Media » Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa
Nhạc sĩ Sỹ Luân: 'Âm nhạc không phải để đem ra buôn bán'
Thứ Tư, 15/05/2024 | 15:50
Số lượt xem: 989Những năm 2000, Sỹ Luân là cái tên rất nổi trong làng nhạc Việt với những ca khúc về tình yêu thơ mộng dành cho giới trẻ. Những năm gần đây, cảm xúc và hoạt động về âm nhạc của nhạc sĩ Sỹ Luân có khác.
Anh thường xuyên tiếp xúc với học sinh - sinh viên, tham gia các hoạt động Đoàn, Hội và công tác xã hội nhiều hơn, nên chuyển sang viết ca khúc có tính chất cổ động, phong trào, khơi dậy tinh thần vì cộng đồng cho thế hệ trẻ.
Một trong những ca khúc có màu sắc như vậy của Sỹ Luân là Tuổi trẻ Việt Nam ơi đã được đưa vào sách Âm nhạc 11, bộ Chân trời sáng tạo.
Tuổi trẻ cất lời
Đây là ca khúc được Sỹ Luân viết khi cảm xúc của anh được nuôi dưỡng qua nhiều lần tiếp xúc cùng thế hệ trẻ, đoàn viên thanh niên trong các hoạt động vì cộng đồng.
"Từ những trải nghiệm thực tế của mình, tôi dành nhiều tình cảm cho các bạn đoàn viên mặc áo xanh, in lá cờ tổ quốc trong phong trào dọn rác, trồng cây xanh, kêu gọi tiết kiệm năng lượng... Hình ảnh các bạn trẻ biết sống hết lòng, tận hiến cả trí tuệ và đôi tay của mình cho cộng đồng đã làm cho trái tim tôi rung động và tôi muốn viết những giai điệu dành cho họ. Vậy nên, Tuổi trẻ Việt Nam ơi được viết rất nhanh" - Sỹ Luân chia sẻ về quá trình hình thành ca khúc này.
Nhạc sĩ Sỹ Luân
Anh viết Tuổi trẻ Việt Nam ơi với tiết tấu nhanh để thấy được tinh thần cổ động, thôi thúc, quãng rộng tạo cảm giác vươn cao, bay xa, đầy nhiệt huyết như sức trẻ cần phải vậy. Hình ảnh tuổi trẻ cầm tay nhau đoàn kết tiếp thêm nghị lực sống, sẵn sàng đi đến những nơi đang cần mình rất rõ trong ca từ: "Cầm tay mà đi bạn ơi/ Ta nghe trong trái tim này/ Người quê hương đang gọi ta/ Chẳng ngại ngần chi đường xa/ Những khó khăn sẽ vượt qua".
Những ca từ đó rất dễ chạm đến những trái tim trẻ đang có sẵn lửa. Chính vậy mà Tuổi trẻ Việt Nam ơi đã được khá nhiều ca sĩ trẻ thu âm, làm MV, biểu diễn trên sân khấu và cũng đã được vang lên trong những tiết học âm nhạc ở nhà trường.
Hy vọng ca khúc này không chỉ là kỷ niệm đẹp khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà mai này khi rời trường, các bạn trẻ vẫn đem theo tinh thần sống cống hiến như cảm xúc mà nó đã gieo vào.
Ca khúc “Tuổi trẻ Việt Nam ơi” trong sách “Âm nhạc 11”, bộ Chân trời sáng tạo
Sỹ Luân nói về cảm xúc của mình khi ca khúc này đã đi vào trường học: "Tuổi trẻ Việt Nam ơi được vào sách giáo khoa tình cờ lại đúng với ý nguyện của tôi về âm nhạc cộng đồng, nghĩa là các ca khúc tốt nhất là nên được vang lên bởi thế hệ trẻ. Nó đang làm đúng sứ mệnh của mình nên tôi thấy hạnh phúc".
Không chỉ với Tuổi trẻ Việt Nam ơi, những sáng tác của Sỹ Luân giai đoạn sau này như Sát cánh bên nhau, Hãy cứ vui lên bạn ơi... cũng tràn đầy tinh thần đồng đội.
"Khi viết nhạc tôi cũng không có bất kỳ toan tính nào. Nếu ca khúc của tôi được hát trong những buổi văn nghệ thiện nguyện, phục vụ học sinh - sinh viên hoặc in ở sách giáo khoa... thì tôi chẳng đề cập đến tác quyền" - Sỹ Luân. |
Tìm ra một lối đi sau biến cố
Nhạc của Sỹ Luân nhẹ nhàng, trong trẻo, nhí nhảnh, dễ thương phù hợp với tâm lý của lứa tuổi đang trưởng thành và cũng phù hợp với tác giả của chúng - người luôn sống vô tư, đem lại nụ cười ấm áp cho xung quanh.
Viết nhạc và thể hiện những bài hát của mình rất dễ thương, Sỹ Luân trở thành một cái tên được nhiều bầu show săn đón. Tuy nhiên, năm 2009, bị tai nạn nghiêm trọng, anh có một thời gian như sống thực vật, mất trí nhớ trong suốt 5 năm và cần nhiều năm sau đó để hồi phục.
Sau một thời gian dài vắng mặt trong làng nhạc, khi nghĩ rằng sẽ trở lại với âm nhạc, Sỹ Luân hiểu rằng "khán giả trẻ" của mình giờ đã lớn và đang bộn bề với gia đình nhỏ, cơm áo gạo tiền, nên nhiều người không còn quan tâm nhiều đến việc thưởng thức âm nhạc hoặc họ sẽ nghe nhạc "già" hơn, còn khán giả trẻ hiện tại thì nghe Sơn Tùng M-TP, Hoàng Thùy Linh... Anh đã bị mắc kẹt ở đó khi nghĩ đến việc sáng tác, ngoại trừ nhạc quảng cáo vẫn viết bình thường.
May thay, khi chưa biết mình sẽ làm gì tiếp theo với âm nhạc, Sỹ Luân cộng tác làm việc với Thành đoàn TP.HCM và Thành đoàn Bình Dương ở các hoạt động phong trào, thiện nguyện, tổ chức các buổi diễn ca nhạc... Tiếp xúc với các bạn trẻ, Sỹ Luân có thêm một nguồn sinh khí và cảm xúc mới. Anh bắt đầu viết về tuổi trẻ, quê hương, đất nước và nghĩ rằng những đề tài này thời đại nào cũng cần.
Cũng từ biến cố tai nạn trong đời mình, Sỹ Luân bắt đầu tìm hiểu về Phật pháp nhiều hơn như một "liệu trình điều trị sức khỏe tinh thần", giúp anh vượt qua những khủng hoảng dễ dàng hơn.
Sỹ Luân nói: "Từ nhỏ, tôi đã thường theo mẹ đi chùa, tiếp xúc với kinh sách nhưng chẳng hiểu gì. Thật lạ, tỉnh dậy sau một cơn đau dài, tôi bỗng hiểu những bài giảng kinh rất nhanh. Những lời Phật dạy khiến tôi cảm động, đó như một người thầy chỉ đường cho tôi đi chứ tôi không đến với nhà Phật để cầu xin".
Vì cảm động nên Sỹ Luân đã sáng tác những ca khúc về Phật giáo như: Gieo hạt từ tâm, A Di Đà Phật, Tạ Bà giáng thế Thích Ca...
Đây cũng là mảng sáng tác anh dành nhiều tâm huyết. Nó không mâu thuẫn với tư duy âm nhạc của anh vào thời điểm này, vẫn là âm nhạc cộng đồng nhưng đây là một cộng đồng khác.
Với anh, nhìn chung cả nhạc tuổi trẻ và nhạc Phật giáo đều nhằm mục đích gieo vào lòng người nghe một cách sống đẹp, có ích cho những người xung quanh.
Những ca khúc về Phật giáo của Sỹ Luân đã được giới tăng ni, Phật tử đón nhận nồng nhiệt. Điều này giúp Sỹ Luân hiểu rằng, âm nhạc ngày càng được phân hóa thành nhiều phân khúc khác nhau, nhỏ hơn nhưng đa dạng hơn, nên nhạc sĩ sẽ dễ tìm được lối đi mới cho mình.
Âm nhạc đem lại sự bình an
Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật, không được gia đình ủng hộ theo âm nhạc nên Sỹ Luân đã học ngành tiếp thị (maketing). Vậy mà, âm nhạc đã chọn anh, biến Sỹ Luân thành một nhạc sĩ - ca sĩ nổi tiếng.
Sau khi bị tai nạn, anh gần như mất trí nhớ, không nhớ gì ngoài mẹ và âm nhạc, song vẫn hát và đàn được như một kỹ năng được cài đặt sẵn. Sỹ Luân nhiều lần nói rằng âm nhạc mang đến cho anh cuộc sống bình an.
Tiếp xúc với Sỹ Luân nhiều lần sẽ thấy cách sống và âm nhạc của anh gần như nhất quán, nhiệt tình và thân tình. Những dự án thật sự có ích cho cộng đồng đều rất dễ thương lượng với Sỹ Luân nếu anh có liên quan.
Sỹ Luân hát tại một trường học
"Với tôi, âm nhạc không phải là thứ để đem ra buôn bán. Khi viết nhạc tôi cũng không có bất kỳ toan tính nào. Nếu ca khúc của tôi được hát trong những buổi văn nghệ thiện nguyện, phục vụ học sinh - sinh viên hoặc in ở sách giáo khoa... thì tôi chẳng đề cập đến tác quyền".
Âm nhạc giúp anh có cuộc sống tinh thần thăng hoa và vật chất vừa đủ. Nhờ âm nhạc, anh còn có thể giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, Sỹ Luân luôn là gương mặt "xông pha trong các mặt trận hát từ thiện". Càng tham gia các hoạt động thiện nguyện, gặp gỡ các hoàn cảnh khó khăn, anh càng thấy sao có quá nhiều người khổ cực nên lúc nào cũng muốn san sẻ cho họ.
"Nếu tôi nhận thù lao thì tiêu cũng hết, nhưng gửi cho những người khó khăn giúp họ bớt khổ vài ngày thì số tiền đó có ý nghĩa hơn. Tôi không có nhu cầu xe sang, quần áo hiệu, nên cuộc sống như hiện nay là đủ rồi. Khi nghĩ về điều lành, tôi thấy mình sống rất thoải mái" - Sỹ Luân giản dị nói về tinh thần san sẻ của mình.
Hiện nay, anh quản lý một quỹ từ thiện đang nuôi 200 bé mồ côi cha mẹ do dịch Covid-19 và một quỹ khác ở Trung tâm Đào tạo văn hóa nghệ thuật thuộc Trường Đại học Hutech (TP.HCM). Các quỹ này có đủ ban bệ, được điều hành chuyên nghiệp, rõ ràng, nên khá hiệu quả cho cả ban quản lý và những người được thụ hưởng.
Sỹ Luân nói về nỗi vui, niềm đau, ý tưởng, tâm nguyện... của mình đều bằng sự an hòa. Hỏi anh tâm thế này đã có sẵn hay từ sự chiêm nghiệm sau những bất trắc mà anh đã trải qua, anh nói: "Với tôi, sự nổi tiếng của một người đã là cái duyên được chọn lựa, có cố cũng không được. Bản thân tôi có nổi tiếng hay không thì vẫn thích kiểu sống giản dị, gần gũi với mọi người. Tôi không phù hợp với cách sống của một ngôi sao, xa rời mọi người, vì muốn nghe được những câu chuyện bình dị, nhìn thấu những hoàn cảnh khó khăn và lắng nghe tiếng khua của những nhịp chổi quét đường...".
Vài nét về Sỹ Luân Anh sinh năm 1982 tại TP.HCM. Sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng như: Mắt nai cha cha cha, 123 ngôi sao, Áo dài ơi, Đam mê, Trái tim yêu thương, Khoảng lặng... Hiện nay, anh là Giám đốc Trung tâm Đào tạo văn hóa nghệ thuật của Trường Đại học Hutech (TP.HCM). |