Media » Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa

Nhà văn Văn Thành Lê: 'Có một đứa bé ẩn nấp đâu đó ở trong mình'

Thứ Tư, 22/05/2024 | 16:06

Số lượt xem: 812

Văn Thành Lê là một trong những nhà văn 8X có mặt lần đầu trong sách giáo khoa tiểu học, với nhiều đoạn trích văn xuôi và thơ. Anh là tác giả của 16 cuốn sách (nhiều cuốn được tái bản nhiều lần), bao gồm truyện dài, tập truyện ngắn, chân dung văn học… và là nhà văn trẻ được đánh giá "đi được đường dài" cùng độc giả thiếu nhi.

Đọc tác phẩm của Văn Thành Lê, tiến sĩ giáo dục học - nhà thơ Thụy Anh nhận định: "Đây là tác giả sẽ đi được đường dài cùng độc giả thiếu nhi. Truyện của anh khai thác những chi tiết nhỏ nhẹ trong cuộc sống trẻ thơ, từ ký ức êm đềm mà lộng lẫy của chính người viết. Trong tác phẩm, Văn Thành Lê tạo dựng được vẻ hồn nhiên chân thực, đọc thấy thật chứ không "ra vẻ hồn nhiên", nét hài hước nhẹ nhõm, không lên gân; nhất là sự chia sẻ các đúc rút đúng - sai trong hành động của các nhân vật tự nhiên, vừa đủ, không sa vào răn dạy. Đọc Văn Thành Lê, thấy anh đối xử với trẻ, ngoài sự trân trọng, còn là sự yêu, mê. Khó phân tích rõ ràng cái tình yêu ấy thể hiện thế nào, chỉ cảm thấy, từng câu chữ tác giả viết ra, giản dị mà thân thương thế!".

Nhà văn Văn Thành Lê

Tác phẩm ở đâu đó phía trước

* "Trên đồi, mở mắt và mơ", "Bên suối, bịt tai nghe gió" là 2 tác phẩm được đông đảo độc giả đón đọc. Đây có phải là 2 tác phẩm tiêu biểu nhất của Văn Thành Lê?

- Với người viết, tôi nghĩ, tác phẩm ưng ý nhất luôn ở đâu đó phía trước, chưa thành hình. Dẫu là, trong số những tác phẩm đã xuất bản, thì 2 tác phẩm này có cái duyên được nhiều độc giả đón nhận, dù không bước ra từ một giải thưởng văn chương nào. Đến nay, bộ đôi tác phẩm này đã đạt trên 20.000 bản in, hy vọng còn được tái bản nữa.

Tác phẩm cũng được trích dẫn vào sách giáo khoa Tiếng Việt 4, bộ Chân trời sáng tạo, và Tiếng Việt 5, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Ngoài ra, Trên đồi, mở mắt và mơ còn là "nguyên liệu" gợi hứng cho một số đồ án tốt nghiệp của sinh viên mỹ thuật, thiết kế đồ họa. Tất cả những điều này đều ngoài hình dung của tôi.

Tác phẩm “Trên đồi, mở mắt và mơ”

Cảm hứng sáng tác của 2 tác phẩm này thế nào?

- Viết là cách mỗi người tự đào/đục khoét vào mỏ - vàng - ký - ức của riêng mình. Ai cũng có một đằng đẵng tuổi thơ. Tôi nhớ, người anh là nhà thơ Cao Xuân Sơn, từng nói, đại ý rằng: Chỉ cần mỗi người viết kể lại chuyện thời tuổi nhỏ của mình thành công là đã đóng góp thêm một tác phẩm văn học thiếu nhi đáng kể.

Văn đàn thế giới từng ghi nhận không ít tác phẩm văn học thiếu nhi là kết quả của những pha lội ngược dòng thời gian về lại tuổi nhỏ của các nhà văn. Văn chương Việt cũng không thiếu những trường hợp như vậy. Song, cũng có nhiều người hăm hở "cho tôi xin một vé đi tuổi thơ", nhưng lại về nhầm ga, lạc lối vì chữ nghĩa, không ra được tinh thần trẻ thơ.

Tôi bắt đầu viết cho thiếu nhi với tâm thế vừa hồn nhiên vừa có chút hoang mang trước thực tế như vậy.

Tác phẩm “Bên suối, bịt tai nghe gió” (2022)

Là người viết trẻ bền bỉ với nghề viết từ khi ngồi trên ghế nhà trường đến nay, anh có thể chia sẻ những tố chất cần có để gắn bó với văn chương?

- Nếu thật sự muốn tìm những câu trả lời kiểu "đúc kết" và "cẩm nang" như thế này, tôi nghĩ nên tìm đến các nhà văn lớn đi trước trong những cuốn hồi ký, cảm luận về văn chương, sẽ gặp rất nhiều, đầy đủ và hay.

Tôi thì đơn giản nghĩ rằng, chim thì bay, cá thì bơi, còn người viết thì cứ viết thôi. Chẳng có gì để phải đao to búa lớn, ngoài chữ yêu, chữ thích. Yêu thích thật sự thì sẽ đọc rồi viết, yêu thích thật sự thì sẽ ngẫm rồi viết, yêu thích thật sự thì tự biết cách vun vén những trải nghiệm từ thực tế đến tâm tưởng, để viết.

Vài nét về Văn Thành Lê

Sinh năm 1986 tại Thanh Hóa, hiện làm việc tại Nhà xuất bản Kim Đồng (chi nhánh TP.HCM). Từ năm 2008 đến nay, anh đã xuất bản 16 tác phẩm, tiêu biểu như Biết tới khi nào mưa thôi rơi, Không biết đâu mà lần, Thừa ra một người, Sa lan đỏ bãi xanh, Trên đồi, mở mắt và mơ, Bên suối, bịt tai nghe gió… Và tập chân dung văn học Lần đường theo bóng, Như cánh chim trong mắt của chân trời…

Anh cũng từng nhận được một số giải thưởng từ các cuộc thi thơ, truyện ngắn trên các báo/tạp chí như Mực tím, Áo trắng, Nhà văn, Phụ nữ TP.HCM, NXB Kim Đồng…

Một trang “Thanh âm của gió” của Văn Thành Lê trong “Tiếng Việt 5”, tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

"Ngày hôm qua" là một nguồn cơn sáng tác

Tuy nhiên, vì sao một người ham đọc, ham viết như anh lại chọn chuyên ngành sinh học để học và vào đời với nghề giáo viên dạy sinh? Giai đoạn học và làm chiếm khá nhiều thời gian này có giúp gì cho việc cầm bút của anh không?

- Nhiều người ngạc nhiên và thấy thú vị khi biết xuất phát điểm của tôi là cử nhân sư phạm sinh học, và cũng hỏi... vì sao? Tôi thường đùa, nên hỏi nhà văn Bảo Ninh, nhà văn Y Ban cũng là cử nhân sinh học, thì hay hơn. Thậm chí có nhiều người học sinh học rồi trở thành… chính trị gia, và nhiều nhà văn - nhà thơ tên tuổi bắt đầu từ chuyên ngành khoa học tự nhiên. Thực tế cho thấy, văn chương là thứ không hẳn đào tạo trường lớp mà thành.

Những người "bên lề" như tôi đến với văn chương không ít và góp phần mang đến những màu sắc riêng khác cho vườn văn. Với văn chương, "hành trang" càng biệt lạ có khi lại là ưu thế cho những trang văn của mình.

Tôi luôn biết ơn khoảng thời gian học tập và hơn 3 năm dạy học của mình. Không chỉ "ngày hôm qua" là nguồn cơn của nhiều sáng tác, nếu chị để ý sẽ thấy, kiến thức sinh học, khoa học tự nhiên vẫn phảng phất đâu đó trong văn của tôi. Thêm nữa, tư duy logic của khoa học tự nhiên cũng cần thiết khi viết văn.

Một trang “Những ngày Hè tươi đẹp” của Văn Thành Lê trong “Tiếng Việt 4”, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo

Hiện anh vừa là người viết sách cho thiếu nhi, vừa làm sách cho thiếu nhi (tại NXB Kim Đồng)Nắm bắt được thị hiếu độc giả có thể xem là lợi thế để nhà văn viết ra tác phẩm được nhiều độc giả đón nhận, nhưng anh có sợ bị mất cá tính sáng tạo của mình không?

- Trước khi viết cho thiếu nhi, tôi đã viết cho tuổi mới lớn và cả tuổi… hết lớn, tức người lớn. Nhưng quả là, bất cứ người lớn nào cũng có một đứa bé ẩn nấp đâu đó ở trong mình.

Từ năm 2016, khi về công tác tại NXB Kim Đồng, tôi có cơ hội làm việc nhiều với tác giả, tác phẩm văn học thiếu nhi, giao lưu, tương tác với các em nhỏ thường xuyên hơn, thì đứa bé trong tôi cụ cựa, đòi nhảy bổ ra một cách tự nhiên, thì ý thức viết cho thiếu nhi trở nên thường trực và rõ ràng hơn.

Tôi cho rằng, "vân chữ" của người viết khi đã định hình sẽ như dấu vân tay, không lẫn vào đâu được. Khi viết, tôi đối diện với câu chuyện, nhân vật của riêng mình, lúc này không có thị hiếu độc giả nào ngồi bên cạnh để thì thầm vào tai tôi cả.

Thơ - Nhật ký bằng văn vần cho con

Ngoài tác phẩm truyện, anh còn có thơ được chọn vào sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện anh vẫn thường sáng tác thơ thiếu nhi, trong trẻo và có duyên. Anh có ý định xuất bản thơ cho thiếu nhi không?

- Những bài thơ thiếu nhi trong trẻo và có duyên như chị ưu ái nói, thực ra ngay từ đầu tôi xác định đây là nhật ký bằng văn vần mình ghi lại, như cách trò chuyện cùng con trai, từ khi con mới chào đời. Hiện con đã hơn 3 tuổi và số lượng thơ-nhật-ký-văn-vần cũng dày dặn lên theo.

Tuy nhiên, cho đến lúc này tôi vẫn nghĩ đây là những kỷ niệm kiểu "đóng cửa bảo nhau", dù khi chia sẻ lên trang Facebook cá nhân cũng nhận được những khích lệ, đồng cảm nhất định. Để tổ chức bản thảo, xuất bản cả tập thơ thiếu nhi lại là câu chuyện khác, cần bình tĩnh để mọi thứ lắng lại, tinh lọc lại, xem có phải là thơ thật không (cười).

Anh có thể chia sẻ về các sáng tác trong tương lai gần?

- Tôi vẫn đọc và viết, viết khi có thể. Vẫn ghi nhật-ký-văn-vần cho con trai, một số ý tưởng, đường dây câu chuyện có thể triển khai thành truyện dài, truyện ngắn… trong máy tính chờ thành hình. Tôi vừa có chuyến đi Trường Sa về, tự thấy cũng bồng bềnh muốn thả neo con chữ về nơi trời xanh biển biếc, đảo chìm, đảo nổi, phên dậu của Tổ quốc…

Nói người viết là người mắc nợ cuộc đời, không thể sống mà không viết, thì hơi quá, hơi tự huyễn hoặc, tự nâng mình lên quá, vì mình không viết nữa, không viết được, cũng chẳng ai mang dao kè cổ bắt mình phải viết. Nhưng quả thật, là người viết thì cứ viết thôi, còn thành gì lại là câu chuyện khác.

* Cảm ơn anh!

VÕ THU HƯƠNG (THỰC HIỆN)

Nguồn: Báo điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN

Cùng chuyên mục

Thái Bá Dũng và những bài báo "đưa các em qua khúc khó"

Thứ Năm, 18/07/2024 | 08:37

Thái Bá Dũng làm việc ở báo Tuổi trẻ và là cây viết gắn bó với chương trình Tiếp sức đến trường của báo trong nhiều năm.

Nhà văn Võ Chí Nhất: "Tôi tập tành viết trinh thám từ năm lớp 7"

Thứ Sáu, 12/07/2024 | 09:22

Sinh năm 1993, nhà văn - đại úy Võ Chí Nhất định danh trong lòng độc giả bởi dòng truyện trinh thám - con đường rất ít ngòi bút theo đuổi.

Tác phẩm của người viết trẻ vào sách giáo khoa

Thứ Tư, 10/07/2024 | 14:53

Ngày càng có nhiều tác phẩm của các tác giả đương đại được vào sách giáo khoa, sách tham khảo. Học sinh được tiếp cận những câu chuyện, sáng tác tươi mới với sự đa dạng về nội dung, phong cách, ngôn ngữ…

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nhà văn Lê Văn Trường - Viết về những nỗi nhớ trên Cù Lao Dung

Thứ Hai, 08/07/2024 | 10:25

Lê Văn Trường tự nhận mình là người nông dân thích viết, nhưng quả thật những trang viết của "người nông dân" này rất dễ khiến người đọc đồng cảm