Media » Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa
Nhạc sĩ Lê Dũng: Mong các em biết tự hào về âm nhạc Việt Nam
Thứ Hai, 29/04/2024 | 09:20
Số lượt xem: 2864Ca khúc Ngôi trường giữa ngàn mây của Lê Dũng được giọng ca thiếu nhi ở nhiều tỉnh thành chọn biểu diễn trong các chương trình văn nghệ. Đây là ca khúc đầu tay, nhưng là một trong những sáng tác nổi bật nhất, dẫn anh từ một nhạc sĩ "tay ngang" đi vào con đường sáng tác chuyên nghiệp.
Mới đây, nhạc sĩ Lê Dũng vui mừng báo tin Ngôi trường giữa ngàn mây đã được đưa vào chương trình dạy môn âm nhạc ở cả 2 cấp học, đó là sách Âm nhạc 11 và Âm nhạc 5, bộ Chân trời sáng tạo.
Một ca khúc may mắn
Tốt nghiệp khoa Âm nhạc trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Lê Dũng gắn bó với công việc giảng dạy một thời gian, cho đến năm 2019 mới bắt đầu bước vào sáng tác. Ngôi trường giữa ngàn mây là ca khúc khởi đầu hành trình ấy và đã đem lại cho anh giải Khuyến khích Cuộc thi vận động sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi năm 2020 của Bộ VH,TT&DL. Giải Khuyến khích đó đã "khuyến khích" anh tiếp tục viết ca khúc và anh có niềm cảm hứng mới đối với âm nhạc.
Nhạc sĩ Lê Dũng
Bài hát Ngôi trường giữa ngàn mây được viết từ một cảm hứng tình cờ vào năm 2018. Trong một chuyến đi thực tế ở huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), Lê Dũng đã nhìn thấy từng tốp học sinh đi bộ đến trường. Các em bé người Mông mặc những chiếc váy thổ cẩm màu sắc sặc sỡ bước đi bên núi, trong sương,đến ngôi trường nằm cao cao bên sườn núi, xung quanh là mây bao phủ.
Hà Giang là nơi nhìn đâu cũng đẹp, khung cảnh nhạc sĩ vừa kể quả thật khiến cho mảnh đất này càng "thần tiên" hơn, quá huyền ảo, hùng vĩ và trong trẻo nên dễ gì chỉ trôi qua trong thoáng chốc. Anh nuôi ý tưởng viết một bài hát về ngôi trường ở lưng chừng núi và những đứa trẻvùng cao.
Năm 2019,Ngôi trường giữa ngàn mây ra đời, chỉ 1 năm sau đạt một giải thưởng âm nhạc và từ đó đến nay đã được rất nhiều đài truyền hình, phát thanh, phụ huynh, trường học, nhà thiếu nhi và các giọng ca nhí chọn hát trên sân khấu và quay MV. Vì thế, bài hát được lan tỏa rất nhanh.
Ca khúc "Ngôi trường giữa ngàn mây" trong "Âm nhạc 11", bộ Chân trời sáng tạo.
Nhạc sĩ Lê Dũng đã chọn chất liệu âm nhạc miền núi phía Bắc để viết bài hát này. Qua đó, ta thấy thanh âm diễn tả được độ trập trùng của núi mây, nét khúc khuỷu của con đường và đôi chân hồn nhiên của tuổi nhỏ.
"Sáng, mỗi sáng em vén màn mây/Chân em vượt núi, cao thật cao/ Xuôi theo con dốc/Qua lưng sườn đèo/Đường em tới lớp có tiếng chim hoà reo".
Ca từ thật đẹp! Dù trong cái đẹp ấy luôn lẫn sự khó khăn "vượt núi cao thật cao" nhưng vẫn rất thơ mộng.
Lê Dũng nói: "Khi bài hát này được đưa vào sách giáo khoa, tôi mong muốn được lan tỏa đến học sinh 2 điều: Thứ nhất, phong cảnh của nước ta rất đẹp và hùng vĩ, thứ 2, mong rằng sau này các em sẽ có được tinh thần nhìn thấy sự khó khăn trong cái đẹp- hệt như vùng đất các bé vùng núi đã lớn lên - để vượt qua đó mà đến với ước mơ của mình. Ngoài ra, tôi cũng muốn với những người trưởng thành đã sống và đi học ở vùng đất này, khi nghe bài hát sẽ gặp lại một vùng ký ức đẹp".
"Quan niệm viết cho học sinh thì cần phải dễ hát, dễ nhớ nhạc đã qua rồi. Các bạn trẻ hiện đại thích cao độ, quãng rộng, chủ đề không dừng lại ở thầy cô, mái trường..." - nhạc sĩ Lê Dũng. |
Giúp học trò có nền tảng tốt về âm nhạc
Hơn 20 năm đi dạy ở các trường học, những tưởng Lê Dũng "an phận" là một thầy giáo dạy nhạc nhưng chuyến đi thực tế nói trên đã làm thay đổi suy nghĩ của anh về âm nhạc, đó không chỉ là dạy các em biết cách đọc nốt các bài hát hay biết đàn piano mà rằng mình còn có thể sáng tác ca khúc. Từ Ngôi trường giữa ngàn mây - một cảm xúc tình cờ -Lê Dũng đã quan tâm nhiều hơn đến những đề tài còn thiếu trong mảng sáng tác dành cho thanh thiếu niên. Bạn bè anh cũng thường tâm sự, khoảng gần 10 năm trở lại đây có rất ít bài hát mới cho lứa tuổi này.
Một tiết mục dàn dựng ca khúc "Ngôi trường giữa ngàn mây"
Anh nói: "Thường thì các ca khúc nhi đồng- dành cho tuổi mẫu giáo, cấp 1 hoặc tình ca cho người lớn dễ được đón nhận hơn. Theo tôi, thiếu niên là lứa tuổi lỡ cỡ, khó viết nhất, có lẽ vì thế nên không có nhiều bài hát phục vụ "phân khúc" khán giả này. Tôi chọn viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên vì thấy được sự thiếu hụt này, một phần là vì cảm xúc của tôi và phần khác là vì nhu cầu cần có cái mới đáp ứng cho việc dạy âm nhạc của tôi". Chính vì vậy, sau năm 2019, Lê Dũng tiếp tục viết và giới thiệu hàng loạt bài hát được và khá nhiều bài được khán giả quan tâm như: Khúc hoan ca mùa Thu, Tình bạn ngàn mến thương, Hè về bên em...
Biết mình là người viết nhạc "tay ngang", theo nghĩa không được đào tạo bài bản ở mảng sáng tác nên Lê Dũng không mang tham vọng tạo dựng một tên tuổi trong làng nhạc mà viết các ca khúc "nhỏ xinh" (chữ dùng của Lê Dũng). Anh viết nhạc trong tư duy của một thầy giáo: "Tôi mong muốn qua âm nhạc, các em học sinh có được một phông văn hóa và gu thẩm mỹ nghệ thuật tốt, thấy được vẻ đẹp của âm hưởng dân ca các vùng miền và từ đó biết tự hào về nhạc Việt Nam cũng như biết trân trọng những giá trị truyền thống".
Từ khi bước vào sáng tác, anh tìm hiểu và thấy dân ca các vùng miền từ Bắc đến Nam của nước ta là một kho tàng vô cùng phong phú để các nhạc sĩ khai thác. Theo anh, nếu nhiều nhạc sĩ đầy tâm huyết với kho tàng này, lấy đó làm nền tảng và sáng tạo những giai điệu mới thì âm nhạc Việt Nam sẽ có tiếng nói rất riêng.
Tập ca khúc "Bốn mùa yêu thương" của Lê Dũng
"Tôi trông chờ vào thế hệ nhạc sĩ trẻ vì thế hệ trước đã nhiều tuổi, họ cống hiến nhiều rồi" - Lê Dũng chia sẻ thêm về quan điểm của mình trong sáng tác. Anh biết rằng, sống trong thời đại kỹ thuật số, giới trẻ nghe âm nhạc ở muôn phương là tất yếu, không thể giới hạn trong khuôn khổ quốc gia hay vùng miền nhưng bên cạnh đó, mỗi khi dạy, anh thường cho học sinh nghe thêm những bài hát hay của các nhạc sĩ Việt Nam, phân tích, so sánh những bài hát hay và không hay để từ đó các em có thẩm mỹ âm nhạc tốt hơn.
"Âm nhạc đã chọn tôi"
Nhạc sĩ Lê Dũng kể về con đường mình đến với âm nhạc và kết luận: "Âm nhạc đã chọn tôi". Có lẽ vậy, vì anh không xuất thân từ gia đình có truyền thống về âm nhạc. Bố làm ngành an ninh, theo lẽ thường, anh sẽ nối nghiệp bố nhưng vóc dáng nhỏ con, không đủ quy định về hình thể để vào ngành, nên anh chọn học sư phạm âm nhạc theo sở thích. Gia đình ủng hộ chọn lựa của anh. Ra trường, anh dạy nhạc và sống thoải mái với sở thích, sở trường của mình. Chỉ mới bước sang sáng tác ca khúc trong 5 năm, được ngay giải thưởng với tác phẩm đầu tay và tiếp tục một số giải thưởng sau đó.
Hiện nay, anh là nhạc sĩ được nhiều đơn vị đặt hàng mỗi khi cần sáng tác cho thanh thiếu niên. Trong 5 năm, anh viết được gần 30 bài hát và hơn một nửa trong số đó được công chúng biết đến. Với một gương mặt mới, vậy là thành công.Khi có một bài hát mới cần giới thiệu, anh đều được hỗ trợ rất nhiều từ phòng thu, ghi hình, dựng MV... của đồng nghiệp và phụ huynh nên tác phẩm nhanh đến với khán giả.
Lê Dũng và các học trò
Hiện tại, Lê Dũng đang quản lý trung tâm dạy đàn dương cầm của mình tại thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang). Song song đó, anh vẫn sáng tác đều đặn. Viết cho tuổi thanh thiếu niên ngày nay, Lê Dũng thấy cả người hát lẫn người nghe đều đòi hỏi độ khó nhiều hơn ngày xưa.
"Quan niệm viết cho học sinh thì cần phải dễ hát, dễ nhớ nhạc đã qua rồi. Các bạn trẻ hiện đại thích cao độ, quãng rộng, chủ đề không dừng lại ở thầy cô, mái trường..." – đó là kinh nghiệm mà nhạc sĩ Lê Dũng rút ra được sau những năm sáng tác ca khúc. Khi đã có những kinh nghiệm đó, hy vọng anh sẽ có những bước đi mới mẻ trong việc sáng tác của mình.
Vài nét về nhạc sĩ Lê Dũng Tên đầy đủ là Lê Tiến Dũng, sinh năm 1982 tại Bắc Giang. Hiện đang sống và làm việc tại Bắc Giang. Các giải thưởng: - Giải Nhì Cuộc vận động sáng tác ca khúc cho lứa tuổi thanh thiếu niên năm 2020, với ca khúc Bốn mùa yêu thương, do hội giáo viên dạy nhạc toàn quốc phát động. - Giải Khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi năm 2020 do Bộ VH,TT&DL tổ chức, với ca khúc Ngôi trường giữa ngàn mây. - Đoạt giải trong các cuộc vận động sáng tác ca khúc Hè cho thiếu nhi thủ đô Hà Nội các năm 2022-2023 với các ca khúc Tình bạn ngàn mến thương, Hè về bên em… |