Media » Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa

Tác phẩm của người viết trẻ vào sách giáo khoa

Thứ Tư, 10/07/2024 | 14:53

Số lượt xem: 722

Ngày càng có nhiều tác phẩm của các tác giả đương đại được vào sách giáo khoa, sách tham khảo. Học sinh được tiếp cận những câu chuyện, sáng tác tươi mới với sự đa dạng về nội dung, phong cách, ngôn ngữ…

Cùng bước vào “chân trời sáng tạo”

“Chúng tôi đi chăn trâu, ngày nào cũng qua suối. Cỏ gần nước tươi tốt nên trâu ăn cỏ men theo bờ suối, rồi mới lên đồi, lên núi. Chiều về, đàn trâu no cỏ đắm mình dưới suối, chúng tôi tha thẩn tìm những viên đá đẹp cho mình” - đoạn trích từ tác phẩm Bên suối, bịt tai nghe gió của nhà văn Văn Thành Lê vừa được chọn in trong sách Tiếng Việt 5 (tập Hai, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sắp phát hành.

Trong tập sách này còn có thơ và trích văn xuôi của các tác giả: Nguyên Hương, Thụy Anh, Nguyễn Luân, Nguyễn Thu Hằng… Họ đều là những cây bút thuộc lực lượng sáng tác hôm nay, với nhiều tác phẩm đã xuất bản. Riêng tác giả Nguyễn Chí Ngoan có một đoạn trích ý nghĩa về miền Tây sông nước: Xuồng ba lá quê tôi. Đoạn trích miêu tả phương tiện đi lại phổ biến của người dân Nam Bộ cùng những giá trị về lịch sử, văn hóa trong tâm thức người dân: “Từ độ cha ông đi mở cõi, xuồng là “đôi chân của người dân Nam Bộ”. Những năm tháng quê hương bị bom cày, đạn xới, xuồng cùng nhân dân bám trụ giữ xóm, giữ làng. Xuồng chở lương thực tiếp tế cho bộ đội. Xuồng đưa du kích qua sông, len sâu vào khu căn cứ kháng chiến…”

Trong các tập Tiếng Việt cấp tiểu học (thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh diều), bên cạnh những tên tuổi: Trần Đăng Khoa, Vũ Quần Phương, Võ Quảng, Vũ Hùng, Nguyễn Trọng Tạo… còn có những cây bút trẻ: Võ Thu Hương, Huỳnh Mai Liên, Lữ Mai, Cao Nguyệt Nguyên, Phan Đức Lộc… Phần lớn các bài thơ, đoạn văn được chọn in trong sách giáo khoa (SGK), sách tham khảo đều trích từ các tác phẩm đã xuất bản của họ. Ngoài ra, cũng có những tác phẩm được viết theo đặt hàng của hội đồng biên soạn.

Ngoài đoạn trích kể trên, nhà văn Văn Thành Lê còn có trích đoạn trong truyện dài Trên đồi, mở mắt và mơ được in ở cả bộ Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống. Riêng trong tập Tiếng Việt dành cho lớp Hai và lớp Ba, anh có thơ và bài viết theo đặt hàng từ nhóm biên soạn bộ sách Chân trời sáng tạo. Một trong những cây bút thơ có tác phẩm được chọn in trong SGK nhiều nhất hiện nay phải kể đến nhà thơ Huỳnh Mai Liên (hiện là biên tập viên Đài Truyền hình Việt Nam, tác giả các tập thơ thiếu nhi: Ngày xưa của con, Biển là trẻ con, Nhà mình vui nhất…). Hiện chị đã có 6 bài thơ in trong các tập Tiếng Việt 3, 4, 5: Bài ca về loài kiến, Khi cả nhà bé tí, Nhắm mắt lại, Điều kỳ diệu…

Khi chọn tác phẩm đưa vào SGK, hội đồng biên soạn chú trọng đến mục tiêu: cung cấp kiến thức, phát triển kỹ năng đọc/viết cho trẻ nhỏ. Luyện đọc hiểu, rèn ngữ pháp, tập làm văn... Vì thế, các trích dẫn ngoài nội dung hay, giàu cảm xúc, ngôn ngữ trong sáng còn cần chuẩn ngữ pháp và trao gửi cho trẻ thơ nhiều thông điệp ý nghĩa.

Thế giới trong trang sách

Bài đọc đầu tiên trong sách Tiếng Việt 5 (tập Một, bộ Chân trời sáng tạo) là đoạn trích Chiều dưới chân núi của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Bài tập cho học sinh là tưởng tượng và kể tiếp câu chuyện, sau câu kết giàu hình ảnh và cảm xúc của nhà văn: “Trong thứ ánh sáng lộng lẫy của mặt trời cuối ngày và bên màu xanh biếc tràn đầy sức sống của những tán lá, chúng tôi tựa vào nhau ngắm lũ côn trùng đang tìm đường về nhà và thấy thật yêu mến cuộc đời này”.

Mỗi tập sách Tiếng Việt từ lớp Một đến lớp Năm đều bắt đầu từ những bài thơ, đoạn trích đặc sắc như vậy. Các trích đoạn chia sẻ những điều giản dị về tình cảm gia đình, tình thầy trò; ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước; đồng thời chứa đựng nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa và cùng trao gửi những thông điệp nhân văn. Dù mỗi tác giả chỉ góp mặt vào SGK, sách tham khảo một hoặc vài đoạn trích ngắn, nhưng đã cùng nhau làm đầy lên bức tranh đẹp về đất nước và gieo hạt, nuôi dưỡng trong tâm hồn trẻ thơ tình yêu thương bao la về cuộc đời.

“Trang sách thắp lên ngọn lửa khát khao/ Những ước mơ có dáng hình xứ sở/ Những ước mơ tuổi thơ luôn rộng mở/ Con đường dài tít tắp đợi mong ta…” - trích bài thơ Thế giới trong trang sách của nhà thơ Huệ Triệu (in trong tập Tiếng Việt 5, tập Một, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống). Gieo vào lòng trẻ nhỏ những cảm xúc trong trẻo mà lớn lao từ SGK còn có những vần thơ: “Tiếng Việt tuôn chảy mãi/ Theo mạch nguồn thời gian/ Vượt bão tố gian nan/ Nhờ bao đời gìn giữ/ Em và bạn nhắn nhủ/ Chăm đọc sách mỗi ngày/ Nắn nót bài văn hay/ Cùng nâng niu tiếng Việt” (Huỳnh Mai Liên, Tiếng Việt 5, tập Hai, bộ Cánh diều); “Con đã lớn khôn, đọc được cả những điều/ Chưa được viết trong thư người lính biển/ Nơi đầu sóng, sẵn sàng nghênh chiến/ Vẫn dịu dàng êm ái lá thư xanh…” (Thụy Anh, Tiếng Việt 5, tập Hai, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống).

 

Lục Diệp

Nguồn: Báo Điện tử Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh

Cùng chuyên mục

Tác giả chia sẻ chuyện làm sách giáo khoa Âm nhạc chương trình mới

Thứ Năm, 17/10/2024 | 17:13

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đánh dấu lần đầu tiên môn Âm nhạc được giảng dạy ở cấp trung học phổ thông. Chính vì vậy, sách giáo khoa môn Âm nhạc cũng được biên soạn rất kỳ công.

Thái Bá Dũng và những bài báo "đưa các em qua khúc khó"

Thứ Năm, 18/07/2024 | 08:37

Thái Bá Dũng làm việc ở báo Tuổi trẻ và là cây viết gắn bó với chương trình Tiếp sức đến trường của báo trong nhiều năm.

Nhà văn Võ Chí Nhất: "Tôi tập tành viết trinh thám từ năm lớp 7"

Thứ Sáu, 12/07/2024 | 09:22

Sinh năm 1993, nhà văn - đại úy Võ Chí Nhất định danh trong lòng độc giả bởi dòng truyện trinh thám - con đường rất ít ngòi bút theo đuổi.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nhà văn Lê Văn Trường - Viết về những nỗi nhớ trên Cù Lao Dung

Thứ Hai, 08/07/2024 | 10:25

Lê Văn Trường tự nhận mình là người nông dân thích viết, nhưng quả thật những trang viết của "người nông dân" này rất dễ khiến người đọc đồng cảm