Sách và Văn hoá đọc

Trường phổ thông liên cấp Olympia: Đọc sách với một tình yêu

Thứ Năm, 14/05/2020 | 15:39

Số lượt xem: 2731

Với phương châm “Chuẩn bị hành trang cho cuộc sống”, bên cạnh việc nỗ lực trang bị kiến thức, kĩ năng cho học sinh, trường Phổ thông liên cấp Olympia còn triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm hướng đến mục tiêu đào tạo và chăm sóc để học sinh phát triển toàn diện trí lực, thể lực và tinh thần. Trong đó, xây dựng phong trào đọc sách cho giáo viên, học sinh luôn được coi là một trong những hoạt động trọng tâm của nhà trường trong những năm qua.

1. Đọc là học

Quan điểm “Đọc là học” đã sớm được lãnh đạo trường Phổ thông liên cấp Olympia chia sẻ từ những ngày đầu thành lập trường (năm 2008). Từng bước cụ thể quan điểm đó, nhà trường yêu cầu dành thời lượng từ 1 đến 2 tiết Văn và Tiếng Anh/ tuần để các con đọc sách. Trong 2 tiết đó, các em học sinh đến đọc sách tại Thư viện trường dưới sự hướng dẫn của cán bộ thư viện và các thầy cô phụ trách. Trong không gian rộng khoảng 600m2, tràn ngập ánh sáng tự nhiên, với những khu vực đọc linh hoạt xen kẽ giữa những hàng giá sách được sắp xếp ngay ngắn, học sinh của trường có thể ngồi trên ghế, hoặc tự chọn cho mình tư thế đọc thoải mái nhất ở một góc thảm trong phòng, hay tham gia vào những nhóm cùng đọc và trao đổi thông tin. Sự linh hoạt ấy giúp các em cảm thấy dễ chịu khi vào Thư viện và không có cảm giác bị gò bó hay bắt buộc khi thực hành đọc sách. Từ đó, các em có niềm yêu thích ban đầu với việc đọc sách và bắt đầu có những lựa chọn khác nhau về thể loại sách, về nội dung, về thời lượng... Để khuyến khích tinh thần ham đọc, ham học của các em, nhà trường cũng có chủ trương cho phép tính điểm đọc sách vào kết quả học tập môn Ngữ văn của học sinh. Nhờ vậy, học sinh nhà trường dần dần có thói quen đọc sách và coi đọc sách như một nhu cầu thiết yếu, có tác dụng tích cực trong việc giúp các em tham khảo kiến thức để phục vụ những môn học và các hoạt động khác trong trường, đồng thời tạo cho các em những giờ phút thảnh thơi, vừa thư giãn, vừa thu nhận thông tin hữu ích, mở rộng tầm hiểu biết, tránh xa những hoạt động không có tác động tốt đối với nhận thức và sự phát triển của các em.

Nhận thấy có một số em học sinh trong trường chưa thật sự tự tin trong việc lựa chọn tài liệu tham khảo, chưa dám thử sức mình với những ấn phẩm có độ dày hoặc nội dung mà các em e ngại là quá sức với mình, dẫn đến việc các em thường chọn đọc truyện tranh, truyện ngắn hay những ấn phẩm với hàm lượng khoa học, giá trị nghệ thuật thấp hơn giá trị giải trí, giáo viên thư viện cùng các thầy cô chủ nhiệm, giáo viên môn Ngữ văn và tiếng Anh cùng các lực lượng khác đã thảo luận và thống nhất về việc cần có thêm sự định hướng để tăng cường hiệu quả việc đọc của các em. Được Ban Giám hiệu ủng hộ, các tổ bộ môn cùng thư viện trường đã lên chương trình đọc sách cho học sinh, theo đó có 10 đầu sách được giới thiệu để các em lựa chọn, kèm theo yêu cầu là các em sẽ chọn ít nhất 4 trong số 10 đầu sách đó để đọc và đánh giá về nội dung, hình thức... cuốn sách. Ngoài ra, các em vẫn được tự do lựa chọn tham khảo các sách khác theo sở thích, thói quen của mình. Theo phong trào này, các em học sinh đã lần lượt được thử sức với những thể loại sách khác nhau, có nội dung và hình thức thể hiện phong phú, hấp dẫn. Sau quá trình đọc sách, từ những cảm xúc, cảm nhận riêng của các em với cuốn sách, các em đã đánh giá cuốn sách theo những cách riêng biệt: viết bài bình sách, sân khấu hóa nội dung sách, kể chuyện theo sách, thuyết trình về sách, viết tiếp nội dung cuốn sách... Những hoạt động sáng tạo này của học sinh được nhà trường rất trân trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em thể hiện mình qua trang sách như tổ chức những cuộc thi, ngày hội, sự kiện về sách để các em trình bày kết quả đọc sách của mình; lưu giữ trang trọng các bài bình sách của học sinh; có chính sách rõ ràng, minh bạch để khuyến khích, khen thưởng các em trong phong trào đọc sách... Một trong những kết quả đến nay vẫn còn sức lan tỏa và tạo cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh của nhà trường, đó là việc ghi Nhật kí đọc sách. Những cuốn Nhật kí đặc biệt ấy là nơi lưu trữ mọi dấu ấn về việc đọc qua từng lớp học, từng thời điểm phát triển của các em; cũng như thể hiện rõ nét sự tiến bộ của mỗi học sinh qua việc tìm sách, đọc sách, cảm nhận về sách, sáng tạo trong và sau khi đọc...

2. Đọc sách bắt đầu từ những người thầy

Xác định rõ, mỗi người thầy là một người đọc tích cực, Ban Giám hiệu trường Phổ thông liên cấp Olympia đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để phát triển phong trào đọc sách trong đội ngũ giáo viên của nhà trường. Cho rằng thầy cô cần phải là tấm gương cho học sinh noi theo trong việc đọc sách - một phần tất yếu của quá trình học tập suốt đời, nhà trường luôn quan tâm và khuyến khích giáo viên tìm kiếm tài liệu tham khảo từ thư viện và những nguồn khác nhau để không ngừng hoàn thiện bản thân, thực hiện trách phận cao quý của mình, đồng thời truyền nguồn cảm hứng đối với sách vở và tri thức cho đông đảo học sinh. Trên cơ sở đó, tập trung trọng tâm vào xây dựng vốn tài liệu, thư viện trường liên tục được bổ sung sách theo các tiêu chí: phù hợp, cập nhật, đa dạng... và tài liệu được xử lí nghiệp vụ theo các chuẩn nghề nghiệp, tổ chức kho đảm bảo các yếu tố: khoa học, thuận tiện cho người dùng, có tính thẩm mĩ cao... Chính nguồn tài liệu dồi dào và có chất lượng là yếu tố đầu tiên thu hút giáo viên và học sinh đến học tập tại thư viện trường.

Đại diện Ban Giám hiệu, cá nhân Hiệu trưởng nhà trường luôn gương mẫu trong việc đọc sách, đã bằng nhiều hành động cụ thể để thể hiện tình yêu với sách, với sự nghiệp trồng người và lan truyền tình yêu ấy tới mọi giáo viên. Hàng tuần, đích thân Hiệu trưởng gửi thư tới mọi cán bộ nhà trường, với nội dung giới thiệu một cuốn sách để mọi người cùng tham khảo. Vào dịp xuân mới 2016, quà lì xì của Hiệu trưởng dành cho giáo viên là hơn 100 cuốn sách và giáo viên nhà trường đã đón nhận phần quà này với niềm hân hoan, trân trọng. Nhiều cuốn sách trong số đó đã được giáo viên giới thiệu lại cho học sinh và trở thành cuốn sách yêu thích, tạo động lực cho các em trong nhiều năm học. Đến nay, với số lượng cán bộ, giáo viên khoảng 300 người, nhà trường đã chọn ra một số đầu sách trọng điểm để giáo viên tham khảo, trao tặng cho nhau với những lời đề tặng ý nghĩa. Đọc sách và trao đổi sách trong nội bộ cán bộ, giáo viên trong trường đã trở thành thói quen và là niềm vui của các thầy cô giáo. Từ đây, niềm vui đọc sách, khát khao tri thức và truyền thụ tri thức vốn là một tình yêu được thầy cô vun đắp hàng ngày đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều học sinh các cấp học trong nhà trường.

3. Rèn luyện kĩ năng để nâng cao hiệu quả đọc sách

Qua năm tháng, cùng với những chương trình được phát động tập trung vào việc đọc, đến nay đọc sách đã trở thành một thói quen, một nhu cầu thiết yếu và được ví như một tình yêu đối với cả thầy và trò trường Phổ thông liên cấp Olympia. Chưa dừng lại ở đó, để tạo thêm chiều sâu cho việc đọc, Ban Giám hiệu nhà trường đặt quyết tâm cao trong việc rèn luyện kĩ năng và tăng cường hơn nữa chất lượng đọc sách trong toàn trường.

Những năm gần đây, nhà trường đã nhiều lần mời các chuyên gia từ Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ... đào tạo kĩ năng đọc và viết cho giáo viên của trường. Hướng đến mục tiêu 100% giáo viên được đào tạo và thành thục kĩ năng này, Ban Giám hiệu tiếp tục chỉ đạo triển khai nhiều chương trình cụ thể phù hợp với nội dung từng môn học nói riêng và đáp ứng yêu cầu đào tạo nói chung của nhà trường.

Đối với học sinh, các kĩ năng đọc và viết thường xuyên được rèn luyện và phát triển với sự hướng dẫn của giáo viên thư viện và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, những cộng tác viên thư viện của nhà trường. Tại thư viện trường, cũng như trong các lớp học, các con được hướng dẫn những phương pháp, kĩ năng tìm tài liệu, lựa chọn tham khảo và đánh giá tài liệu sau khi đọc. Kết hợp lí thuyết với thực hành, học sinh luôn được yêu cầu hoặc khuyến khích hoàn thành việc đọc và viết nhận xét về một số lượng sách nhất định trong năm học, với nội dung đa dạng và có thể đó là sách được viết bằng tiếng Anh.

Để việc đọc không trở nên nhàm chán, khiên cưỡng hay quá tách rời với các môn học ở lớp, nhà trường đã lên kế hoạch kết hợp đọc sách với các hoạt động khác nhau và đây được xem một hình thức bổ trợ cho một số môn học, chẳng hạn: kết hợp đọc Truyện Kiều (Nguyễn Du) thuộc nội dung chương trình Ngữ văn với việc xem vở diễn về Kiều (Nhà hát kịch Việt Nam trình diễn), hay tự dàn dựng và diễn một vở riêng của mình; kết hợp đọc tài liệu lịch sử thuộc môn Lịch sử với việc tham gia trải nghiệm thực tế tại các cố đô của đất nước (hoạt động thuộc dự án Hành trình cố đô do trường thực hiện)... Có rất nhiều dự án như vậy đã được triển khai tại trường trong suốt thời gian qua, góp phần làm cho việc đọc của các em ngày càng trở nên hấp dẫn và tạo được hiệu quả bền vững, như: Dự án Nghệ sĩ nhỏ trên sân khấu lớn, Cuộc đời tôi là trang sách mở, Cảm xúc riêng con… và các câu lạc bộ Khoa học, Kịch nghệ, Tiếng Anh…

Trải qua 10 năm xây dựng và trưởng thành (2008-2018), thầy và trò trường Phổ thông liên cấp Olympia đã không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua những thử thách và sự nỗ lực ấy đã được đền đáp bằng những bảng thành tích ngày càng dài ra sau mỗi năm học. Nhà trường liên tục có nhiều học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo khoa học, thể thao, tranh biện, hùng biện bằng tiếng Anh… được tổ chức trong và ngoài nước. Điều đó phần nào giúp nâng cao vị thế của trường trên bản đồ giáo dục Việt Nam và trong khu vực. Đại diện nhà trường đã nhiều lần được mời đến chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn triển khai chuyên đề về Tiết đọc sách, về tổ chức hoạt động ngoại khóa, về xây dựng và thực hiện thành công các dự án giáo dục quy mô nhà trường và mở rộng… Những thành tích ấy một mặt khẳng định hướng đi đúng đắn của trường Phổ thông liên cấp Olympia trong thời gian qua, mặt khác cho thấy tiềm lực của trường sẽ ngày càng được bồi đắp, hứa hẹn những mùa hoa thơm quả ngọt bội thu ở vườn cây tri thức của thầy và trò nơi đây trong giai đoạn tới.

Đến trường Phổ thông liên cấp Olympia, ngắm nhìn những học sinh đang miệt mài đọc sách ở thư viện hay mải miết tập luyện ở sân bóng, sẽ có cảm giác như các em đang tiếp nối thầy cô và những thế hệ trước từng bước chinh phục ngọn núi Olympia huyền thoại. Tin rằng, những giọt mồ hôi, những trang sách mở cùng tình yêu tri thức và khát khao cống hiến sẽ là những nấc thang đưa thầy và trò của nhà trường tiến thêm những bước vững vàng trên chặng đường chinh phục đỉnh cao trí tuệ…

Vân Nga

Cùng chuyên mục

Tháng tư – Mùa lễ hội của sách, văn hóa đọc, thư viện…

Thứ Ba, 16/04/2024 | 16:58

Ở nhiều quốc gia, nhất là khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ, tháng Tư mở đầu bằng một ngày truyền thống thú vị

Điểm sáng về công tác thư viện và văn hóa đọc tại Trường THCS Nguyễn Cao Cảnh -Chợ Mới - An Giang

Thứ Hai, 30/05/2022 | 09:00

Rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh (HS), giúp các em nâng cao sự hiểu biết và phát triển kĩ năng sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

THƯ VIỆN - NHỮNG NỖ LỰC HƯỚNG ĐẾN THÂN THIỆN

Thứ Ba, 05/01/2021 | 10:18

Sau nhiều nỗ lực đầu tư nâng cấp hệ thống thư viện trường học ở nước ta,

THƯ VIỆN LIÊN XÃ - MỘT MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG MỚI CỦA THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC HUYỆN CHỢ MỚI

Thứ Ba, 05/01/2021 | 10:05

Trong lịch sử tồn tại của mình, thư viện trường học từ lâu đã khẳng định được vị trí quan trọng trong việc phục vụ cho các hoạt động giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh.