Media » Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa

Tác giả sách giáo khoa mới: Học sinh muốn 'thăm nhà' Vũ Thị Huyền Trang

Thứ Tư, 28/02/2024 | 17:00

Số lượt xem: 1342

Trong số các tác giả trẻ trong sách giáo khoa mới có tên nhà văn Vũ Thị Huyền Trang, cây bút quen thuộc trên Báo Thanh Niên, người được ngưỡng mộ 'viết bằng cả trái tim'.

Tác giả trong sách giáo khoa mới - nhà văn Vũ Thị Huyền Trang

Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang sinh năm 1987, tốt nghiệp khoa Viết văn và Báo chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, tới nay đã có hàng nghìn trang sách thuộc nhiều thể loại truyện ngắn, tản văn. Chị là tác giả của hàng loạt tập truyện ngắn, tản văn đã xuất bản như "Bình yên bóng mẹ", "Chỉ thấy mây trời", "Đô thị ảo", "Nơi không có hoa đào", "Bố tôi', "Khi không còn bà", "Thương nhớ đồng quê"…

Các sáng tác truyện ngắn, tản văn của tác giả trẻ cũng được đăng tải trên khắp chuyên mục sáng tác, văn hóa-văn nghệ nhiều nhật báo, tạp chí, đặc san, báo địa phương, trung ương nhiều năm qua. Trong đó, tên của chị gắn liền với nhiều truyện ngắn đặc sắc đăng trên Báo Thanh Niên số ra ngày chủ nhật.

Trong sách giáo khoa mới Chương trình GDPT 2018, nhà văn Vũ Thị Huyền Trang có trích đoạn "Hái trăng trên đỉnh núi" in trong sách giáo khoa tiếng Việt 4 tập 1 bộ Chân trời sáng tạo, NXB Giáo dục Việt Nam.

Trích đoạn "Hái trăng trên đỉnh núi" in trong sách giáo khoa tiếng Việt 4 tập 1 bộ Chân trời sáng tạo

Cây bút sinh năm 1987 cũng có thêm trích đoạn "Tạm biệt mùa hè" in trong sách giáo khoa tiếng Việt 3 tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Tác phẩm "Tạm biệt mùa hè" cũng đã được đưa vào phần Ôn tập, đánh giá định kỳ môn tiếng Việt lớp 4, bộ sách Chân trời sáng tạo, tập hai.

Nữ nhà văn đang sống, làm việc tại Phú Thọ nói: "Tôi cầm bút đến nay đã gần 20 năm. Trong suốt khoảng thời gian đó, tôi có nhiều tác phẩm đăng đàn trên báo, tạp chí trung ương và địa phương. Có tác phẩm của tôi cũng đã được đưa vào đề thi cho học sinh, hoặc lấy làm đề tài làm luận văn thạc sĩ. Nhưng khi tác phẩm của mình được đưa vào sách giáo khoa mới, tôi cảm thấy đây là một niềm vui đặc biệt, với mong muốn tác phẩm sẽ được tiếp cận với nhiều thế hệ học sinh. Tôi mong sự gần gũi, sinh động của tác phẩm sẽ được các em vui vẻ, hào hứng đón nhận. Đồng thời hy vọng rằng tác phẩm của mình cũng sẽ mang đến cho các em thêm những cảm nhận thú vị về cuộc sống".

Trang sách có trích đoạn "Tạm biệt mùa hè'' trong sách giáo khoa tiếng Việt 3 tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Nhà văn trẻ lưu lại cuốn sách giáo khoa có chữ ký và lời đề tặng, cảm ơn của nhóm tác giả sách giáo khoa tiếng Việt lớp 3, tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

"Khi có tác phẩm in vào sách giáo khoa mới, tôi không giấu được niềm vui khi nghĩ rằng rồi các con mình, các cháu trong gia đình sẽ được học chính tác phẩm của mẹ, của cô, của bá (bác - PV) mình viết. Không chỉ vậy, thỉnh thoảng tôi lại nhận được tin nhắn, cuộc gọi của bạn bè, người quen, độc giả hỏi đó có phải tác phẩm của tôi không, mọi người còn gửi kèm hình ảnh một cháu bé đáng yêu đang ngồi đọc 'Hái trăng trên đỉnh núi' hay 'Tạm biệt mùa hè' trong sách giáo khoa mới'', nữ tác giả trẻ bộc bạch.

"Nhất định sẽ xuống thăm nhà cô Trang''

Việc có tác phẩm được in trong sách giáo khoa mới còn mang đến cho nhà văn Vũ Thị Huyền Trang nhiều kỷ niệm ấm áp, xúc động khác. Đó là một em bé có cái tên rất hay là Trần Đoàn Bảo Ngọc, đang học lớp 3C, Trường tiểu học Nguyễn Trãi, H.CưMgar, Đắk Lắk. Cô bé Bảo Ngọc không tin rằng tác giả của "Tạm biệt mùa hè" trong sách giáo khoa mình đang học cũng chính là bạn học cấp ba của mẹ mình.

"Bảo Ngọc đã mượn tài khoản Facebook của mẹ gửi rất nhiều tin nhắn thoại cho tôi để hỏi xem có đúng không. Khi biết tôi đúng là nhà văn, tác giả trong sách và là bạn của mẹ cháu, cháu đã vui sướng đi khoe khắp xóm làng, trường lớp. Thỉnh thoảng cháu mượn máy của mẹ nhắn tin trò chuyện, hỏi thăm, tỉ tê rủ cô Trang vào Đắk Lắk chơi. Cháu hứa khi nào được mẹ cho về quê thăm ông bà "nhất định sẽ xuống thăm nhà cô Trang". Chính nụ cười trẻ thơ, những niềm vui bé bỏng này khiến tôi có động lực viết thêm nhiều tác phẩm dành cho lứa tuổi thiếu nhi", nhà văn Vũ Thị Huyền Trang xúc động nói.

Bé Trần Đoàn Bảo Ngọc, đang học lớp 3C, Trường tiểu học Nguyễn Trãi, H.CưMgar, Đắk Lắk bên trang sách giáo khoa có bài của cô Vũ Thị Huyền Trang

Lao động con chữ nghiêm túc

Từ đâu mà nhà văn trẻ, 37 tuổi, đã có hàng ngàn trang sách được xuất bản, bút lực luôn dồi dào và đề tài đầy ăm ắp những hơi thở về cuộc sống, gia đình, tình yêu thương con người, màu sắc văn hóa ở khắp các vùng miền? Phải chăng Huyền Trang đi liên tục, trải nghiệm không ngừng để sáng tác không biết mệt mỏi? Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang cho biết đây là câu hỏi mà chị thường nhận được từ mọi người.

Nữ tác giả trong sách giáo khoa mới cho biết sau khi tốt nghiệp khoa Viết văn-Báo chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, chị làm báo một thời gian rất ngắn rồi nghỉ hẳn để chuyên tâm viết văn. Với chị, văn chương không chỉ là niềm đam mê mà còn là công việc hàng ngày. Vì thế, chị luôn làm việc nghiêm túc và không ngừng trau dồi, học hỏi, rèn luyện ngòi bút.

"Như nhiều người viết khác, tôi sống và trải nghiệm, chịu khó quan sát cuộc sống xung quanh..."

"Đọc tác phẩm, mọi người thường nghĩ tôi đã đi nhiều nơi, sống ở nhiều vùng đất và trải nghiệm nhiều văn hóa vùng miền khác nhau. Nhưng thực tế là tôi đi ít, nhất là khi đã lập gia đình, bận bịu con nhỏ. Hàng năm, khi được các báo, tạp chí, hội văn học mời tham dự trại sáng tác trên nhiều vùng miền tôi đều không thể thu xếp thời gian để tham dự được. Cũng như nhiều người viết khác, tôi sống và trải nghiệm, chịu khó quan sát cuộc sống xung quanh để tìm nguồn cảm hứng sáng tạo và tìm kiếm những đề tài hay. Ngoài ra, tôi tìm hiểu thêm kiến thức, văn hóa vùng miền qua phim ảnh, sách vở… Thứ còn lại chính là trí tưởng tượng của một người viết đã đưa tôi đến nhiều vùng đất, gặp nhiều thân phận và sống nhiều cuộc đời để viết ra các tác phẩm của mình", tác giả trong sách giáo khoa mới, người viết lên "Hái trăng trên đỉnh núi" và "Tạm biệt mùa hè" trong sách giáo khoa cho học sinh lớp 3, lớp 4 bộc bạch.

Thúy Hằng

Nguồn: Báo Thanh niên

Cùng chuyên mục

Thực nghiệm sách giáo khoa được tổ chức ra sao?

Thứ Ba, 03/12/2024 | 15:43

Để đảm bảo sách giáo khoa được biên soạn phù hợp với học sinh trên cả nước, các nhóm biên soạn đã tiến hành thực nghiệm giảng dạy tại nhiều địa phương với sự đa dạng về địa hình, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội.

TS. Trần Thị Thu Hà: SGK Âm nhạc 10 khơi gợi tình yêu âm nhạc cho học sinh

Thứ Năm, 14/11/2024 | 17:02

Sách giáo khoa Âm nhạc 10 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là tài liệu học tập cho học sinh lớp 10, được biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tác giả chia sẻ chuyện làm sách giáo khoa Âm nhạc chương trình mới

Thứ Năm, 17/10/2024 | 17:13

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đánh dấu lần đầu tiên môn Âm nhạc được giảng dạy ở cấp trung học phổ thông. Chính vì vậy, sách giáo khoa môn Âm nhạc cũng được biên soạn rất kỳ công.

Thái Bá Dũng và những bài báo "đưa các em qua khúc khó"

Thứ Năm, 18/07/2024 | 08:37

Thái Bá Dũng làm việc ở báo Tuổi trẻ và là cây viết gắn bó với chương trình Tiếp sức đến trường của báo trong nhiều năm.