cựa mình, thôi thúc tôi cầm bút" - nhà văn Phan Đức Lộc.

Tôi đứng lớp với tinh thần lắng nghe

* Việc có tác phẩm trong sách giáo khoa có ý nghĩa thế nào với một người cầm bút, đồng thời là người giảng dạy như anh?

- Khi những tác phẩm viết về kỷ niệm ấu thơ được chọn đăng, tôi hạnh phúc đến rơi nước mắt. Tôi không dễ khóc, nhưng thực sự, khoảnh khắc đó, tôi không kìm được lòng mình. Tôi tin rằng, ít nhiều gì, những đứa con tinh thần của tôi sẽ lan tỏa được một vài hình ảnh hoặc thông điệp mộc mạc nào đó cho các bạn học sinh trên toàn quốc. Đối với một người cầm bút, đó chính là niềm vinh dự, đồng thời là động lực giúp tôi tự tin đầu tư thời gian, tâm huyết cho mảng văn học thiếu nhi.

Còn trong vai trò một người giảng dạy, tôi thầm tưởng tượng, thật ấm lòng khi học sinh nâng niu cuốn sách Tiếng Việt 5, khoe với bố mẹ rằng, tác giả của bài văn này là thầy giáo của con.

Một số tác phẩm đã xuất bản của Phan Đức Lộc

Vừa viết văn học thiếu nhi, vừa là giáo viên truyền cảm hứng văn chương cho học sinh (hiện Lộc là giáo viên của CLB Cây bút nhí), theo anh, làm sao để trẻ em yêu và gần gũi với văn chương hơn?

- Tôi biết rằng, yếu tố đầu tiên quyết định đến sự thành công của một "dân văn" là năng khiếu. Năng khiếu cũng giống như khi ta sở hữu một thửa ruộng màu mỡ. Nhưng để có một mùa vàng, chúng ta cần thêm rất nhiều yếu tố khác, như: nguồn nước, phân bón, hạt giống, sự cần cù…

Tương tự như vậy, bên cạnh năng khiếu, người viết nói chung và học sinh nói riêng luôn cần rèn luyện vốn từ, mở rộng góc nhìn, chắt chiu những rung cảm, khai phóng trí tưởng tượng, tích lũy sự trải nghiệm và đặc biệt dám thử thách cùng sự sáng tạo. Vì vậy, nếu được bồi dưỡng bài bản, được khơi mở năng lực tiềm ẩn và tìm được những hướng đi phù hợp, học sinh hoàn toàn có thể phát triển kỹ năng văn chương của mình theo những cách khác nhau.

Hai năm gần đây, tôi may mắn được tham gia chia sẻ kinh nghiệm viết tại các khoá năng khiếu văn chương của câu lạc bộ Cây bút nhí dành cho học sinh tiểu học, THCS, tôi đã quan sát thấy không ít học sinh xuất phát điểm rất sợ môn văn, bị bí ý tưởng, diễn đạt lủng củng… nhưng qua quá trình nỗ lực học tập, các em đã tiến bộ từng ngày và từ đó thấy yêu môn văn hơn. Một vài em hoàn toàn bứt phá đúng theo kiểu đi từ "zero đến hero" và có tác phẩm đăng báo.

Tôi đứng lớp với tinh thần sẵn sàng lắng nghe các em chia sẻ những ý tưởng của mình và tôn trọng mọi sự sáng tạo.

* Tác phẩm mà anh đang ấp ủ là gì?

- Tôi đang ấp ủ nhiều dự định sáng tác. Trong năm nay, tôi sẽ xuất bản một tập thơ và một truyện dài, đều viết về mảnh đất Điện Biên, nơi tôi đang công tác. Sáu năm sinh sống và làm việc tại đây, tôi luôn ấp ủ dự định viết một cuốn sách về mảnh đất Điện Biên thiêng liêng. Như thể nơi lồng ngực tôi, một hạt ban nhỏ đang thao thức cựa mình, thôi thúc tôi cầm bút.

Điện Biên trong tôi là những ngọn núi ngời sắc màu kỳ ảo, những câu chuyện lịch sử hào hùng bên bếp lửa bập bùng, những tình cảm nồng ấm của đồng bào các dân tộc anh em và những mùa hoa ban đẹp man mác như dải thổ cẩm được dệt bằng hoài niệm. Khi sự trải nghiệm đủ chín, sự cảm nhận đủ chạm, tôi mang những điều tôi ấn tượng vào hai tác phẩm mới này, thật tự nhiên, mộc mạc. Và tôi tự hỏi, cây ban có một trái tim, hoặc trái tim tôi vừa mọc một cây ban?

* Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Vài nét về Phan Đức Lộc

Sinh năm 1995, quê Nghệ An. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021. Đại biểu dự Đại hội tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III, năm 2020; dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, năm 2022. Từng đoạt nhiều giải thưởng văn chương.

Đã xuất bản: Chuyện dang dở (tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2016), Mùa sương thương mẹ (tập tản văn, NXB Kim Đồng, 2017), Cuộc phiêu lưu của Gà Ô và Quạ Khoang (truyện dài thiếu nhi, NXB Văn học, năm 2017), Ngõ hoa một thuở gót mềm (tập tản văn, NXB Quân đội nhân dân, 2018), Kiếp người trôi ngược (tập truyện ngắn, NXB Thanh niên, 2018), Mùa sen trắng (tập truyện ngắn, NXB Dân trí, 2020), Tuyết đỏ (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 2020), Tôi sẽ bay (tập tản văn, NXB Kim Đồng, 2022)…

Đang xuất bản: Mùa bay thay áo (truyện dài, NXB Kim Đồng, 2024), Thị trấn ngủ quên (tập thơ, NXB Thanh niên, 2024)...

 

KHÔI NGUYÊN THẢO (THỰC HIỆN)

Nguồn: Báo điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN

Cùng chuyên mục

Thực nghiệm sách giáo khoa được tổ chức ra sao?

Thứ Ba, 03/12/2024 | 15:43

Để đảm bảo sách giáo khoa được biên soạn phù hợp với học sinh trên cả nước, các nhóm biên soạn đã tiến hành thực nghiệm giảng dạy tại nhiều địa phương với sự đa dạng về địa hình, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội.

TS. Trần Thị Thu Hà: SGK Âm nhạc 10 khơi gợi tình yêu âm nhạc cho học sinh

Thứ Năm, 14/11/2024 | 17:02

Sách giáo khoa Âm nhạc 10 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là tài liệu học tập cho học sinh lớp 10, được biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tác giả chia sẻ chuyện làm sách giáo khoa Âm nhạc chương trình mới

Thứ Năm, 17/10/2024 | 17:13

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đánh dấu lần đầu tiên môn Âm nhạc được giảng dạy ở cấp trung học phổ thông. Chính vì vậy, sách giáo khoa môn Âm nhạc cũng được biên soạn rất kỳ công.

Thái Bá Dũng và những bài báo "đưa các em qua khúc khó"

Thứ Năm, 18/07/2024 | 08:37

Thái Bá Dũng làm việc ở báo Tuổi trẻ và là cây viết gắn bó với chương trình Tiếp sức đến trường của báo trong nhiều năm.