Sách và Văn hoá đọc
Phương pháp vận động và phát huy vai trò của tổ công tác thư viện trường học
Thứ Tư, 13/05/2020 | 14:23
Số lượt xem: 6255Theo quyết định 01/2003 QĐ - BGD&ĐT, hàng năm, các trường phổ thông đều ban hành quyết định thành lập tổ công tác thư viện. Tuy nhiên, làm thế nào để khai thác nguồn lực quý giá này một cách hiệu quả nhất, tôi chắc hẳn đó vẫn là câu hỏi đặt ra đối với nhiều cán bộ thư viện.
Từ thực trạng chung của ngành và tình hình thực tế của thư viện trường công tác, tôi nhận thấy rằng việc cán bộ thư viện biết cách cộng tác với đội ngũ giáo viên và ngay chính học sinh thông qua tổ công tác thư viện là góp phần quan trọng cho sự thành công của các hoạt động thư viện. Cán bộ thư viện chính là người trực tiếp tham mưu với lãnh đạo nhà trường về nhân sự của tổ công tác. Đây là khâu quan trọng, đòi hỏi sự nhạy bén, khéo léo của người thủ thư. Bởi lẽ, càng thu hút được nhiều cá nhân có năng lực, nhiệt huyết cùng tham gia tổ công tác thì hiệu quả hoạt động càng cao.
Thành viên của tổ công tác bao gồm:
+ Lãnh đạo nhà trường phụ trách trực tiếp công tác thư viện
+ Giáo viên
Giáo viên của từng tổ bộ môn, giáo viên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi ...
Là bạn đọc thân thiết, có tâm huyết với sách, với các hoạt động thư viện.
+ Học sinh
Được giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên giới thiệu: khéo tay, có tính sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm.
Học sinh thuộc các đội tuyển học sinh giỏi.
Bạn đọc thân thiết, có lòng yêu thích với sách, năng nổ, nhiệt tình quan tâm đến các hoạt động thư viện.
Tổ công tác thư viện là lực lượng hỗ trợ đắc lực để thư viện thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh đội ngũ cán bộ thư viện hạn chế mà chất lượng và số lượng nhu cầu tin của bạn đọc ngày càng gia tăng nhanh chóng. Vai trò đó thể hiện rõ rệt như sau:
1. Tham gia vào quá trình xây dựng vốn tài liệu
Hàng năm, trước khi lập kế hoạch bổ sung tài liệu, ngoài việc căn cứ vào các loại thư mục, mục lục giới thiệu sách của Nhà xuất bản Giáo dục và một số nhà xuất bản khác, cán bộ thư viện nên nhờ sự tham vấn của đội ngũ cộng tác viên trong từng tổ bộ môn.
Cụ thể, tổ công tác thư viện tham gia cuộc họp nhằm khảo sát, đóng góp ý kiến cho kế hoạch, nội dung của đợt bổ sung. Từ tìm hiểu, nghiên cứu của cá nhân, họ sẽ tư vấn, giới thiệu những tựa sách hay, có giá trị, mang tính cập nhật cao. Bên cạnh đó, một số cộng tác viên cũng đề xuất những mảng sách còn hạn chế về số lượng, hoặc chưa phong phú về đầu sách để thư viện có kế hoạch bổ sung. Qua đó, giúp cán bộ thư viện cập nhật những vấn đề chung về kế hoạch giảng dạy, bồi dưỡng của các tổ chuyên môn, sâu sát đến nhu cầu đọc và nghiên cứu của từng giáo viên; có cái nhìn tổng quát và khách quan hơn trong công tác bổ sung tài liệu. Góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng vốn tài liệu của thư viện trường.
Đặc biệt, tổ công tác còn có thể được khuyến khích trực tiếp tham gia “đi chợ” sách cùng với cán bộ thư viện. Với tâm thế được đi chọn sách cho mình, mỗi giáo viên và học sinh sẽ luôn cảm thấy có trách nhiệm hơn với mỗi tựa sách mình chọn mua, tăng thêm lòng yêu thích và hứng thú đọc sách .
2. Hỗ trợ cán bộ thư viện trong công tác tuyên truyền, giới thiệu sách và các hoạt động ngoại khóa khác
Tuyên truyền, giới thiệu sách là một khâu nghiệp vụ hết sức quan trọng trong công tác thư viện trường học. Chính vì thế sách được giới thiệu phải được nhiều người quan tâm, có tính thời sự, có giá trị cao… như vậy mới có thể thu hút được bạn đọc tìm đọc và nâng cao kiến thức của mình. Ở một số thư viện, hoạt động điểm sách, giới thiệu sách thường được tổ chức trong các buổi sinh hoạt dưới cờ. Thiết nghĩ, hoạt động này nên được đầu tư, đổi mới để hấp dẫn và bổ ích, tránh sự nhàm chán.
Trong buổi sinh hoạt thường kì của tổ công tác hàng tháng, cán bộ thư viện thảo luận cùng với các thành viên trong tổ công tác để chọn chủ đề chính của tháng. Các chủ đề có thể được chọn từ nội dung chương trình ôn tập, chủ điểm giáo dục ngoài giờ lên lớp của nhà trường. Tùy vào chủ đề mà các thành viên trong tổ sẽ được phân công nhiệm vụ theo chuyên môn và năng lực. Sau khi chọn đủ các tựa sách cần thiết, giáo viên và nhóm học sinh phụ trách sẽ viết bài, tìm tư liệu, hình ảnh liên quan, video, nhạc... làm powerpoint, thậm chí tùy thuộc theo chủ đề có thể kết hợp minh họa bằng kịch ngắn, tiểu phẩm ...
Hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách sinh động thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, các buổi ngoại khóa hấp dẫn; các sản phẩm báo tường, báo bảng mới lạ, thú vị và đạt được hiệu ứng tốt, thu hút bạn đọc đến với thư viện cần đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo của cán bộ thư viện và cả tổ công tác.
3. Tham gia công tác thư mục
Thư mục là công cụ rất cần thiết phục vụ cho nhu cầu tìm tin của bạn đọc về một chủ đề cụ thể một cách nhanh chóng và kịp thời nhất. Công tác thư mục luôn được các thư viện chú trọng nhằm phục vụ các nội dung giáo dục trong nhà trường theo hướng chuyên sâu, đạt hiệu quả cao. Công tác thư mục đòi hỏi đầu tư thời gian, công sức và chuyên môn nghiệp vụ. Do đó, cán bộ thư viện rất cần sự hỗ trợ của đội ngũ cộng tác viên.
Cán bộ thư viện căn cứ kế hoạch thư viện hàng năm, vốn tài liệu mới được bổ sung, tình hình kinh tế, chính trị xã hội đang được quan tâm để gợi ý đề tài hoặc thảo luận với tổ công tác để chọn đề tài thư mục phù hợp với nhu cầu của bạn đọc nhà trường. Sau khi định đề tài, cán bộ thư viện cung cấp tài liệu cho cộng tác viên, đồng thời xác định phạm vi tài liệu cộng tác viên có thể khai thác thêm từ những nguồn khác. Vai trò của người cán bộ thư viện rất quan trọng trong khâu định hướng, thiết kế, phân công công việc hợp lí, giải quyết các công đoạn đúng nghiệp vụ và hoàn thiện thư mục. Công việc của tổ cộng tác cũng mang tính quyết định trong quá trình biên soạn, kiểm tra sửa chữa, góp ý về hình thức lẫn nội dung của thư mục. Phát huy lợi thế về chuyên môn của giáo viên, các thư mục được biên soạn sẽ được nâng cao đáng kể về chất lượng, hình thức; sâu sát kế hoạch, chương trình dạy - học của nhà trường. Mặt khác, nhờ sự linh hoạt, sáng tạo của học sinh, các thư mục lại gần gũi, thân thiện với bạn đọc.
4. Hỗ trợ cán bộ thư viện trong công tác xử lí kĩ thuật tài liệu
Sử dụng nguồn lực của nhóm cộng tác viên là học sinh trong các khâu xử lí kĩ thuật tài liệu, dán nhãn, bao bọc, phục hồi sách hư, cũ và sáng tạo, trang trí các góc hoạt động trong thư viện. Thành viên tổ công tác là học sinh thể hiện khả năng nhạy bén trong công việc, cùng với sự năng động của mình, các em có thể đóng góp những ý tưởng hay, có giá trị giúp các hoạt động thư viện ngày càng thân thiện, hiệu quả và được bạn đọc yêu thích.
Mạng lưới cộng tác viên học sinh không chỉ giảm một khối lượng công việc đáng kể cho người thủ thư, thúc đẩy tiến độ các quy trình nghiệp vụ mà còn giúp các em hiểu biết thêm về công tác thư viện, giáo dục tinh thần tự giác trong việc giữ gìn sách báo thư viện, từ đó nhân rộng trên học sinh toàn trường.
Thiết lập được sự cộng tác tốt với tổ công tác, cán bộ thư viện sẽ có một môi trường làm việc thuận lợi hơn. Công tác này đưa giáo viên và học sinh tham gia vào các hoạt động của thư viện, từ đó chia sẻ, cảm thông với thư viện như chính người “trong cuộc”. Họ sẽ trở thành tiếng nói, kênh tuyên truyền, giáo dục thư viện hiệu quả và chân thực nhất. Tổ công tác gồm các thành viên thuộc nhiều tổ chuyên môn, có hiểu biết và kinh nghiệm vững vàng sẽ hỗ trợ đắc lực cho cán bộ thư viện, thúc đẩy thư viện nhà trường ngày càng phát triển, góp phần định hướng đọc cho học sinh toàn trường.
Về phía cộng tác viên họ sẽ có điều kiện học hỏi và phát triển kĩ năng mới, các kĩ năng này có thể giúp ích cho việc phát triển nghề nghiệp hay hữu ích cho cuộc sống của họ. Sự cộng tác của các thành viên trong tổ xuất phát từ khát vọng và lòng nhiệt tình giúp đỡ cho sự phát triển của thư viện nhà trường nói riêng và văn hóa đọc nói chung sẽ ảnh hưởng tốt, có ý nghĩa giáo dục đối với bạn đọc trong nhà trường. Ngoài ra, tham gia tổ công tác mang lại nhiều điều thú vị, bổ ích lại giúp các em học sinh sẽ chín chắn hơn về nhiều mặt, phát triển năng lực tự học, tự sáng tạo.
Cán bộ thư viện chính là người tiên phong và là chất xúc tác của cộng đồng thư viện nhà trường. Có thể khẳng định rằng có vận động và phát huy tốt được vai trò của tổ công tác thư viện hay không phụ thuộc vào tầm nhìn, sự nghiêm túc, khéo léo và nhanh nhạy của người thủ thư. Để làm được điều đó cán bộ thư viện cần :
Phải nhận thức rõ vai trò của tổ công tác; động viên, thuyết phục những cá nhân có năng lực, tâm huyết cùng chung tay với mình trong công tác thư viện.
Tranh thủ triệt để sự ủng hộ của lãnh đạo nhà trường.
Xây dựng kế hoạch hoạt động chặt chẽ, cụ thể và hợp lí.
Trân trọng đóng góp của từng thành viên trong tổ; tùy thuộc vào quy chế từng trường, khả năng của từng thư viện mà đề xuất khen thưởng, tuyên dương xứng đáng đối với tổ công tác.
Cuối cùng, mỗi cán bộ thư viện phải không ngừng nâng cao trình độ và kĩ năng nghề nghiệp để trở thành “hoa tiêu”, nhân tố quyết định trong mọi hoạt động của tổ công tác thư viện nói riêng, công tác thư viện trường học nói chung. Nếu làm được như vậy, thư viện mới thực sự góp phần tích cực cho học sinh và giáo viên trong các hoạt động giảng dạy và học tập mang tính tương hỗ trong một môi trường học tập sáng tạo và năng động.