Media » Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa

Nhiếp ảnh gia Khánh Phan: Săn ảnh với đôi chân chưa biết mỏi mệt

Thứ Tư, 28/02/2024 | 17:28

Số lượt xem: 823

Khánh Phan là nữ nhiếp ảnh gia đã sở hữu nhiều giải thưởng quốc tếRong ruổi khắp Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, không chỉ chụp ảnh,  còn viết nhiều về những vùng đất cô đã đi qua, bởi có nhiều câu chuyện đằng sau những bức ảnh mà cô muốn kể cho độc giả.

Một trích đoạn trong Mặn mòi vị muối Bạc Liêu của Khánh Phanđã đăng trên tạp chí Heritage, vừa được chọn đưa vào sách Tiếng Việt 5, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo.

"Tôi có tình cảm đặc biệt với miền Tây Nam bộ"

Đây là bài báo được Khánh Phan viết sau chuyến đi sáng tác ảnh ở Bạc Liêu cách đây khá lâu. Trước đó, cô đã nghe nhiều đồng nghiệp đi trước kể về vùng đất này nên rất thích và bắt đầu tìm hiểu. Thế nhưng, khi đặt chân đến Hòa Bình và Đông Hải - 2 huyện nổi tiếng về nghề làm muối của Bạc Liêu- cảm xúc của Khánh Phan vỡ òa.

Mọi lời kể không thể nào đem lại cho cô cái vị nồng và hơi nóng hắt lên từ các cánh đồng muối - cái cảm giác này xộc thẳng vào người khiến cô cảm nhận được tức thì. Và một cảm giác đặc biệt hơn khiến Khánh Phan thường nhớ về nơi này, đó là năng lượng tích cực mà diêm dân- những con người rắn chắc, khỏe mạnh, tươi tắn - đã truyền trao cho cô.

Nhiếp ảnh gia Khánh Phan

Khánh Phan nói rằng cô thấy được những nụ cười vui vẻ, dù công việc rất cực nhọc, nhưng xung quanh các ruộng muối là râm ran những câu chuyện vui đùa, kêu gọi, đỡ đần nhau thay vì ánh mắt mỏi mệt hoặc bước chân nặng nhọc. Họ yêu nghề, không muốn rời ruộng muối của mình và cô nhiếp ảnh gia mỗi ngày dậy từ 2h30 sáng ra đồng cùng họ để bắt được những khoảnh khắc đẹp.

Câu chuyện về những cánh đồng muối của Bạc Liêu đã được Khánh Phan vừa kể lại bằng ảnh vừa bằng lời, qua đó học sinh sẽ phần nào cảm nhận được không khí sinh hoạt của diêm dân, hiểu được loại gia vị quen thuộc trong nhà bếp được làm như thế nào và lý do nghề làm muối ở Bạc Liêu trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2020.

Ngắm những bức ảnh Khánh Phan chụp cánh đồng xanh ngát chạy dài trong gió, hoặc cảnh những người phụ nữ hái bông súng, hoặc ảnh lò gạch Mang Thít ở Vĩnh Long, thấy ngạc nhiên, vì sao cô gái sinh ra ở Thái Bình này lại say đắm miền Tây Nam bộ như vậy.

Trang sách “Tiếng Việt 5”, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo

Khánh Phan chia sẻ: "Từ 6 - 7 năm nay, mỗi năm thường là vào mùa nước nổi, tôi đều về miền Tây vài lần mà không thấy chán và lần nào cũng được trải nghiệm qua những câu chuyện không giống nhau. Tôi có cảm tình với miền đất này, đặc biệt là với những người phụ nữ Nam bộ. Họ chất phác và duyên dáng. Nét đẹp của những con người ấy tỏa ra từ cách ăn mặc, nói năng. Trời phú cho người miền Tây nét hiền hòa, dễ chịu và tính cách ít bị tác động bởi những đổi thay bên ngoài. Có những cô gái tôi gặp lần đầu khi họ 16 tuổi và những năm sau gặp lại khi 24 - 25 tuổi, họ không khác gì".

Bức ảnh chụp tượng Phật Di Lặc tại thung lũng Nubra - Ấn Độ

Chính vì tình cảm này mà cô chụp rất nhiều ảnh về miền Tây, mà thu hoạch hoa súng được cô xem là 1 trong những đặc trưng. Từ những bức ảnh đã chụp và tham gia các cuộc thi, cô đã đưa miền Tây nước Việt Nam ra thế giới và mang những đồng nghiệp thế giới đến với phong cảnh quê nhà.

Người ta thường nói phụ nữ phải hy sinh nhiều khi sống cùng đam mê của mình, Khánh Phan ngược lại, cô nói con trai đã hy sinh nhiều vì đam mê của mẹ.

Một cánh cửa đã mở ra khung trời đẹp

Đọc những thành tựu mà Khánh Phan có được, những tưởng cô đã theo đuổi nhiếp ảnh một chặng đường thật dài. Kỳ thực, cô vốn là một nhân viên ngân hàng, cách đây chừng 10 năm thì mới bắt đầu bước vào nhiếp ảnh một cách vô định, khi chưa biết gì về bộ môn này. Khánh Phan nói cuộc sống đã dẫn lối đến với nhiếp ảnh như thể trao tặng một món quà và cứ thế cô bước đi và thấy vui.

"Sau đổ vỡ của cuộc hôn nhân, tôi và con trai đều rơi vào trầm cảm. May mắn là tôi có thói quen thích nhìn vào những thứ nhỏ xinh xung quanh mình. Một cành hoa bé dại đón ánh nắng qua kẽ lá cũng khiến tôi thấy đẹp nên tôi đã mua một chiếc máy ảnh để ghi lại vẻ đẹp ấy" - cô kể.

Tác phẩm “Băng đồng” của Khánh Phan

Cứ vậy, Khánh Phan đi theo cái đẹp và nhiếp ảnh đã đưa cô ra khỏi những cơn trầm cảm, tìm được niềm vui mới và biến cô thành một nhiếp ảnh gia.

"Nhiếp ảnh đã thay đổi cuộc sống của tôi, đưa tôi đi khắp nơi, tham gia các cuộc thi lớn, tiếp xúc với nhiều nhiếp ảnh gia trênthế giới và có thu nhập đầy đủ cho gia đình" - Khánh Phan nói thêm về niềm vui cầm máy ảnh.

Đến với nhiếp ảnh một khoảng thời gian không dài không ngắn, nhưng niềm đam mê đầy đặn để cô dấn thân không mệt mỏi. Cô thức lúc 2 - 3h sáng để canh chụp sương và mây ở tòa nhà Landmark 81, hoặc lội suối băng rừng, nửa đêm xách xe máy chạy hơn 20km, hoặc đang đặt máy ở biển thì gặp con sóng cao quá đầu làm hỏng máy... Những lần săn ảnh như vậy không phải dễ dàng gì đối với một phụ nữ. Thế nhưng, những sự cố ấy chẳng là gì, thậm chí còn thú vị khi đã vượt qua. Các giải thưởng lớn đã gọi tên cô như giải Grand Prize của Skypixel (cuộc thi quốc tế nhiếp ảnh chụp từ trên cao), Huy chương Vàng và Bạc tại giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế Tokyo...

Tác phẩm “Floral Dress”

"Các giải thưởng của tôi thấm đẫm nước mắt con tôi"

Không cần nói nhiều thì ai cũng hiểu với nhiếp ảnh, phụ nữ sẽ luôn gặp nhiều khó khăn hơn nam giới, chẳng hạn về gia đình và sức khỏe. Khánh Phan không ngoại lệ.

Cô nói: "Các giải thưởng của tôi thấm đẫm nước mắt con tôi". Đó là cô áy náyvì những ngày rời con đi săn ảnh. Người ta thường nói phụ nữ phải hy sinh nhiều khi sống cùng đam mê của mình, Khánh Phan ngược lại, cô nói con trai đã hy sinh nhiều vì đam mê của mẹ.

Cô bắt đầu đi săn ảnh lúc cậu bé mới 4 tuổi, nên thường phải đấu tranh giữa việc ở lại vì những cơn nhõng nhẽo, mè nheo đòi mẹ của con, hoặc lên đường vì cảnh đẹp ngoài kia thôi thúc. Bây giờ, con trai đã 12 tuổi. Cậu bé hiểu chuyện, không còn đòi mẹ nhiều và biết rằng mẹ đi chụp ảnh là một công việc, như bao nhiêu nghề để kiếm sống khác. Mẹ cô cũng vậy, nay đã thông cảm nhiều với những chuyến xa nhà của con gái vào các dịp quan trọng như lễ Tết, giỗ kỵ, giúp cô chăm cháu và hãnh diện vì những thành quả của con gái mình.

Lại như một người thường nói về điều tích cực, Khánh Phan nói: "Khó khăn là đương nhiên, nhưng phụ nữ có lợi thế riêng của mình, nhìn ảnh của phụ nữ chụp rất dễ nhận ra, vì có những góc nhìn mềm mại và chúng tôi còn thường cho người xem thấy sự tinh tế mà thường phụ nữ mới có. Những điều này rất khác với nam giới".

Khánh Phan đã được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao qua các giải thưởng, nhưng như cô nói, đôi khi đó là may mắn và công chúng thì luôn thấy tác phẩm đem lại cảm xúc cho mình quan trọng hơn giải thưởng. Nữ nhiếp ảnh gia này đã làm được điều ấy.

Xem ảnh Khánh Phan thường bắt gặp cảm xúc vừa dễ chịu, an lành, vừa lại như thúc giục người xem hãy đến những nơi ấy. Ví dụ thử mở những bức ảnh cô chụp vùng Tây Bắc nước ta, hồ Tuyền Lâm trong sương (Đà Lạt), hoặc ngọn núi ở Na Uy, tượng Phật Di Lặc ở thung lũng Nubra (Ấn Độ)...sẽ thấy vậy.

Đã qua nhiều nơi trên thế giới, mỗi nơi cho một cảm xúc khác nhau, nhưng Khánh Phan nói rằng Việt Nam vẫn là nơi cho cô chất liệu dồi dào để chụp ảnh, vì cô mê mẩn những làng nghề trăm tuổi, đa số nghệ nhân đều dễ mến và người dân bản địa rất dễ tiếp xúc. Theo cô, đây là những yếu tố đã thu hút hàng ngàn nhiếp ảnh gia trên thế giới đến với Việt Nam, vậy nên mỗi nhiếp ảnh gia hãy là một đại sứ du lịch cho quê hương mình.

Nhiếp ảnh gia Khánh Phan sinh năm 1985 tại Thái Bình, hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM.

Các giải thưởng lớn:

Tác phẩm Floral Dress được Grand Prize tại cuộc thi SkyPixel Annual Photo & Video Contest, lần thứ 8.

Riêng tác phẩm Hoa mặt nước đã đoạt các giải và vinh danh như: Winner hạng mục People giải Drone Siena 2019; Winner hạng mục People giải Skypixel 2018; 3rd giải Fineart 2019; Xuất bản trên Geo Magazine; Xuất bản trên Asia Airline Magazine…

Tác phẩm Drying Incense đoạt giải Nhất quốc gia giải World Photographic Cup 2019.

 

LÂM HẠNH

Nguồn: Báo điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN

Cùng chuyên mục

Thực nghiệm sách giáo khoa được tổ chức ra sao?

Thứ Ba, 03/12/2024 | 15:43

Để đảm bảo sách giáo khoa được biên soạn phù hợp với học sinh trên cả nước, các nhóm biên soạn đã tiến hành thực nghiệm giảng dạy tại nhiều địa phương với sự đa dạng về địa hình, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội.

TS. Trần Thị Thu Hà: SGK Âm nhạc 10 khơi gợi tình yêu âm nhạc cho học sinh

Thứ Năm, 14/11/2024 | 17:02

Sách giáo khoa Âm nhạc 10 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là tài liệu học tập cho học sinh lớp 10, được biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tác giả chia sẻ chuyện làm sách giáo khoa Âm nhạc chương trình mới

Thứ Năm, 17/10/2024 | 17:13

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đánh dấu lần đầu tiên môn Âm nhạc được giảng dạy ở cấp trung học phổ thông. Chính vì vậy, sách giáo khoa môn Âm nhạc cũng được biên soạn rất kỳ công.

Thái Bá Dũng và những bài báo "đưa các em qua khúc khó"

Thứ Năm, 18/07/2024 | 08:37

Thái Bá Dũng làm việc ở báo Tuổi trẻ và là cây viết gắn bó với chương trình Tiếp sức đến trường của báo trong nhiều năm.